25/10/2024 05:30 GMT+7

Bán hàng không phép, Temu đại náo thị trường Việt Nam

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Trong vòng nửa tháng qua, người tiêu dùng Việt Nam bị "oanh tạc" bởi vô số các quảng cáo, thông tin, mời gọi... tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc) với giá siêu rẻ và giảm tới 90%.

Temu không phép, đại náo thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Mua hàng trên các nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 được nhập về giao đến tay khách hàng - Ảnh: BÔNG MAI

Trong "cơn say" của một "kho hàng khổng lồ giá rẻ", để người dân có thể yên tâm "mua sắm như tỉ phú", ít ai thắc mắc liệu sàn thương mại điện tử Temu đã được cấp phép tại Việt Nam hay chưa? Câu trả lời là CHƯA!

Bởi theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ngày 24-10 cơ quan này mới nhận được đơn xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam của Temu. Như vậy kể từ đầu tháng 10, đặc biệt là hai tuần qua, Temu đã bán hàng không phép rầm rộ tại Việt Nam.

Đáng lo ngại trong quản lý

Temu là "tân binh" đến từ PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới. Sàn thương mại này đang nối gót các "đàn anh" như Taobao, 1688, Shein trong cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Khá bất ngờ trước thực tế một sàn thương mại điện tử quy mô lớn hoạt động công khai tại Việt Nam nhưng chưa được cấp phép và mới chỉ thực hiện thủ tục xin giấy phép, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nếu để xảy ra thực trạng như vậy là vấn đề đáng lo ngại trong quản lý và thực thi pháp luật.

"Hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với các sàn thương mại điện tử. Vì vậy không thể có chuyện các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và mở sàn, tự hoạt động mà không khai báo, đăng ký, thích làm gì thì làm. Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước cần xem lại để xem xét xử lý", ông Lâm đặt câu hỏi.

Theo ông Lâm, với tính chất của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đã có công cụ để kiểm tra, rà soát. Đặc biệt là quản lý bằng công nghệ, kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động các trang web hoặc chủ sàn khi hoạt động không phép ở Việt Nam. "Cơ chế pháp lý hiện nay đã đầy đủ rồi. Thực trạng này cho thấy sự phối hợp chưa đồng bộ của các cơ quan quản lý", ông nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), ủng hộ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tuy nhiên việc quản lý chưa chặt chẽ, có sàn chưa đăng ký hoặc thậm chí không thu thuế được là không đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến doanh nghiệp của ta chịu sự cạnh tranh không công bằng và minh bạch trên môi trường thương mại điện tử.

"Do vậy cần phải tăng cường kiểm soát việc có hay không gian lận thương mại, tránh thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch. Việc đưa vào thị trường hàng hóa qua các kênh như vậy là không đảm bảo công bằng sẽ "giết chết" những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hệ quả là thất nghiệp. Vì vậy cần phải có cảnh báo và giải pháp quản lý chặt chẽ", ông Ngân nói.

Bộ Công Thương "đang rà soát"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay đang yêu cầu đơn vị chức năng rà soát lại hoạt động của sàn này. Bởi theo quy định của nghị định 85, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Bộ Công Thương sẽ kiểm soát, quản lý tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên với những kênh thương mại hiện đại, đặc biệt là kênh thương mại điện tử vốn đang nổi lên và có nhiều ưu thế, sẽ phải có giải pháp đặc thù để xử lý.

"Cần bình tĩnh để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường", ông Tân nói.

Trước diễn biến phức tạp của thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý. Đó là trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo công điện về tăng cường quản lý thương mại điện tử, trong đó đề xuất xây dựng luật chuyên ngành và sửa đổi quyết định 78 về mức miễn thuế hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Bộ chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt hàng hóa từ các nền tảng xuyên biên giới. Song song đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đẩy mạnh công tác bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, tăng cường tuyên truyền về rủi ro khi mua sắm trực tuyến xuyên biên giới.

Đồng thời xây dựng báo cáo trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát hàng hóa nhập khẩu từ các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Bán hàng không phép, Temu đại náo thị trường Việt Nam - Ảnh 3.

Chiến lược giá rẻ của TEMU - Thông tin: NHƯ BÌNH

Đông Nam Á siết quản lý thương mại xuyên biên giới

Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia trong khu vực đang siết chặt quản lý để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.

Indonesia đã cấm Temu, Thái Lan yêu cầu các sàn thương mại điện tử nước ngoài phải mở văn phòng đại diện, trong khi nhiều nền tảng lớn như TikTok Shop, Shopee phải điều chỉnh mô hình kinh doanh để tuân thủ quy định mới. Đây được xem là những động thái quan trọng nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo báo Bangkok Post, gần đây Chính phủ Thái Lan yêu cầu các công ty thương mại điện tử nước ngoài phải thành lập văn phòng tại nước này. Động thái này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải tuân thủ quy định về thuế và pháp lý như doanh nghiệp trong nước.

Indonesia thậm chí đã tiến xa hơn khi đầu tháng 10 năm nay đã thông báo cấm hoàn toàn Temu để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, theo báo SCMP. Theo ông Li Jianggan - CEO của Công ty Momentum Works, Indonesia có cấu trúc kinh tế đặc biệt khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp hơn 60% GDP và tạo ra 97% việc làm.

Để đáp ứng quy định mới trong quản lý thương mại điện tử của nhiều nước Đông Nam Á, nhiều nền tảng lớn đã phải điều chỉnh mô hình kinh doanh. Theo SCMP, Shopee đã dừng hoạt động bán hàng xuyên biên giới tại Indonesia từ tháng 10-2023, trong khi Lazada yêu cầu các nhà bán hàng Trung Quốc phải chuyển quyền sở hữu cửa hàng cho công dân hoặc công ty Indonesia.

Theo trang Kr-Asia, tại Indonesia, chính phủ đã buộc TikTok phải ngừng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong hai tháng do vi phạm chính sách. Sau đó, để tiếp tục hoạt động tại Indonesia, TikTok đã phải sáp nhập mảng kinh doanh thương mại điện tử tại Indonesia của họ với Công ty Tokopedia thuộc Tập đoàn Goto Group của nước sở tại, trong đó TikTok nắm 75,01% cổ phần và cam kết đầu tư 1,5 tỉ USD trong những năm tới.

Temu không phép, đại náo thị trường Việt Nam - Ảnh 3.Sàn Temu: Từ cú 'giật mình vì giá rẻ' của thứ trưởng đến hoạt động không phép

Trả lời Tuổi Trẻ Online, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sàn Temu đến nay mới gửi đơn đăng ký cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên