Chị Thúy Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) có shop thời trang và quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội. Chị Nga cho rằng thu thuế trên Facebook cũng được nhưng cần ở mức hợp lý - Ảnh: T.T.D. |
Trong giai đoạn đầu chỉ nên nhắm đến những người kinh doanh lớn, chuyên nghiệp trên mạng xã hội, chứ không nên thu thuế tất cả vì nhiều người kinh doanh như nghề tay trái, thời vụ |
Các ý kiến đều cho rằng việc yêu cầu kê khai, từ đó kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm sẽ giúp hoàn toàn có thể thu thuế bán hàng trên Facebook. Tuy nhiên, phải làm từng bước.
* TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế):
Áp dụng thuế như với hộ kinh doanh cá thể
Tại các nước phát triển, tất cả thu nhập đều phải kê khai và nộp thuế. Vừa qua cơ quan chức năng đặt vấn đề nên thu thuế với bán hàng qua mạng xã hội, có ý kiến cho rằng nên áp dụng như với hộ kinh doanh cá thể, tức doanh thu trên 100 triệu đồng mới phải kê khai, nộp thuế.
Theo tôi, mức này là hợp lý. Cần quy định tất cả cá nhân kinh doanh qua Facebook đều phải kê khai, đến mức nhất định mới phải nộp thuế. Mục đích là để từng bước kiểm soát được nguồn thu. Giao dịch trên mạng rất khó kiểm soát nên phải thực hiện từng bước.
* Ông Bùi Quang Tín (khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM):
Cần quy định rõ chế tài
Theo nguyên tắc của Luật quản lý thuế, đã kinh doanh là phải nộp thuế. Cần yêu cầu người kinh doanh trên Facebook phải thực hiện các trách nhiệm như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân, cung cấp tình hình kinh doanh cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định.
Từ việc đăng ký hợp pháp, cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế. Cơ quan thuế cũng cần ban hành các văn bản chế tài cụ thể đối với người vi phạm.
Còn mức thu bao nhiêu, theo tôi thất thu không nằm ở mức thu bao nhiêu, mà làm sao để kiểm tra, kiểm soát với nguồn thu này.
Hiện nay với hàng triệu tài khoản Facebook, theo tôi, trong giai đoạn đầu chỉ nên nhắm đến những người kinh doanh lớn, chuyên nghiệp, chứ không nên đặt mục tiêu thu thuế tất cả đối tượng vì nhiều người kinh doanh như nghề tay trái, thậm chí thời vụ.
Nếu đặt mục tiêu kiểm soát hết thì sẽ mất nhiều nguồn lực và không hiệu quả.
* Anh Nguyễn Hồng (một người kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội):
Đừng tận thu
Theo tôi, đánh thuế người bán nhỏ lẻ trên mạng xã hội dễ bị nói là tận thu. Cần có quy định rõ ràng. Làm được hãy làm, nếu đặt ra mà không thu được, hoặc chỉ “nắm người có tóc” lại tạo ra không công bằng thì không nên làm.
Thực tế chúng tôi muốn nộp thuế cũng... khó. Lúc mới hoạt động, để tránh rủi ro, tôi đã đi làm thủ tục khai thuế. Thế nhưng khi đến phòng kinh tế quận hỏi thì được trả lời quận không quản lý kinh doanh qua mạng, phải lên cấp thành phố.
Tôi cũng nghe nói đối với những trường hợp kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh nhỏ thì đóng thuế khoán gì đó nhưng với hộ bán hàng online không biết sẽ làm việc với ai? Bây giờ tôi có muốn đóng thuế cũng không biết đóng ở đâu.
Hiện nay, kinh doanh trên mạng xã hội nở rộ, không chỉ trên Facebook mà còn trên Zalo, Instagram, YouTube... Các mạng xã hội chỉ là kênh giao tiếp, họ không quản lý doanh thu hay quản người dùng bán cái gì, giá thế nào...
Nên để thu được thuế cũng như quản lý đúng thì phải bắt đầu từ sự chủ động của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn thông báo các nhân, tổ chức muốn bán hàng online phải đăng ký ở đâu.
Từ nghề tay trái thành “tay phải” Sau hơn 4 năm bỏ vốn kinh doanh cùng em gái các sản phẩm quần áo, thời trang giá rẻ trên Facebook, chị Huyền Thanh (Hà Đông, Hà Nội) vừa kinh doanh thêm các mặt hàng quần áo, giày dép trẻ em. “Ban đầu mình chỉ xem bán hàng trên Facebook như một nghề tay trái. Nhưng sau thấy thuận lợi nên đầu tư thêm”. Đến nay, từ việc bán lẻ chị Thanh đã chuyển sang bán buôn. Khi được đặt hàng và hỏi doanh thu, chị chia sẻ “có tháng trăm triệu, nên ông xã mình đã nghỉ việc để tập trung kinh doanh”. |
Một lãnh đạo Bộ Tài chính: Sẽ quy định phải thanh toán qua ngân hàng Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế nghiên cứu để có hướng dẫn thu thuế với kinh doanh trên mạng. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về việc này. Bán hàng trên mạng hiện có hai đối tượng gồm doanh nghiệp và cá nhân. Với doanh nghiệp, việc kinh doanh trên mạng chỉ là một kênh bán hàng nên doanh nghiệp vẫn phải hạch toán và vẫn quản lý được thuế. Do đó không có chuyện thất thu. Còn với cá nhân, đúng là quản lý thuế không đơn giản, vì rất khó phân biệt người ta bán hàng đó là kinh doanh hay không. Trường hợp nếu kinh doanh mà chưa đến ngưỡng nộp thuế (doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế - PV) sẽ không thể thu thuế. Tại các nước, quản lý thuế không quá khó khăn khi mỗi cá nhân đều có mã số thuế. Và với giao dịch thanh toán từ 50 USD trở lên phải chuyển khoản chứ không dùng tiền mặt. Nếu đến ngưỡng nộp thuế thì ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ. Ai đó không kê khai sẽ bị xử phạt nghiêm và truy thu. Ở VN khó khăn hơn khi giao dịch thanh toán giữa các cá nhân phần lớn vẫn bằng tiền mặt. Để quản lý, cơ quan thuế sẽ làm theo thực tiễn VN. Với doanh nghiệp kinh doanh trên mạng, chỉ cần tăng cường kiểm tra. Với cá nhân, chúng ta đã quy định kinh doanh là phải đăng ký và cơ quan thuế sẽ quản lý theo địa chỉ, nơi cư trú. Đồng thời sẽ quy định theo hướng doanh thu đạt ngưỡng nào đó trong năm, quý thì phải kê khai và nộp thuế. Bên cạnh đó, cũng phải quy định thanh toán mua hàng trên mạng phải thanh toán qua ngân hàng. Chính phủ vừa phê duyệt đề án không dùng tiền mặt, cơ quan thuế sẽ bám sát vào đề án này. Tuy nhiên, việc này không thể làm ngày một ngày hai được. |
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận