Hình ảnh khu vực phía tây bán đảo Sơn Trà kế bãi biển Tiên Sa bị tàn phá. Ảnh phải chụp màn hình từ Google Map ngày 1-5. Ảnh trái chụp màn hình từ Google Map trước đó |
Như tin đã đưa, sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết, hình ảnh đã thu hút rất nhiều ý kiến của bạn đọc bình luận, chia sẻ của bạn đọc.
Cụ thể, tính đến 9h30 ngày 2-5 (chỉ hơn 10 tiếng đăng tải) đã có đến 1.636 lượt chia sẻ trên fanpage Tuổi Trẻ thông qua địa chỉ https://www.facebook.com/baotuoitre và cũng hơn ngần ấy bình luận gởi đến Tuổi Trẻ Online cũng như thông qua mạng xã hội này.
Trong đó, phần lớn bạn đọc đều xót xa và đau lòng khi nhìn quê hương đất mẹ bị hủy hoại mà không thể ngăn chặn kịp thời.
Rừng là lá phổi của con người. Tàn phá rừng chính là tội ác với cả thiên nhiên và cuộc sống của con người. Chúng ta hãy bảo vệ rừng và trừng trị những kẻ phá hoại lá phổi của chính mình và con cháu của chúng ta". |
Bình luận của bạn đọc Lê Anh |
Không xót xa, không đau lòng sao được khi hình ảnh Google Map ngày 1-5 cho thấy một khu vực ở phía tây bán đảo Sơn Trà, kế bãi biển Tiên Sa đã 'trụi cây, trơ đất'. Trong khi đó, ảnh chụp từ Google Map trước đó cho thấy khu vực này vẫn còn xanh um.
Theo tỉ lệ trên Google Map, phần rừng bị tàn phá chiếm khoảng 1/160 diện tích bán đảo Sơn Trà.
Từ hình ảnh đau lòng này, bạn đọc nick name Nbitao cảnh báo: "Cứ như thế này chẳng mấy chốc nước ta biến thành sa mạc sớm. Đâu phải cứ phá rừng để làm du lịch. Singapore, Hong Kong... đâu có đất, đâu có rừng để phá nhưng ngành du lịch của họ cũng phát triển đó".
Trong khi đó, với bình luận ngắn gọn: "Rất ngọt, rất gọn gàng! Như nhát dao cứa vào lòng đất Việt!", ý kiến của bạn đọc tên Hoàng sau khi đăng trên Tuổi Trẻ Online tính đến 9h30 ngày 2-5 đã thu hút đến 381 lượt "thích".
Không chỉ biểu lộ cảm xúc khi nhìn cảnh rừng bị tàn phá, rất nhiều ý kiến còn phản ứng đề nghị đã đến lúc các cấp chính quyền phải làm mạnh mẽ để góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Bạn đọc nick name thangphamvannb vừa phân tích vừa đề nghị: "Rừng góp phần quan trọng điều hòa thời tiết khí hậu, nguồn cung cấp oxy dồi dào, hấp thụ khí cacbônic, hạn chế hiệu ứng nhà kính. Rừng còn hạn chế lũ lụt, chống xói mòn, bảo vệ đất, bảo tồn các dạng sinh học... Cho nên việc triệt phá rừng như báo đã nêu là một tội ác không thể tha thứ được. Xử lý những ai gây ra hậu quả này theo pháp luật, nên thêm điều khoản bắt buộc chủ dự án bồi thường giá trị, phải có trách nhiệm trồng lại rừng".
Quyết liệt hơn, bạn đọc Dang Xa nói thẳng: "Đề nghị thanh tra chính phủ vào cuộc. Xem có nhóm lợi ích nào trong vụ phá rừng này. Vì sao trong một thời gian dài như vậy mà chính quyền TP Đà Nẵng không biết?".
Phải bằng mọi cách để cứu lấy bảo vệ rừng, bởi tàn phá rừng là một tội ác, con cháu ta sau này sẽ hứng chịu nhiều thiên tai là do tội ác này, bạn đọc tên Việt viết: "Tôi đề nghị báo Tuổi Trẻ làm một cuộc thăm dò ý kiến người dân về việc này. Thật là đau xót không còn có thể nói gì hơn".
Trước thực trạng một số tỉnh thành đang có nhiều dự án phá rừng để làm kinh tế, phát triển du lịch, bạn có đề xuất, giải pháp nào để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của chúng ta? Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ [email protected]. Cảm ơn bạn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận