Trang Live Science cho biết đây là bản đồ vũ trụ lớn và chi tiết nhất từ trước đến nay. Trong đó đáng chú ý nhất là thông tin về 700.000 hố đen “quái vật”, một “cây cầu” khí bí ẩn kết nối các thiên hà xa xôi và hàng trăm nghìn vật thể kỳ lạ ở vùng không gian sâu.
Tấm bản đồ là kết quả của sứ mệnh quét toàn bộ bầu trời bằng tia X tên eROSITA All-Sky Survey bắt đầu từ tháng 12-2019 đến tháng 6-2020.
Vào thời điểm này, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 170 triệu hạt photon (đơn vị cơ bản cấu tạo nên ánh sáng) trên bầu trời, sau đó họ mới nhận ra chúng là 900.000 vật thể riêng biệt trong không gian.
Ông Andrea Merloni, nhà nghiên cứu chính của dự án kiêm tác giả viết mô tả công bố, cho biết: “Đây là những con số đáng kinh ngạc đối với thiên văn học tia X”.
“Trong 6 tháng, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều thứ hơn so với những gì mà các sứ mệnh hàng đầu như XMM-Newton và Chandra thực hiện trong gần 25 năm hoạt động”, vị chuyên gia nói thêm.
Ông Merloni còn tiết lộ kính viễn vọng tia X eROSITA hiện do Cơ quan Vũ trụ châu Âu và NASA nắm giữ.
Tia X là một dạng bức xạ năng lượng cao mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Nghiên cứu tia X trong vũ trụ giúp các nhà khoa học khám phá ra những vật thể khổng lồ, nguồn năng lượng lớn và cấu trúc tổng quát của vũ trụ.
Hầu hết phát xạ tia X trong không gian đều đến từ các điểm tập trung khí cực nóng, thường phát sinh từ những cụm thiên hà khổng lồ, tàn tích của các vụ nổ siêu tân tinh hoặc hố đen đang hoạt động.
Một trong những khám phá nổi bật của dự án eROSITA All-Sky Survey là một đường dây hoặc “cây cầu” khí nối hai cụm thiên hà cách nhau 42 triệu năm ánh sáng (gấp 400 lần chiều dài của Dải Ngân hà).
Các nhà khoa học cho rằng sợi dây là một phần của mạng lưới vũ trụ - một siêu xa lộ khí cung cấp năng lượng cho toàn bộ thiên hà trong không gian, đồng thời để lại các khoảng không trống rỗng nơi vật chất tối cư ngụ.
Ngoài việc công bố kho dữ liệu khổng lồ nói trên, họ còn gửi 50 báo cáo tới các tạp chí khoa học hàng đầu nhằm thảo luận về những phát hiện mới.
Các nhà khoa học Đức và Nga sẽ đảm nhiệm vai trò vận hành kính viễn vọng eROSITA từ đài quan sát không gian Spectrum-Roentgen-Gamma (SRG) trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận