Công nhân thi công lát vỉa hè tại tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hội nghị tập trung đánh giá kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong sáu tháng đầu năm, thảo luận giải pháp từ nay đến cuối năm.
Đọc tờ trình tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: kinh tế TP tiếp tục phục hồi tăng trưởng ổn định, sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực... Kết quả ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2014 là tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở TP ước tăng 8,2% (mức tăng cùng kỳ năm trước là 7,9%). Đáng chú ý, các lĩnh vực đều tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013. Cụ thể: dịch vụ tăng 9,6% (cùng kỳ tăng 9,1%); công nghiệp và xây dựng tăng 6,4% (cùng kỳ 6,2%); nông nghiệp tăng 6% (cùng kỳ 5,9%).
UBND TP cho biết tình hình biển Đông diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của doanh nghiệp và người dân, TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống. TP cũng nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong cuộc tuần hành gây rối tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát hoạt động, mức độ thiệt hại để có chính sách giảm thuế, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng...
Phát biểu khai mạc, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Võ Văn Thưởng cho biết nhiều kết quả đạt được trên các lĩnh vực. Theo đó, các chỉ tiêu quan trọng về tăng trưởng, thu chi ngân sách, tổng mức đầu tư xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội đều đạt và vượt so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, ông Thưởng đặt vấn đề: những khó khăn của doanh nghiệp đã có được hỗ trợ tháo gỡ kịp thời, những vấn đề bức xúc của nhân dân đã được giải quyết thỏa đáng chưa? Vì sao chúng ta rất nỗ lực nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, tỉ lệ nợ xấu còn cao? Vấn đề giảm ngập nước, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm có đạt yêu cầu để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân hay không?...
Theo ông Thưởng, làm rõ được các vấn đề nói trên sẽ giúp Thành ủy TP có thêm biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, không chỉ cho sáu tháng cuối năm 2014 mà cho cả thời gian nước rút còn lại để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đại hội IX Đảng bộ TP xác định.
UBND TP cho biết từ đây đến cuối năm TP tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là một trong chín nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó TP tiếp tục đẩy mạnh phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; xây dựng đề án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để hạn chế tối đa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. TP tập trung thực hiện các giải pháp kích cầu, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, triển khai các quy hoạch chuyên ngành, rà soát mặt bằng sản xuất...
Tuy nhiên, UBND TP dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và đặc biệt là vùng biển Đông trong thời gian sáu tháng cuối năm 2014 và năm 2015 sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường.
Một lĩnh vực bị tác động trực tiếp là từ tháng 5-2014, kinh doanh du lịch của TP bị tác động bởi tình hình biển Đông, nhất là sau một số hiện tượng lợi dụng tuần hành ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, khách du lịch từ Trung Quốc và một số thị trường nói tiếng Trung như Macau, Malaysia, Singapore, Đài Loan có sự sụt giảm đột ngột, công suất phòng của khách sạn 3-5 sao phục vụ khách nói tiếng Trung sụt giảm đáng kể so với ba tháng đầu năm nay.
Sáng nay (5-7), hội nghị tiếp tục thảo luận và bế mạc.
Hà Nội: vỉa hè tốn 1.000 tỉ đồng nhưng vẫn xấu Sáng 4-7, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 bàn về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị một lần nữa nêu ra chuyện đào xới, lát vỉa hè đường và đánh giá về hiệu quả kinh tế là tốn kém nhưng vẫn xấu. Ông Nghị thẳng thắn cho rằng việc tu sửa, lát vỉa hè đường diễn ra trong thời gian qua gần như không có chuyển biến gì đáng kể. “Mấy ngày gần đây tôi nói rất nhiều về việc đầu tư, thi công, sử dụng hè phố. Đáng lưu ý là tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, một tuyến đường có suất đầu tư rất cao, vừa mới làm xong nhưng rất đáng bàn về hiệu quả đầu tư” - ông Nghị nêu. Theo ông Nghị, trong bốn quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là những nơi tiêu tốn rất nhiều tiền cho đầu tư lát hè phố, nhưng đến nay chỉ có vỉa hè trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có chất lượng khá hơn các quận khác. “Tôi phải nhắc lại những chuyện này nếu vấn đề bức xúc cứ trôi từ năm này qua năm khác, trong khi tiền chi riêng cho vỉa hè chỉ trong ba năm gần đây thì bốn quận nội thành đã tiêu tốn 1.000 tỉ đồng” - ông Nghị lưu ý. Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hè đường, vừa qua có bất cập và sẽ phải rà soát tất cả để chấn chỉnh. X.LONG |
Hoàn thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 31-3-2015 Tại hội nghị, Ban thường vụ Thành ủy TP đã báo cáo về đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM (tại công viên trước trụ sở HĐND - UBND TP). Theo báo cáo, Ban thường vụ Thành ủy TP tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các hạng mục, phần việc của đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với dự án cung thỉnh tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” về Nhà Thiếu nhi TP và dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ, đảm bảo tiến độ, chất lượng cao nhất theo yêu cầu mà Ban Bí thư đã chỉ đạo. Ban thường vụ Thành ủy TP cho biết TP nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trước 31-3-2015 để báo cáo với nhân dân vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015) và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2015). * Tại hội nghị, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Võ Văn Thưởng đã trình bày tờ trình Thành ủy TP về chủ trương biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP.HCM giai đoạn 1975-2015 nhằm nghiên cứu, tổng kết đánh giá 40 năm hoạt động của Đảng bộ TP sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận