(trích ý kiến của chủ tọa phiên tòa)
Phóng to |
1 8g sáng. Nắng rọi đến tận những dãy ghế trong phòng xử dân sự TAND TP.HCM. Người vợ ngồi vuốt những tấm hình, liên tục hỏi luật sư: “Cái này làm bằng chứng được không?”. Ngồi chung chiếc ghế dành cho các đương sự, cách bà vài bước chân, người chồng tay giữ rịt tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm ADN.
Ghế đá ngoài sân tòa, một thanh niên tầm 18, 20 tuổi không ngừng đưa điếu thuốc lên môi rít lấy rít để. Chốc chốc, cậu đưa mắt nhìn vào phòng xử, vẻ hồi hộp, hoang mang.
...Hai ông bà từng là đồng nghiệp, rồi yêu đương nên dọn về chung sống, không đăng ký kết hôn. Hạnh phúc hơn khi đứa trẻ chào đời, cho mang họ mẹ. Một ngày, ông nghe người ta nói thằng nhỏ... chẳng có điểm gì giống cha. Mái ấm trở thành mái lạnh. Khi ấy, cậu con trai đã hơn 10 tuổi.
Người vợ cảm thấy bất mãn nên đề nghị chồng cùng con đến Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM xét nghiệm ADN nhằm phân định trắng đen. Nghiệt ngã thay, kết quả bệnh viện trả về nói rằng đứa bé không phải là con ông. Ông bỏ ra ngoài sống.
Năm năm sau, hoàn cảnh mẹ con khó khăn, người vợ gửi đơn đến tòa yêu cầu “xác nhận cha cho con”, đòi chồng tiền cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng, từ lúc con sinh ra cho đến năm 18 tuổi.
Phiên sơ thẩm, tòa bảo chuyện giám định ADN trước đây chỉ là ý chí cá nhân, thời gian lại quá lâu nên đề nghị người đàn ông xét nghiệm lần nữa để có một kết quả chuẩn xác. Ông chối từ.
Không có kết quả giám định mới, tòa vẫn tuyên ông không phải cha đứa trẻ.
Người vợ kháng án, sau khi lục tìm trong đống giấy tờ năm xưa thấy có nhiều tấm hình ghi lại khoảnh khắc vui đùa, hạnh phúc giữa hai người với con.
Phiên phúc thẩm, bà nói: “Tui muốn mời các nhân chứng đến chứng nhận tui và ổng từng sống với nhau, đứa trẻ này là con ổng”. Rồi bà khóc và nói rằng từ ngày sợi dây thâm tình giữa hai cha con đứt đoạn, một mình bà không đủ sức nuôi con. Cuộc mưu sinh khốn khó giành hết thời gian không cho bà còn sức để dạy một đứa con ngày càng... bất cần đời. “Hồi trước, nó ngoan và quấn quít ổng” - bà gạt nước mắt nói.
Luật sư của bà phát biểu rằng những tấm hình ít nhiều nói lên sự thật tình cha con. Người đàn ông cười. Tòa hỏi có tranh luận gì không, ông đáp: “Thật - giả, đen - trắng quá rõ ràng”. Chủ tọa thở dài: “Từng thương yêu, chung sống với con một chặng đời dài, chẳng lẽ đùng một cái ông dứt tình với con? Làm thế sao đành, ông không nghĩ đến đứa trẻ sao? Tình cha con đâu phải dựa hết vào kết quả ADN, mà nó được xây nên bằng tình cảm, những lo toan, chăm sóc cho nhau. Hãy nghĩ đến ngày xưa mà giúp đỡ vợ”. Người đàn ông ngó lơ thay câu trả lời.
Cấp phúc thẩm khẳng định hình ảnh chỉ thể hiện mối quan hệ xã hội, không phải là căn cứ chứng tỏ quan hệ huyết thống. Tòa lần nữa dựa vào kết quả giám định ADN, bác kháng cáo. Ông không phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Sau phiên xử này, còn đúng 15 ngày nữa người con tròn 18 tuổi.
Ông rời phòng xử án, đi ngang cậu thanh niên, không thèm nhìn dù một cái liếc mắt. Người vợ bước theo sau. Nhìn con, bà nặng lời: “Mày đốt thuốc để chết hả?”. Cậu con đáp lại mẹ bằng câu hỏi nao lòng: “Ổng vẫn không phải là cha tui à?”.
Cảm giác như một tờ giấy mong manh, viết tên hai con người với hai dòng máu khác biệt, trở thành chiếc dao bén nhọn cắt đứt sợi dây thâm tình được đan nên từ những yêu thương từng có.
2 Bà B., 52 tuổi, nói rằng khi nhận đứa trẻ làm con nuôi là có sự đồng ý của chồng bà, ông T., một Việt kiều...
Phòng xử B tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, một buổi sáng u ám. Bà B. đến tòa rất sớm, ngồi ủ rũ trên hàng ghế dọc hành lang, gương mặt đượm buồn. Ngồi một lát, thấy ông T. sải từng bước rộng ngang qua, bà bất ngờ ngước lên. Ông vẫn đều bước như đi qua một người xa lạ. Bà ngó theo thẫn thờ.
Hai người từng là vợ chồng, có đăng ký kết hôn năm 2004. Phiên sơ thẩm ở TAND tỉnh, mở vào cuối năm 2011 theo yêu cầu ly hôn của người chồng. Ông trình bày: sau kết hôn, do có công việc ở nước sở tại, thỉnh thoảng mới về VN nên một ngày cuối năm 2009, nghe vợ nói vừa sinh con, ông lật đật về cùng vợ đi đăng ký khai sinh cho con. Rồi phong thanh tin đồn, ông hoài nghi, lén ẵm đứa trẻ đi xét nghiệm ADN. Kết quả: ông té ngửa khi biết con không phải cốt nhục của mình.
Người vợ mếu máo rằng sau kết hôn, họ có thời gian mặn nồng, hạnh phúc. Ông còn đưa bà ra nước ngoài sống mấy năm đầu trong căn hộ sang trọng của ông. Rồi bà có thai nên về VN an dưỡng. Thời điểm đó cũng là lúc ông ngoại tình. Bà bị người tình của chồng ghen ngược khiến lòng buồn phiền, cộng với không cẩn thận nên bị sẩy thai. Ông biết chuyện này. Yêu ông, níu kéo hạnh phúc, bà đề nghị xin con nuôi và được ông đồng ý. Bà thỏa thuận với một phụ nữ muốn cho con, xin đứa trẻ về để “cửa nhà được vui” như lời ông nói. Bà không muốn ly hôn nhưng trong trường hợp xấu nhất thì yêu cầu tòa giao quyền nuôi đứa trẻ, ông chỉ cần cấp dưỡng lo cho con đến năm 18 tuổi.
Cấp sơ thẩm xét thấy mục đích hôn nhân không đạt được, tuyên ly hôn. Người vợ không chứng minh được thủ tục cùng nhận con nuôi giữa hai người nên tòa tuyên ông không phải cha đứa trẻ và không phải cấp dưỡng.
Bà kháng cáo toàn bộ bản án.
Phiên phúc thẩm, người chồng khăng khăng rằng nếu ông đã biết đứa bé là con nuôi thì cớ gì phải mang con đi xét nghiệm. Vừa nói ông vừa giơ bản giám định ADN nằm sẵn trong lòng bàn tay như một vũ khí quan trọng.
Người vợ nói trong nước mắt: “Tôi còn yêu chồng nên không muốn ly hôn. Mọi sự ông ấy đều tính toán hết”.
Cấp phúc thẩm xét thấy tình nghĩa giữa hai bên đã không còn, bà cũng không trình bày được chứng cứ mới thuyết phục, tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Bà ngồi thụp sau phiên xử, lẩm bẩm: “Nếu ông không đồng ý, tui nhận con làm gì ở cái tuổi này? Lấy gì nuôi?”.
Quãng đường từ phòng xử án ra đến bãi giữ xe với bà bỗng như dài thêm trong dáng vẻ bần thần, những bước chân trĩu nặng. Đi qua cuộc hôn nhân, phía trước bà là những khó khăn, đắng đót cảnh mẹ già con thơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận