Bò tót lai F1 (con cái) này là một trong những con ốm đói nhất trong đàn - Ảnh: M.VINH
Ngày 5-10, Sở Khoa học & công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các thủ tục bàn giao đàn bò tót lai thế hệ thứ nhất (F1) và thế hệ thứ 2 (F2) gồm 11 con bò tót lai ốm đói cho Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) chăm sóc.
Trong nhóm bò tót lai F1 có 5 con đực và 5 con cái, bò tót lai F2 là con cái được cho là đang mang thai với bò đực nhà.
Như vậy, sau thủ tục bàn giao, đàn bò tót lai đã có đơn vị chăm sóc mới sau một năm trời bỏ đói, suy kiệt, ốm trơ xương vì đề tài "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa", kết thúc vào tháng 6-2019.
Công trình khoa học nói trên do ông Lê Xuân Thám, nguyên giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, làm chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng chủ trì.
Video: Đàn bò tót lai gầy trơ xương đã được vỗ béo - VIDEO: M.VINH
Sau khi bàn giao, đàn bò tạm thời được nuôi dưỡng tại địa điểm cũ (thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Vườn quốc gia Phước Bình cho rằng trước mắt là phải tập trung chữa bệnh và phục sức đàn bò. Đến thời điểm bàn giao, đàn bò tót lai đã được vỗ béo trong 4 ngày bằng thức ăn tươi, thức ăn tinh và khoáng chất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đàn bò bắt đầu hồi phục sức khỏe, đi lại nhiều, một số con hung dữ hơn dù trước đó lờ đờ, uể oải.
Con bò F2 có màu vàng, thân hình nhỏ, thường xuyên ra bên ngoài rào chuồng để chơi với bò nhà của ông Đặng Văn Tích (người phụ trách bỏ thức ăn, bơm nước cho bò uống).
Đàn bò tót lai được bổ sung cỏ tươi sau nhiều ngày ốm đói, thiếu ăn và bị nuôi nhốt - Ảnh: M.VINH
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, đàn bò tót lai được mua từ dân vào năm 2012, trải qua 2 dự án nghiên cứu bảo tồn nguồn gen quý thì bị bỏ rơi vào tháng 6-2019 ngay sau khi dự án kết thúc.
Khi dự án nghiên cứu kết thúc vào năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã có thống nhất chủ trương bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng, nhưng Lâm Đồng "quên" ra quyết định bàn giao theo đúng quy trình.
Ngoài việc "quên" bàn giao thì quên luôn cấp kinh phí để nuôi đàn bò đúng theo chế độ mà nhóm nghiên cứu đề ra trước đó để đàn bò khỏe mạnh. Việc này diễn ra hơn một năm cho đến khi báo chí lên tiếng.
Những con bò tót lai cao lớn, vạm vỡ cũng suy kiệt đến thảm thương sau hơn một năm bị bỏ đói - Ảnh: M.VINH
Để "cứu" đàn bò này, trước mắt, Sở KHCN tỉnh Ninh Thuận sẽ cấp 220 triệu để nuôi đàn bò trong 6 tháng chờ kế hoạch lâu dài được tính toán cụ thể.
"Vườn xác định sẽ dời đàn bò vào trong khu vực vườn, đã chuẩn bị diện tích rừng để nuôi thả đàn bò theo kiểu bán tự nhiên. Về việc di chuyển đàn bò tót hung dữ, bất trị về nơi ở mới, ông Nguyễn Công Vân, giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận), cho biết sau khi tiếp nhận sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia của Thảo Cầm Viên (TP.HCM) để chọn ra phương án an toàn cho đàn bò", ông Nguyễn Công Vân, giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, cho biết.
Theo ông Vân, trước khi quyết định phương án khả thi, Vường quốc gia Phước Bình tạm thời bảo vệ đàn bò ở nơi ở cũ và tăng chế độ dinh dưỡng để mau chóng hồi phục sức khỏe cho đàn bò lai quý hiếm này trong khoảng 3-6 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận