Thiết bị thăm dò NICER trên ISS ghi lại dữ liệu tia X về đêm trong suốt 22 tháng để tạo ra bản đồ toàn bộ bầu trời của chúng ta - Ảnh: NASA
Đài CNN ngày 3-6 đưa tin những vệt sáng trong hình ảnh mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trông giống như các tuyến đường giao thông hàng không nhưng đó là một cách nhìn khác về toàn bộ bầu trời.
Các vệt sáng này thực sự là dấu vết của tia X được thiết bị thăm dò NICER ghi nhận lại.
NICER, hoạt động như một máy thăm dò nguồn gốc vũ trụ kể cả khi về đêm, được gắn bên ngoài ISS và quay quanh Trái đất mỗi 93 phút.
Bản đồ bầu trời trên đại diện cho 22 tháng làm việc đầu tiên của NICER, lấy dữ liệu từ các quan sát bầu trời vào ban đêm.
Một trong những mục tiêu của NICER là xác định kích thước các sao neutron, được hình thành từ những gì còn lại của một vụ sụp đổ một ngôi sao lớn sau các vụ nổ siêu tân tinh kiểu II hay kiểu Ib hoặc kiểu Ic.
Các sao neutron có kích thước nhỏ nhất trong vũ trụ với đường kính tương đương thành phố Chicago hay Atlanta. Chúng là tàn dư của siêu tân tinh nhưng có mật độ vô cùng dày đặc với khối lượng lớn hơn Mặt trời của chúng ta.
Xác định kích thước sao neutron với độ chính xác cao có thể làm sáng tỏ bí ẩn về vật chất hình thành trong lõi của sao.
NASA cho biết NICER cũng nghiên cứu tia X qua sao xung (sao neutron xoay rất nhanh, biểu hiện như một nguồn sóng radio phát ra đều đặn ở các chu kỳ ngắn) để xác định vận tốc và vị trí của chính thiết bị thăm dò này, hoạt động như một hệ thống GPS thiên hà.
Nghiên cứu trên có thể mở đường cho tàu vũ trụ sử dụng công nghệ này trong tương lai và thậm chí tự lái qua hệ Mặt trời hoặc vượt ra ngoài hệ Mặt trời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận