28/10/2017 10:18 GMT+7

Bán hàng Trung Quốc, Khaisilk làm tổn thương niềm tin hàng Việt

NHƯ BÌNH - NGỌC AN
NHƯ BÌNH - NGỌC AN

TTO - Sau khi ông chủ Khaisilk thừa nhận bán hàng Trung Quốc, nhiều khách hàng đã vô cùng thất vọng.

Bán hàng Trung Quốc, Khaisilk làm tổn thương niềm tin hàng Việt - Ảnh 1.

Chiều 27-10, cửa hàng Khaisilk (số 101 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) đóng cửa im lìm - Ảnh: NG.TRÍ

Do tính chất công việc, mỗi năm anh Đông (làm việc tại một công ty Singapore) đều mua khăn lụa của Khaisilk để tặng cho các giáo sư người Nhật kèm theo lời giới thiệu đây là hàng cao cấp của VN. 

Dễ nhầm lẫn lụa Việt, lụa Tàu

Sau khi chính ông chủ của thương hiệu này thừa nhận đó là hàng Trung Quốc, anh Đông vô cùng thất vọng.

"Dù có nhiều thương hiệu nhưng tôi đã tin Khaisilk là hàng "made in VN" nên mới mua tặng. Giờ ông chủ thương hiệu Khaisilk cho biết sẵn sàng đổi sản phẩm nếu người mua muốn nhưng làm sao tôi dám mở miệng thông báo với người nhận quà rằng mình đã tặng hàng dỏm cho người ta, mất uy tín cho họ và cả mình" - anh Đông nói.

Cũng như anh Đông, nhiều người từng chọn sản phẩm của Khaisilk để làm quà tặng cho đối tác đều bày tỏ thất vọng với việc mạo danh sản phẩm "made in VN" của thương hiệu này. 

Bà Lương Thị Thanh Hạnh, giám đốc Công ty Hanhsilk (làng nghề Đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình), cho rằng việc gầy dựng được một thương hiệu thành công như Khaisilk là không dễ tại thị trường lụa VN, nhất là trong bối cảnh lụa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.

Theo bà Hạnh, để sản xuất khăn lụa VN, một xưởng hoạt động hết công suất chỉ có thể được vài chục chiếc mỗi ngày, trong khi sản xuất lụa theo công nghệ của Trung Quốc có thể làm hơn 1.000 cái/ngày. 

Ông Trần Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường nói vụ Khaisilk "làm giảm sút niềm tin trong nhân dân" - Thực hiện: CHÍ TUỆ

Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm lụa chưa chuẩn xác dẫn đến sự nhập nhằng giữa lụa Trung Quốc và lụa VN, được một số cơ sở lợi dụng để bán được giá cao.

Nhiều người dùng thường cho rằng lụa VN chạm vào phải mát, nuột và không nhăn. Tuy nhiên, đây chính là đặc điểm của lụa Trung Quốc. 

Màu sắc của lụa Trung Quốc cũng khá rực rỡ, hoa văn đa dạng, trong khi lụa VN lại đơn giản về kiểu dáng, vải dễ nhăn do dệt bằng thủ công, ít sử dụng hóa chất. 

"Tuy vậy, với lụa VN, mặc vào người mùa đông sẽ ấm còn mùa hè lại mát, các nếp nhăn cũng tự điều chỉnh khi có hơi ấm người" - bà Hạnh nói.

Tổn thương tâm lý ủng hộ hàng Việt

Lụa Trung Quốc cũng có nhiều chất lượng khác nhau, từ hàng siêu cao cấp đến hàng rẻ tiền, có giá chỉ hơn 100.000 đồng/cái. Các sản phẩm này nhập về VN có thể bán lời gấp nhiều lần. 

Ông Hoàng Khải rút khỏi hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam Làng lụa Vạn Phúc không cung cấp lụa cho Khaisilk Đến lượt các cửa hàng Khaisilk ở TP.HCM đóng cửa

Đây cũng là lý do mà ngành lụa trong nước không thể cạnh tranh được, rất ít người chịu khó đầu tư cho sản xuất tơ lụa. 

Thay vào đó, nhiều người đi nhập về trà trộn hoặc thay nhãn mác bán cho khách du lịch giá cao.

"Tôi vừa đi Trung Quốc theo lời mời của Hiệp hội Tơ lụa nước này, đến chợ lụa ở Hàng Châu mới thấy người Việt, người châu Âu... sang đây buôn hàng rất tấp nập" - bà Hạnh kể. 

Giám đốc một doanh nghiệp ngành lụa cũng thừa nhận với thiết bị, công nghệ mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu, doanh nghiệp VN phải mất hàng chục năm sau mới có thể sản xuất đạt năng suất và mẫu mã như lụa Trung Quốc hiện nay.

"Sự cố của Khaisilk chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin hàng lụa VN, vốn đang thiếu trầm trọng, các làng nghề dần biến mất" - vị này nói. 

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia trong nghiên cứu hành vi của người mua hàng, sự cố này đã làm tổn thương tâm lý niềm tin hàng tiêu dùng VN, liên lụy đến các sản phẩm VN sau một thời gian dài chật vật của chương trình Người VN ưu tiên dùng hàng VN.

Đặc biệt, tâm lý người tiêu dùng Đông Á rất trọng văn hóa quà tặng. Khi mua một sản phẩm quà tặng cho đối tác hay người thân, người đi tặng rất coi trọng xuất xứ và chất lượng sản phẩm, xem nó như đại diện hình ảnh người đi tặng quà.

"Khi người bán không đáp ứng được nhu cầu đó sẽ xuất hiện sự phản kháng rất mạnh, đó là sự tẩy chay sản phẩm. Và kinh nghiệm cho thấy trong khoảng 3 tháng kể từ khi xảy ra khủng hoảng, những thương hiệu nằm trong diện này sẽ giảm ít nhất 50-60% sức mua" - ông Hoàng nhận định, đồng thời cho rằng việc thu hồi sản phẩm này là một động thái cần thiết.

TS Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia tư vấn chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng thương hiệu Việt sẽ bị hoài nghi nhiều hơn sau vụ Khaislik.

Theo TS Thịnh, đây cũng là bài học đau xót cho doanh nghiệp VN đã quên đi những giá trị cốt lõi khi xây dựng và phát triển thương hiệu. Đó là chất lượng sản phẩm và tính trung thực.

Trên thực tế, tình trạng gian dối, thiếu trung thực làm hàng giả hàng nhái cũng đã xảy ra rất phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Niềm tin của người tiêu dùng không mất hoàn toàn, nhưng chắc chắn sẽ xét nét hơn với hàng Việt.

Từ vụ việc này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức được rằng thương hiệu không phải thứ trang điểm mà cần tạo dựng và phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Cần nhìn nhận những hạn chế, khiếm khuyết nào cần khắc phục trên nền tảng đảm bảo chất lượng và lòng tin cho khách hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát và tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như góp phần gây dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng với hàng Việt.

NHƯ BÌNH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên