Có doanh nghiệp nói doanh thu khá tốt nhưng vẫn phải dừng vì "không ăn thua".
Bán ế, mất cả tiền hủy hàng
Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc Meet More, kể doanh nghiệp từng mở rộng kênh bán hàng trên Amazon. Tuy nhiên hiện phải tạm dừng vì sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp không lãi, thậm chí lỗ.
"Doanh thu khá tốt, nhưng chi phí vận chuyển và lưu kho cao", ông Luận nói.
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, có hai hình thức các nhà bán hàng có thể lựa chọn để bán qua Amazon. Thứ nhất, FBA - dịch vụ gồm lưu kho, tiếp nhận đóng gói và chuyển hàng cho những người bán hàng trên Amazon, nôm na Amazon sẽ lo "trọn gói", doanh nghiệp chỉ lo bán hàng.
Thứ hai, FBM - một hình thức quản lý đơn hàng trên Amazon, trong đó người bán tự chịu trách nhiệm xử lý và giao hàng cho khách.
"Chúng tôi chưa có điều kiện xây dựng được kho hàng, cũng chưa kết nối được đối tác hay đại lý phân phối bên Mỹ, nên sử dụng FBA. Nhưng biên lợi nhuận sản phẩm thấp, không thể hy sinh lợi nhuận để có đơn hàng", ông Luận nói.
Tiết lộ hướng đi sắp tới, ông Luận cho biết đang tìm kiếm đối tác bên Mỹ, xử lý được rào cản về chi phí mới có thể tiếp tục mở rộng bán hàng trên Amazon hay bất kỳ sàn thương mại điện tử quốc tế nào khác.
Ông N.C.T., một doanh nghiệp ngành mỹ phẩm, cũng cho biết năm ngoái có lô hàng FBA đầu tiên gửi sang kho Amazon. Tuy nhiên, do chiến lược nghiên cứu sản phẩm với hành vi người dùng bên Mỹ chưa phù hợp, trong 5 dòng sản phẩm doanh nghiệp gửi sang chỉ có 2 sản phẩm phát sinh đơn hàng.
Không riêng các trường hợp nêu trên, ông Nguyễn Dũng - CEO CTCP thương mại điện tử 5MSTAR, nhà sáng lập cộng đồng những nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon với gần 100.000 thành viên - cho biết doanh nghiệp thất bại rất nhiều.
"Người ta hay truyền thông, quảng bá những đơn vị thành công hoặc bản thân các DN cũng chỉ muốn nói khi kiếm được nhiều tiền. Nhưng thực tế thất bại rất nhiều" - ông Dũng nhấn mạnh và kể về một doanh nghiệp bán sản phẩm "trending" (xu hướng) trên Amazon, nhưng đáng tiếc qua mùa vẫn không bán hết được, tồn kho lớn.
Xoay đủ cách không bán hết, họ còn phải mất thêm cả chi phí hủy lô hàng bởi càng để thì tiền lưu kho càng lớn.
Một doanh nghiệp tại huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng đã đưa bánh tráng, bún phở khô bán trên Amazon. Đại diện đơn vị này thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập và tính hiệu quả chưa được như mong muốn.
Dù gần 3 năm đưa hàng lên sàn nhưng doanh số vẫn khiêm tốn, chỉ tăng 15 - 20% so với thời điểm ban đầu và chiếm tỉ lệ ít ỏi trong cơ cấu doanh thu.
"Giá bán trên sàn thương mại điện tử quốc tế có thể cao gấp nhiều lần giá bán trong nước, nhưng lợi nhuận không nhiều hơn. Các chi phí như vận hành, quảng cáo phải trả khi lên sàn thương mại điện tử quốc tế khá cao, chưa kể các chi phí về vận tải, kho bãi, đóng gói... Điều này khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư đẩy mạnh kênh này", đại diện đơn vị này lý giải.
Ngược lại, ông Cao Thúc Uy, giám đốc Công ty Cao Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu), lại thấy so với chi phí để tiếp cận khách hàng quốc tế theo cách thức truyền thống, chi phí trên Amazon hay Alibaba thấp hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa "mặn mà" với hình thức này vì chưa có kinh nghiệm và ngại phát sinh trong quá trình giao nhận hàng hóa...
Phải làm bài bản
Theo số liệu từ Amazon, năm 2023 số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon tăng hơn 300% so với năm 2019. Đồng thời số lượng nhà bán hàng Việt Nam có doanh thu hơn 1 triệu USD trên Amazon trong năm 2023 cũng tăng gần 10 lần so với năm 2019.
Ông Phùng Quốc Mẫn, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm 15,9% so với 2022, chỉ đạt 13,18 tỉ USD.
Khi phân khúc thị trường xuất khẩu truyền thống gặp nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, hàng rào bảo hộ gia tăng... thì doanh số thương mại điện tử nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng.
"Tuy nhiên, mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài", ông Mẫn nói.
Ông Trần Hữu Hậu, phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho rằng về lý thuyết, ưu điểm của kênh thương mại điện tử quốc tế là "giúp ngồi nhà nhưng vẫn bán hàng đi muôn nơi". Tuy nhiên với hàng nông sản như điều, tiêu, cà phê... hiện hầu hết bán qua môi giới, kể cả những sản phẩm được chế biến sâu.
"Thị trường đã hình thành từ sớm nên các doanh nghiệp gần như đã biết nhau, hệ thống thanh toán và giao nhận hàng hóa quốc tế bằng đường biển khá thuận lợi, giá thành khá rẻ. Do đó, hầu hết doanh nghiệp vẫn ưu tiên chọn kênh buôn bán này, thay vì "ăn đong" trên sàn", ông Hậu nhìn nhận.
Thất bại, khó khăn khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế đến từ nhiều lý do. Nhưng theo ông Nguyễn Dũng, thiếu kinh nghiệm, "ăn xổi, lướt sóng" vẫn là nguyên nhân phổ biến. Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch nghiên cứu thị trường còn sơ sài, chỉ chú tâm cạnh tranh về giá. Trong khi nhu cầu khách hàng thay đổi quá nhanh.
Ông Nguyễn Dũng cho rằng doanh nghiệp không còn cách nào khác phải có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chiến lược lâu dài, nghiêm túc cùng với nỗ lực xây dựng thương hiệu. Thực tế có không ít đơn vị bán rất tốt nhưng chỉ được thời gian ngắn là bão hòa vì không xây dựng được thương hiệu bền vững.
Công thức rõ ràng, cần lựa chọn tối ưu
Với câu chuyện chi phí "ăn mòn" doanh thu, ông Nguyễn Dũng cho biết các sàn đều đưa ra công thức tính khá rõ ràng, doanh nghiệp cần tính toán kỹ để lựa chọn.
"FBA hay FBM, mô hình nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu tùy vào đặc điểm ngành hàng, chiến lược và nguồn lực doanh nghiệp. Với sản phẩm nội thất kích thước lớn, không thể FBA được vì chi phí lưu kho tại Amazon sẽ rất cao.
Nhưng với những dòng sản phẩm kích thước nhỏ, tỉ suất lợi nhuận cao, doanh nghiệp vẫn có lời dù sử dụng dịch vụ trọn gói từ Amazon" - ông Dũng nói và khuyến nghị doanh nghiệp cần tính toán, lên chiến lược chi tiết có lợi nhuận ở thời điểm nào, có kinh doanh dài hạn được không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận