TTCT - Trong cuộc chạy đua để tìm kiếm khách hàng, rất nhiều doanh nghiệp đã làm đủ chiêu trò, mánh khóe để bán được sản phẩm khiến cho hình thức kinh doanh này cũng lắm mảng tối. Một trang Facebook dưới tên mạo danh Thượng nghị sĩ Mary Coyle (Canada) có dấu tick xác thực nhưng lại chuyên phát live bán hàng. Ảnh chụp màn hình Nhiều video dù phát trực tiếp nhưng đây là các clip giả live: các “mẫu” đã quay sẵn, sau đó phát live lặp đi lặp lại trên nhiều trang. Để “dụ” khách, những “mẫu” ăn mặc hở hang thường đưa ra những lời có cánh như “cam kết giá rẻ nhất thị trường”, “hàng độc không có cái thứ 2”, “hàng hiệu giá hời” hoặc “chỉ còn vài mẫu bán rẻ thanh lý”... nhưng thực chất là “khách mua bao nhiêu cũng có”. Đặc biệt, để đánh lừa những khách hàng nhẹ dạ cả tin, các shop thường live giới thiệu rất kỹ càng để nhận diện hàng thật song thực chất đây là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Chính vì thế, rất nhiều shop chỉ live bán hàng trên các fanpage và sau một đêm là các trang này mất dấu. Mới đây, tài khoản Facebook của cựu hậu vệ Chelsea Branislav Ivanovic đã bị chiếm quyền kiểm soát và đăng tải một video live stream bán hàng online bằng tiếng Việt, hay tài khoản của một chính trị gia người Nigeria Abiola Adeyemi Ajimobi cũng bất ngờ bị người Việt chiếm dụng để bán hàng online khi ông mới qua đời. Theo chị K. (một dân kinh doanh online ở TP.HCM), nhiều shop sẽ bỏ tiền ra mua các trang Facebook “bẩn”, tức là những trang hack từ nước ngoài để bán hàng, khi đã chốt đơn thành công sẽ xóa dấu vết bởi đây thực chất là các loại hàng giả các thương hiệu thời trang. Ngoài ra, nhiều shop cũng công bố hotline, địa chỉ hoặc cam kết đổi trả hàng hóa miễn phí nhưng khi “cá cắn câu” thì khách hàng mới phát hiện ra tất cả các địa chỉ trên đều là ảo. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, việc sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử kết hợp với dịch vụ vận chuyển, chuyển phát bưu chính để đưa các loại hàng hóa ra lưu thông trên thị trường đang tỏ ra rất hữu hiệu. Tuy nhiên, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm và các mặt hàng vi phạm pháp luật đã lợi dụng việc này để vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa vi phạm. Thủ đoạn của hoạt động kinh doanh vi phạm này được Tổng cục Quản lý thị trường chỉ ra là hàng hóa sẽ được tập kết tại các tổng kho, các kho hàng lớn; thông qua hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, hàng hóa sẽ được xé lẻ ngay tại các kho, tổng kho; sau đó thông qua dịch vụ vận chuyển, chuyển phát của các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển đến tận tay người tiêu dùng đã đặt mua qua live stream. Thời gian qua, cơ quan này đã “đột kích” nhiều kho hàng giả, hàng lậu lớn ở nhiều tỉnh thành, trong đó có những doanh nghiệp thuê hàng loạt “mẫu” để live stream bán hàng giả, hàng lậu ngay tại kho hàng. Ảnh minh họa: Wall Street Journal Quy định còn lúng túng Các chuyên gia marketing thừa nhận hình thức bán hàng qua live stream khá phổ biến ở các nước và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới vì mang đến hiệu quả kinh doanh cao. Tuy nhiên, tốc độ quảng cáo và lan truyền nhanh của các live stream đang khiến cho doanh nghiệp, nhà quản lý chật vật hơn trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả; nhiều người mất niềm tin với mua hàng online. Giám đốc kinh doanh một hãng giày cho biết cách đây hơn ba năm, khi làm khảo sát thị trường giày thể thao Việt Nam thì ông phát hiện thương hiệu A. đang được giới trẻ ưa chuộng chỉ chiếm 3% thị phần thị trường Việt Nam; thậm chí giày N. tỉ lệ còn thấp hơn, chỉ khoảng 1,8%. Con số vô cùng ngược với sự phổ biến của những thương hiệu này trong nước. “Đa phần giày trên thị trường là hàng giả, trước đây chỉ có thể mua được trong một số cửa hàng gắn mác “hàng xuất khẩu” nhưng hiện nay thì rất tràn lan nhờ “cánh tay nối dài” của mạng xã hội, đặc biệt là live stream, khiến cho thị trường này sôi động hơn bao giờ hết” - vị này chia sẻ. Khoảng cuối năm 2019, các cơ quan liên ngành quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và biên phòng đã phát hiện và bắt giữ một lượng hàng mỹ phẩm giả khổng lồ được vận chuyển vào Việt Nam qua đường biên giới Trung Quốc. Các sản phẩm này có bao bì được làm giả tinh vi, tuy nhiên sản phẩm bên trong đều là các loại hóa chất pha trộn và được bán với mức giá rẻ khoảng 400.000 - 599.000 đồng cho một sản phẩm hàng hiệu giả mạo. Hàng giả gây ra nhiều thiệt hại cho người mua dùng không những về việc mất tiền cho sản phẩm giả mà còn đang tự gây bệnh cho da… Theo đại diện L'Oréal Việt Nam, một trong những điểm hấp dẫn nhất khi mua hàng online đó là người tiêu dùng sẽ được chào mua những sản phẩm cao cấp với giá rẻ bất ngờ cùng những dòng quảng cáo như: sales khủng, siêu off siêu khủng, sales off 50%, 70%... Tuy nhiên, do chính sách và nguồn hàng giới hạn của các thương hiệu cao cấp, các sản phẩm cao cấp thường không có chương trình giảm giá đến 70% giá chính hãng và chỉ giảm tại các cửa hàng chính thức. Do đó, hàng bán online trên các trang mạng xã hội chắc chắn là hàng giả. Trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn đang khá lúng túng trong quản lý hình thức này do live stream thường tương tác nhanh gọn và có thể xóa nội dung. Thực tế, Việt Nam cũng có nghị định quản lý đối tượng kinh doanh thương mại điện tử, tuy vậy bán hàng bằng live stream vẫn chưa chịu sự quản lý cụ thể. Trong khi đó, những người bán hàng online chắc nịch “post bán hàng là xưa rồi, live stream bán hàng mới hot” và đi kèm đó là “rổ” kinh nghiệm, mẹo để live stream bán hàng hơn trăm đơn thông qua các khóa học “live stream bán hàng”. “Nếu như trước đây, live stream chỉ dành cho những người nổi tiếng tăng tương tác với người hâm mộ thì hiện nay những cá nhân, người bán hàng bình thường cũng có thể thực hiện live stream để quảng cáo sản phẩm và dễ dàng đạt vài ngàn lượt người xem cùng số đơn hàng khủng được chốt nhờ hỗ trợ của kỹ thuật” - ông Nguyễn Thành Long, giám đốc Công ty Xanh marketing, nói. ■ Siết thuế người bán từ dịch vụ chuyển phát Ông Nguyễn Đức Nghĩa - giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), nguyên chủ nhiệm CLB Thuế TP.HCM: Việc quản lý thuế đối với những người kinh doanh trên mạng, thương mại điện tử hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng đang rất khó khăn. Nhưng theo tôi, để siết được nhiều doanh nghiệp kinh doanh online trốn thuế thì cần phải phối hợp với các ngân hàng để kiểm tra dòng tiền, đảm bảo thu được thuế. Còn hiện nay, thực tế có các dịch vụ chuyển phát, bưu chính làm nhiệm vụ thu hộ tiền cho các đơn vị kinh doanh online thì chúng ta cũng phải điều tra việc trốn thuế thông qua con đường này bởi các dịch vụ thu hộ này đã làm thay nhiệm vụ của ngân hàng và cần phải đóng thuế theo dòng tiền. Bà Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM: Có một thực tế hiện nay là các nền tảng công nghệ đã giúp cho mọi người quá dễ dàng kinh doanh qua mạng, bất kỳ ai cũng có thể lên mạng để bán hàng. Tuy nhiên, có không ít người kinh doanh gian dối; khi đăng sản phẩm, bán hàng cho khách qua các dịch vụ chuyển phát, nếu phát sinh vấn đề khách hàng đòi quyền lợi thì lại phát hiện ra địa chỉ ảo, số điện thoại ảo và thậm chí là trang bán cũng biến mất. Theo tôi, việc cơ quan chức năng vào truy vết những cửa hàng này không khó, song Nhà nước chưa đủ lực lượng hoặc chưa thực sự bắt tay vào kiểm soát vấn đề này nên vẫn còn những “lỗ hổng” để người bán kiếm lợi nhuận bất chính. Về phía người tiêu dùng, các sản phẩm bán trên Facebook thường giá trị không cao nên nhiều người dễ dàng bỏ qua, song phải nhìn nhận một thực tế người bán dù “gạt” với số tiền không nhiều nhưng “gạt” nhiều người sẽ đem lại món lợi bất chính lớn. Do đó, trước mắt người tiêu dùng phải tỉnh táo, chọn mua những nơi có địa chỉ rõ ràng và có hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa để tránh chịu thiệt thòi. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần phải “nắm” ở các dịch vụ chuyển phát bởi đây là đơn vị thu hộ, họ sẽ nắm được tài khoản, địa chỉ người gửi. NGỌC HIỂN ghi Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Ngồi nhà bán hàng khắp thế gian Tiếp theo Tags: Kinh doanh onlineLive-streamHàng lậuChiêu trò
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.