03/05/2016 14:00 GMT+7

Bán hãng phim, "hãy khắc bia đá kỷ niệm vai trò lịch sử"

V.V.TUÂN (ghi)
V.V.TUÂN (ghi)

TTO - NSND Đào Bá Sơn cho rằng cần dựng một tấm bia đá lớn kỷ niệm công lao và vai trò lịch sử của hai hãng phim sản xuất phim truyện lớn nhất nước là Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng.

Ấn bản DVD một số  phim đặc sắc của Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng. -Ảnh tư liệu.

 

Câu chuyện “Bán rẻ Hãng phim truyện VN?”  nhận được khá nhiều phản ứng trái chiều từ bạn đọc. Tuổi Trẻ cũng phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - trưởng khoa luật Đại học Tôn Đức Thắng, người có nhiều năm theo dõi tình hình văn hóa VN - xung quanh việc VFS: Hãng phim to trên đất vàng nhưng bán giá... bèo để rộng đường dư luận.

Tuổi Trẻ Online xin tiếp tục giới thiệu ý kiến của NSND Đào Bá Sơn phát biểu từ toạ đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình VN năm 2015” do Hội điện ảnh VN tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 4 vừa qua.

NSND Đào Bá Sơn có ý kiến về việc gìn giữ truyền thống một thời của các hãng phim Nhà nước và về tình hình điện ảnh VN hiện nay.

"Chúng ta vừa chứng kiến lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2015. Cách đây vài tháng chúng ta cũng chứng kiến lễ trao giải LHP Quốc gia 19. Đây có lẽ là những lễ trao giải cuối cũng mà các MC còn xướng tên của 2 hãng phim sản xuất phim truyện lớn nhất nước của chúng ta đó là Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng.

Đây là 2 hãng phim đã làm nên diện mạo của nền điện ảnh cảnh mạng, làm nên lịch sử điện ảnh nước nhà từ chiến tranh chống Pháp tới chiến tranh chống Mỹ rồi từ khi thống nhất đất nước ngày 30-4-1975 đến nay.

Hàng ngàn bộ phim trong đó có hàng trăm tác phẩm xuất sắc đoạt hàng trăm giải thưởng của các LHP quốc tế và quốc gia. Nó được làm bởi hàng ngàn các nghệ sĩ tên tuổi, bằng tài năng, bằng tình yêu, tâm huyết và cả xương máu.

Những tác phẩm đó khiến cho thế giới hiểu và biết thêm về Việt Nam, biết đến tính cách bất khuất và anh hùng của một dân tộc trong chiến tranh và hòa bình. Biết đến tâm hồn và văn hóa Việt.

Sắp tới đây 2 hãng phim này sẽ có những ông chủ mới. Những người bỏ tiền mua nó. Nó sẽ được thay tên, đổi chủ. Đây là một việc tất nhiên trong lộ trình hội nhập và phát triển điện ảnh thị trường.

Nhân đây tôi cũng xin đề nghị Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL), Bộ Tài Chính hay dành cho mỗi Hãng phim 10m2 đất. Bộ VHTT&DL và Cục Điện ảnh hãy cho dựng một tấm bia đá lớn kỷ niệm công lao và vai trò lịch sử của họ.

Cả 2 hãng phim này xứng đáng được khắc vào bia đá để sau này lịch sử sẽ không lãng quên họ. Ở Hãng phim Giải phóng chúng tôi có 31 liệt sĩ. Hãng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cùng với Hãng phim truyện Việt Nam, làm biết bao kỳ tích.

Mỹ nhân là bộ phim do Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đặt hàng, công ty TNHH Phim Giải Phóng thực hiện và phát hành năm 2015. Chi phí làm phim khoảng 16 tỉ, doanh thu bán vé 500 triệu đồng. -Ảnh tư liệu.

Đã hơn 20 năm qua từ khi đất nước đổi mới. Xóa bỏ bao cấp. Điện ảnh được xã hội hóa. Các hãng phim tư nhân ra đời, sản xuất hàng trăm phim đủ các thể loại từ đồng tính, hành động, hài, kinh di, tâm lý xã hội đến ma quái… 

Rất nhiều bộ phim có doanh thu chiếu bóng cao trong đó một số phim thu gần 100 tỉ như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Em là bà nội của anh… hoặc có nhiều phim doanh thu không cao nhưng chúng ta ghi nhận sự tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật như Quyên, Đường đua, Mùa hè lạnh hay Đập cánh giữa không trung…

Chúng ta phải ghi nhân công lao của những hãng phim tư nhân đã lôi kéo khán giả Việt Nam đến với phim Việt Nam. Họ giành lại được nguồn vốn thu lớn, thị phần lớn tại các hệ thống rạp.

Khi mà điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc hay Hồng Kông chiếm lĩnh và bá chủ thị phần. Khi khán giả đang quay lưng với phim Việt thì đây là điều đáng trân trọng. Trong đó, có nhiều phim đoạt những giải thưởng cao tại LHP quốc gia và Cánh diều vàng khiến chúng ta hy vọng và tin tưởng.

Chúng ta đang mất một cái gì đấy và chúng ta cũng đang được một cái gì đấy. Gần đây Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh một bộ phim của Nhà nước kết hợp Công ty Galaxy. Việc bộ phim thắng lớn về doanh thu gần 100 tỉ và thắng lớn về nghệ thuật (Bông sen vàng Quốc gia 19) là sự hợp tác thành công giữa Nhà nước và tư nhân. Nó trở thành một hiện tượng mà “hộp đen” của nó cần được giải mã cho sự thành công.

Điện ảnh sang một trang mới một cách lặng lẽ sau những ầm ĩ ở bề mặt. Cái cũ được xếp lại. Cái mới đã và đang tiếp tục mở ra, “tre già, măng mọc. Nhà nước vẫn tiếp tục đặt hàng các bộ phim của nhà nước. Nhưng sắp tới chỉ là các hãng tư nhân. Và rồi một câu hỏi từ lâu sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai: “Tại sao phim nhà nước đặt doanh thu ít? Tại sao các hãng phim tự sản xuất có doanh thu cao?”

Đương nhiên, Nhà nước sẽ đặt hàng phim của mình nhân các sự kiện lớn, các lễ kỷ niệm lớn của dân tộc… vì đây là nhiệm vụ chính trị cũng như duy trì bản sắc Việt trong nghệ thuật. Và đương nhiên các hãng phim sẽ làm bằng mọi giá để bán vé và bán nhiều vé (...).

Thật đáng lo ngại khi tiêu chí đánh giá giá trị của một bộ phim được tính bằng số lượng vé bán ra và số tiền thu được từ chiếu bóng. Báo chí nhiều lần lên án phim mà họ gọi là "thảm họa". Nhưng rất nhiều phim trong số này lại không phải là thảm họa phòng vé. Những mâu thuẫn này, vấn đề này chắc sẽ tồn tại lâu trong điện ảnh Việt.

V.V.TUÂN (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên