Một tiết học môn lịch sử của học sinh lớp 10 Trường THPT Tân Phong (quận 7, TP.HCM) năm học 2022 - 2023 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ bình chọn của bạn đọc, báo Tuổi Trẻ tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, khoa học và đưa ra danh sách 10 sự kiện tiêu biểu năm 2022 như sau:
1. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) ở lớp 3, 7, 10
Đây là chương trình đã được Quốc hội thông qua năm 2018. Với lớp 10, lần đầu tiên học sinh có thể được lựa chọn các môn học trong tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội bên cạnh những môn bắt buộc.
Nhìn chung, chương trình tiếp cận được một số nét tiên tiến như chương trình ở những nước phát triển. Đặc biệt thay vì học "dàn trải" như trước đây, học sinh đã bước đầu có thể chọn môn học, lộ trình học theo đam mê và thế mạnh của mình. Chương trình phổ thông mới sẽ có tác dụng đột phá và tác động lâu dài trong nhiều năm học tốt.
Dẫu vậy quá trình triển khai còn một số vướng mắc, chậm trễ và chưa đồng bộ. Chẳng hạn ở những môn mới như Giáo dục địa phương hay Giáo dục hướng nghiệp, cho đến sát ngày khai giảng năm học mới, giáo viên vẫn phải chờ tài liệu và hướng dẫn giảng dạy.
Đặc biệt, môn Lịch sử lớp 10 được coi là môn tự chọn theo chương trình đã được Quốc hội thông qua trước đây nhưng nay do có nhiều ý kiến tranh luận cho nên Quốc hội khóa này đã yêu cầu Bộ GD-ĐT chuyển môn này sang môn bắt buộc.
Tiết học đầu tiên của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sau thời gian dài học online ở nhà - Ảnh: Q.Đ.
2. Hàng triệu học sinh trở lại trường, học trực tuyến trở nên phổ biến bên cạnh học trực tiếp
Đầu năm 2022, học sinh hầu hết các tỉnh thành bắt đầu trở lại trường học trực tiếp sau khoảng thời gian dài phải học online vì COVID-19.
Thời gian đầu, việc dạy và học ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Nhiều trường học đã phải duy trì song song hai hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến, thậm chí trong cùng một lớp.
Tuy nhiên, "mở cửa trường học" cũng đã ghi nhận được nhiều điểm sáng. Một trong số đó là thói quen học trực tuyến sau dịch, không mất hẳn như nhiều dự đoán.
Thay vào đó, việc học trực tuyến đã được nhiều giáo viên và học sinh chấp nhận sau dịch như một phương pháp học bổ trợ cho hình thức học trực tiếp.
Thậm chí, một số địa phương đã đưa ra những quy định về tỉ lệ các tiết học trực tuyến, chẳng hạn ở TP.HCM là 35%, trong tổng số tiết giảng dạy chương trình.
Theo kế hoạch, chủ trương dùng ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn sẽ được thực hiện từ năm học 2023 - 2024 - Ảnh: DUYÊN PHAN
3. Lắng nghe yêu cầu của xã hội, Bộ GD-ĐT đề xuất trích 3.500 tỉ ngân sách mua sách giáo khoa để cho học sinh mượn học
Số tiền dự kiến sẽ được dành mua sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để cấp miễn phí cho các thư viện, tủ sách dùng chung của các nhà trường cho học sinh mượn học.
Đề xuất này đưa ra sau khi ghi nhận giá sách giáo khoa xã hội hóa cao hơn 3-4 lần so với giá sách giáo khoa cũ và phản ánh từ người dân và trường học cho thấy có một bộ phận học sinh gặp khó khăn tài chính.
Liên quan đến câu chuyện sách giáo khoa còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Nhiều người thắc mắc liệu tăng giá có cần thiết không, có nhất thiết phải "sách đẹp - khổ to" không?
Chủ trương đầu tư sách giáo khoa cho các thư viện cũng là cách thức tiết kiệm và tái sử dụng được sách giáo khoa nhiều hơn.
Số khác cho rằng sách giáo khoa mới vẫn có nhiều nét tiến bộ, bắt đầu có thể so sánh chất lượng với nhiều nước tiên tiến trong khu vực.
Cũng có nhiều người đánh giá dường như Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị thật kỹ các kế hoạch cho những tình huống khi các bộ sách mới ra đời, đặc biệt là những kế hoạch hỗ trợ.
Mặt khác, dư luận cũng chú ý vấn đề độc quyền sản xuất sách giáo khoa và những hệ quả của nó.
Vào những ngày cuối năm, Thanh tra Chính phủ công bố có dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo Dục càng làm nóng thêm vấn đề này.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội vừa chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
4. Trường đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội và câu chuyện tương lai của các "đại học"
Đây là lần đầu tiên có một trường đại học chuyển sang mô hình đại học đa lĩnh vực có trường trực thuộc, như đã được quy định trong Luật giáo dục đại học 2018 (sửa đổi).
Trước đó, đại học đa lĩnh vực chỉ mới có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và ba đại học vùng là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên.
Sự thay đổi này gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng về tên gọi các trường đại học trong nước Việt Nam, bởi từ ngữ gây trùng lắp. Mặt khác, "trường đại học" hay "đại học" cho đến nay ở Việt Nam đều dịch thuật sang tiếng Anh là "university".
Dù vậy, nhìn chung việc các "trường đại học" chuyển đổi thành các "đại học" đa ngành đang là xu hướng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhân sự kiện này, chất lượng của các "đại học" và "trường đại học" cũng được xã hội chú ý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng chính của VinFuture 2022 cho các nhà khoa học - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
5. Giải thưởng khoa học VinFuture gây ấn tượng với truyền thông quốc tế
Người đoạt các giải thưởng VinFuture 2022 là giáo sư Timothy John Berners-Lee, tiến sĩ Robert Elliot Kahn, tiến sĩ Vinton Gray Cerf, giáo sư David Neil Payne và tiến sĩ Emmanuel Desurvire về các phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Với việc thu hút mạnh được truyền thông quốc tế, giải thưởng đã giúp thế giới biết được nhiều hơn về Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện phần nào đã tạo được sự quan tâm của cộng đồng trong nước và giới học thuật.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng trong tương lai, giải thưởng VinFuture sẽ mở rộng cho các thành tựu khoa học công nghệ của Việt Nam chứ không chỉ thế giới.
Giáo viên tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist - Ảnh: TRỌNG NHÂN
6. Hơn 16.000 giáo viên các cấp bỏ nghề, Nhà nước bổ sung các chính sách hỗ trợ đời sống giáo viên
Theo bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lương thấp là một nguyên nhân khiến làn sóng giáo viên bỏ nghề gia tăng sau đại dịch COVID-19. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%.
Ngoài lý do thu thập, tình hình dường như càng "trầm trọng hóa" bởi dịch COVID-19. Sau dịch, nhiều thầy cô giáo đã chuyển ngành. Đặc biệt, hàng ngàn trường mầm non tư thục đã biến mất cùng với đó là "làn sóng" thất nghiệp của hàng loạt giáo viên.
Chính vì vậy, trong năm 2022, nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ đời sống nhà giáo. Điển hình, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.
Các chính sách được kỳ vọng sẽ kịp thời và đi vào thực tế hơn nữa để giữ chân được những giáo viên giỏi và thu hút được những bạn trẻ giỏi theo nghề giáo.
Đổi mới sáng tạo đóng vai trò động lực phát triển nền kinh tế - Ảnh: GETTY IMAGES
7. Việt Nam thăng hạng trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo
Năm 2022, theo bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các quốc gia năm 2022 được Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink) công bố, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái.
Đặc biệt, TP.HCM lần đầu tiên được xếp hạng 111 trong 1.000 thành phố năng động, sáng tạo nhất toàn cầu.
Theo các chuyên gia, đây là một trong những thông tin tích cực khi "đổi mới sáng tạo" với khoa học nước nhà. Nền tảng khoa học công nghệ trong các hoạt động "đổi mới sáng tạo" sẽ là chìa khóa để tạo được những sức bật cho nền kinh tế, tạo thêm được những giá trị tăng trưởng mới, gia tăng năng suất lao động,…
PGS.TS Trần Xuân Bách, PGS.TS Lê Hoàng Sơn và TS Phùng Văn Phúc được gắn huy hiệu Rising Star - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
8. Nhiều nhà khoa học Việt được quốc tế vinh danh
Tháng 11-2022, trang website Research.com - cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới - công bố kết quả xếp hạng nhà khoa học có thành tích xuất sắc, gồm 1.000 nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu.
PGS.TS Trần Xuân Bách, PGS.TS Lê Hoàng Sơn và TS Phùng Văn Phúc được gắn huy hiệu Rising Star - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới.
Ngoài ra vào tháng 12-2022, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức được Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh trao giải thưởng Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022. Anh là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của hiệp hội này.
Câu chuyện tiến sĩ cầu lông gây xôn xao dư luận
9. Xôn xao chuyện "Tiến sĩ cầu lông" và chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Đó là luận án tiến sĩ giáo dục học nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La được hướng dẫn và bảo vệ, nghiệm thu thành công tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Luận án sau đó được "phúc thẩm" là không đạt yêu cầu.
Năm 2022 cũng ghi nhận nhiều đề tài "lạ tai" tương tự, khiến dư luận đặt dấu hỏi về giá trị và tính thực tiễn của những luận án tiến sĩ tại Việt Nam. "Tầm cỡ" của các luận án tiến sĩ đến nay vẫn là dấu hỏi lớn.
Ngoài ra, trong năm qua, dư luận còn nhiều lần bức xúc bởi những câu chuyện mua bán công trình khoa học, thuê mướn người nghiên cứu…không đảm bảo tính liêm chính trong khoa học.
Thi chứng chỉ IELTS trên máy tính - Ảnh: BC
10. Tạm dừng thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến kế hoạch học tập của nhiều thí sinh bị đảo lộn
Tháng 11-2022, không chỉ IELTS, nhiều kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác như Cambridge, TOEFL, JLPT, HSK,… cũng phải tạm ngưng.
Các đơn vị liên kết tại Việt Nam tổ chức thi phải gửi lại hồ sơ cho Bộ GD-ĐT để được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ theo hướng dẫn của thông tư 11/2022/TT-BGDĐT. Những thay đổi này đã làm gián đoạn kế hoạch của nhiều sinh viên, nhiều bạn phải ra nước ngoài dự thi cho kịp thời hạn nộp hồ sơ du học.
Nhiều chuyên gia giáo dục đã đặt ra ý kiến phải chăng Bộ GD-ĐT đang quá "ôm đồm", muốn kiểm soát tất cả các loại thi cử kể cả các kỳ thi quốc tế có uy tín? Số khác cho rằng việc Bộ GD-ĐT tham gia quản lý sẽ đem lại ý nghĩa tích cực khi có thể siết lại được những chứng chỉ "dỏm" và siết lại những lỗ hổng tiêu cực trong quá trình triển khai thi các chứng chỉ quốc tế tại Việt Nam.
Dù vậy, phần lớn cho rằng Bộ GD-ĐT nên chủ động tính toán khi có những điểm mới về chính sách, nhằm giúp các đơn vị liên kết linh hoạt bổ sung hồ sơ, nhằm giảm thiểu tác động đến học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận