TTCT - Những lưới điện siêu nhỏ kiểu tự cung tự cấp bằng năng lượng tái tạo trong phạm vi một vài hộ gia đình hay một khu phố được kỳ vọng giúp giảm tải cho lưới điện quốc gia. Ảnh: SonnenỞ thị trấn nhỏ Dietfurt miền nam nước Đức, bảy hộ gia đình đã tham gia một chương trình thử nghiệm lắp đặt pin năng lượng mặt trời vừa để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của gia đình, vừa có thể bán cho hàng xóm khi dư thừa và mua lại của các hộ khác khi có nhu cầu.Những mô hình lưới điện siêu nhỏ (microgrid) kiểu như vậy đã xuất hiện ở một số nước trong những năm gần đây và phần nào cho thấy hiệu quả trong việc giúp các cộng đồng tăng tự chủ về năng lượng, giảm lệ thuộc vào lưới điện quốc gia hay chịu sự chi phối bởi các công ty độc quyền cung ứng điện. Nhưng vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua để nó trở thành "mô hình năng lượng của tương lai" như tầm nhìn của những nơi triển khai.Một mô hình đang lan rộngCó nhiều cách định nghĩa khác nhau về microgrid, nhưng phổ biến nhất là "một khu vực tách khỏi lưới điện truyền thống và được cung cấp điện bằng năng lượng tái tạo", theo trang Popular Science. "Đó có thể là một vài ngôi nhà, toàn bộ khu phố hoặc thậm chí là cả một thị trấn". Theo Đài ABC News (Úc), microgrid có hai loại chính là cô lập hoàn toàn với điện lưới quốc gia - thường là những nơi hẻo lánh, và có kết nối với điện lưới để người dân có thể mua điện từ lưới hoặc bán điện lên lưới khi cần.Trong bảy hộ gia đình tham gia thử nghiệm ở Dietfurt từ tháng 7-2021 đến tháng 1-2022, mỗi hộ được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời, bộ trữ điện và ôtô điện đi kèm trạm sạc do đơn vị triển khai cung cấp. Những người tham gia có thể mua hoặc bán điện lẫn nhau thông qua một nền tảng giao dịch trung tâm sử dụng công nghệ blockchain để xử lý các hợp đồng điện tử, theo trang PV Europe.Việc kiểm soát được thực hiện theo mô hình đèn giao thông: màu xanh lá nghĩa là không có hạn chế nào và những người có dư thừa điện có thể tự do tiêu thụ, hòa vào lưới điện hoặc bán cho hàng xóm; màu vàng là có nguy cơ tắc nghẽn lưới điện và mức phí hòa lưới sẽ được điều chỉnh phù hợp; màu đỏ là có tình trạng quá tải lưới điện cấp tính và người vận hành phải can thiệp ngay lập tức.Kết quả thử nghiệm cho thấy chỉ cần sự tham gia của một số lượng nhỏ hộ gia đình (trong trường hợp này là bảy) là đủ để hoạt động mua bán năng lượng trên microgrid có thể diễn ra suôn sẻ. "Với động lực kinh tế thích hợp, việc mua và bán điện lẫn nhau có thể kéo giảm mức tiêu thụ đỉnh và tránh tắc nghẽn, có lợi cho sự ổn định của lưới điện khi được kiểm soát một cách thông minh" - theo trang web của Đại học Công nghệ Munich (TUM), một trong những đơn vị phối hợp thực hiện thử nghiệm.Một bài báo từ năm 2019 của ABC News cũng cho biết cộng đồng dân cư ở thị trấn Yackandandah miền nam nước Úc đã bắt tay vào xây dựng ba mạng microgrid trong nỗ lực trở thành một thị trấn sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Mục tiêu dài hạn là năng lượng được tạo ra bởi các tấm pin mặt trời có thể được chia sẻ giữa những người hàng xóm với nhau. "Điều đó có nghĩa là bạn sẽ mua điện với mức giá cạnh tranh, biết rằng nó đến ngay từ mái nhà của hàng xóm chứ không phải từ một vài máy phát điện ở nơi xa xôi nào đó" - ABC News dẫn lời bà Donna Jones, một cư dân địa phương nằm trong số 14 hộ gia đình tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu.Không chỉ ở Đức và Úc, mô hình lưới điện siêu nhỏ đang len lỏi vào nước Mỹ và ngày càng lan rộng, theo GS Daniel Kammen - chuyên gia về năng lượng tại Đại học California, Berkeley. Một số ví dụ cụ thể có thể kể đến như thị trấn Gonzales, bang California hay thị trấn Panton, bang Vermont. "Chúng ta từng quan niệm rằng các microgrid chỉ hiện diện ở khu vực nông thôn tại những nơi không có kết nối với lưới điện quốc gia, nhưng ngày càng có nhiều khu vực thành thị triển khai mô hình này" - GS Kammen nói với Popular Science. "Năng lượng mặt trời chắc chắn là phổ biến nhất vì nó quá dễ tiếp cận. Với pin năng lượng mặt trời và bộ trữ điện, về cơ bản bạn có thể làm mọi thứ mà điện lưới có thể làm".Điện "nhà trồng": vừa xanh vừa lànhMột báo cáo năm 2017 của tổ chức môi trường CDP và Viện Trách nhiệm khí hậu (CAI) cho thấy chỉ 100 doanh nghiệp trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới là nguồn gốc của hơn 70% phát thải khí nhà kính kể từ năm 1988, theo báo The Guardian.Nhưng vậy không có nghĩa là việc cố gắng cứu vãn môi trường của cộng đồng bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo là vô nghĩa. Theo GS Kammen, khi các công ty điện lực thấy càng có nhiều người rời bỏ điện lưới để tham gia các mô hình microgrid của cộng đồng sử dụng năng lượng tái tạo, họ sẽ nhận ra mô hình kinh doanh của mình cần phải thay đổi theo hướng "xanh" hơn.Trong tương lai, "các công ty điện lực có thể đóng vai trò như sàn eBay của năng lượng, theo nghĩa mọi người đều có thể mua điện từ lưới và bán điện lên lưới và họ phải được trả tiền một cách công bằng", Popular Science dẫn lời GS Kammen.Một lợi ích khác của lưới điện siêu nhỏ là chúng có thể giúp tăng khả năng chống chịu của cộng đồng trước các sự cố mất điện diện rộng mà một lưới điện trung tâm có thể thỉnh thoảng gặp phải. Chúng ta đã từng chứng kiến các bang như California hay Texas của Mỹ đối phó với tình trạng mất điện diện rộng nghiêm trọng do những nguyên nhân như cháy rừng và thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, việc hình thành một lưới điện mini cho từng cộng đồng nhỏ có thể giúp các gia đình tránh mất điện thời gian dài trong những tình huống khẩn cấp."Một điều không thể tránh khỏi là các microgrid sẽ giành phần thắng, bởi vì chúng thông minh hơn rất nhiều so với các hệ thống phân phối điện kiểu cũ" - GS Kammen nhận định. Khi đó, các tập đoàn điện lực khổng lồ sẽ không biến mất mà phải thích ứng với vai trò mới là điều phối - thay vì chi phối - năng lượng. Truy xuất nguồn gốc điện Điện năng vô hình nên người ta thường không nghĩ về nó như một sản phẩm. Nhưng với LO3 Energy - một công ty start-up vào năm 2017 đã triển khai mô hình cho phép người dùng đấu giá điện mặt trời áp mái cho hàng xóm - điện là một món hàng rất cụ thể mà người tiêu dùng sẽ muốn có khả năng truy xuất nguồn gốc để xem thứ mình đang sử dụng có "sạch" không. "Mọi người đều muốn biết sản phẩm mình xài đến từ đâu. Tác động của sản phẩm đó là gì? Nó mang lại lợi ích gì cho tôi và cho cộng đồng?" - giám đốc phát triển kinh doanh của LO3 Scott Kessler nói với trang Grist. Dĩ nhiên khi đã hòa vào lưới thì không thể phân biệt giữa electron do điện than tạo ra và electron do điện mặt trời tạo ra, nhưng công nghệ "đồng hồ điện" bằng blockchain của LO3 cho phép ghi nhận lượng điện đưa lên lưới của mỗi hộ và lấy tiền hàng xóm trả trực tiếp cho hộ đó để mua điện. "Chúng tôi có thể đảm bảo những đồng tiền mà người dùng trả cho năng lượng có tác động tích cực đến kinh tế và môi trường nơi họ sinh sống" - Kessler nhấn mạnh. Tags: Năng lượng tái tạoLưới điện quốc giaPin năng lượng mặt trờiNhu cầu sử dụng điệnĐiện lưới quốc giaCung cấp điệnNăng lượng mặt trờiTự cung tự cấpHộ gia đìnhSử dụng công nghệTình trạng quá tảiMức tiêu thụĐèn giao thôngNgười hàng xóm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.