Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu cung cấp bản đồ cảnh báo lũ lụt cho Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Campuchia trong tài khóa tới để giúp các nước Đông Nam Á giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt. Các bản đồ sẽ sử dụng dữ liệu quan sát vệ tinh để dự đoán lũ lụt do lượng mưa lớn.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã công bố bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ lụt nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản, thể hiện tần suất và độ sâu ngập lụt do lũ lụt gây ra.
Dựa trên dữ liệu quan sát được thu thập trên mặt đất, trong đó có cả máy đo lượng mưa, các bản đồ cho thấy nguy cơ ngập lụt do lượng mưa lớn có khả năng xảy ra cứ sau 10, 30, 50, 100 và 150 hoặc 200 năm, cùng với thông tin được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán và lập kế hoạch cộng đồng.
Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Campuchia là bốn quốc gia Đông Nam Á thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Theo Bộ Đất đai Nhật Bản, sẽ rất hữu ích nếu bốn nước trên có những bản đồ tương tự thể hiện rõ ràng nguy cơ lũ lụt ở các khu vực mục tiêu.
Do các quốc gia này không có đủ dữ liệu quan sát trên mặt đất nên phía Nhật Bản quyết định tạo bản đồ các khu vực cụ thể sau khi mô phỏng lũ lụt bằng cách sử dụng dữ liệu quan sát được thu thập bằng hệ thống Bản đồ lượng mưa vệ tinh toàn cầu (GSMaP) do Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản và các cơ quan khác vận hành.
Bộ Đất đai Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận với bốn quốc gia trong năm tài chính 2023 để lựa chọn các khu vực mục tiêu. Cơ quan này có kế hoạch cung cấp phiên bản nguyên mẫu của bản đồ cho mỗi quốc gia vào cuối năm tài chính 2025.
Ngoài việc chuẩn bị các hướng dẫn bao gồm quy trình lập bản đồ, bộ trên cũng sẽ phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo. Các bản đồ dự kiến sẽ được cung cấp cho công chúng ở mỗi quốc gia.
Vì nhiều công ty Nhật Bản hoạt động ở bốn quốc gia trên nên các doanh nghiệp Nhật Bản cũng kỳ vọng rằng bản đồ sẽ giúp họ lập kế hoạch kinh doanh chuẩn bị cho thảm họa và lựa chọn địa điểm văn phòng hoặc nhà máy.
Nhật Bản cũng đang xem xét việc cung cấp bản đồ tương tự cho các nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận