TTCT - Họ là những nông dân chân lấm tay bùn, không biết ngoại ngữ, tự mang sản phẩm của mình ra nước ngoài bán rồi mang về bạc tỉ. Làng Trung Phước nằm dưới chân núi Cà Tang, ở thượng nguồn sông Thu Bồn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là khu làng của những nông dân như thế. Phóng to Anh Huỳnh Văn Thành đang tỉa trầm chuẩn bị cho chuyến bán dạo tiếp theo - Ảnh: Tấn Vũ Từ bến đò Cà Tang đến chợ Trung Phước có hơn 30 cơ sở làm trầm cảnh với hàng trăm lao động. Đa số ngôi nhà mới mái ngói khang trang mọc lên từ vùng đất nghèo khó này là thành quả của những người làm trầm cảnh mang lại. Những nghệ nhân từ vườn dó Cây trầm cảnh 1,3 tỉ đồng Cây trầm cảnh có một không hai ở Việt Nam đã được đấu giá trực tiếp trên VTV trong chương trình “Nối vòng tay lớn” gây Quỹ vì người nghèo đêm 31-12-2004 lên đến 1,3 tỉ đồng là niềm tự hào của người dân làng Trung Phước. Nghệ nhân Lê Văn Tấn là tác giả của cây trầm cảnh trên, cho biết cây cao gần 3m, được lấy về từ rừng Tiên Phước và giao cho 10 thợ giỏi làm suốt hai tháng liền mới hoàn tất. Nghề làm trầm xuất phát tại khu làng này vào những năm 1980. Khi đó, những người đàn ông từ Khánh Hòa ra đây và khám phá vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng vốn giàu có về hương liệu này. Trầm hương lúc đó được xem là một thứ hàng quốc cấm vì chúng được lấy từ những cánh rừng nguyên sinh. Công cuộc tìm trầm giúp nhiều người phất lên nhanh chóng, nhưng cũng không ít người lâm vào cảnh khốn cùng và phá sản vì nợ nần. Thậm chí nhiều người trả giá bằng sinh mạng giữa rừng sâu. Gần 30 năm sau việc “ngậm ngải tìm trầm” không còn nữa. Người dân tự chuyển đổi ngành nghề bằng cách chế tác trầm hương từ cây dó vườn. Từ cây dó tự nhiên, qua bàn tay tài hoa của các người thợ tại đây nó trở thành những tác phẩm có giá trị hàng trăm triệu đồng. Khu vườn của ông Trương Văn Mẫn (thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) rộng chưa đến 1ha đã trở thành công xưởng chế tác trầm cảnh lớn nhất vùng. Hàng chục thanh niên trong làng được ông đào tạo thành nghệ nhân đã phát huy sự sáng tạo tối đa trong những tác phẩm của họ. Ông Mẫn là một “chiến binh” rừng núi đã vứt balô trong xó bếp sau những tháng ngày rong ruổi tìm trầm trong rừng sâu. Từ đó, ông nghĩ ra cách làm trầm cảnh để bán. Hơn 20 năm làm nghề trầm cảnh, với thiết bị và công nghệ tự nghĩ ra, vừa làm vừa chỉnh sửa, cuối cùng ông cũng thành công trong nghề nghiệp mới của mình. Phóng to Những cây trầm cảnh cao lớn được chế tác tại làng Trung Phước - Ảnh: Kim Em Bán dạo từ Bắc Kinh đến Tokyo Những nông dân làm trầm hương tại làng Trung Phước chưa bao giờ nghĩ rằng sản phẩm của họ sẽ có một ngày “lên đời” từ Thượng Hải đến Tokyo, từ Bắc Kinh tới Đài Loan. Anh Trương Văn Bê, vừa trở về sau chuyến bán hàng tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết: “Hai năm qua tôi sống ở Bắc Kinh nhiều hơn thời gian sống ở làng này. Bây giờ công việc chính của tôi là lang thang tìm đối tác. Còn việc chế tác, đóng gói vận chuyển dành cho người nhà”. Chưa có đầu ra cho cây dó bầu Ông Nguyễn Văn Hòa - trưởng Phòng công thương huyện Nông Sơn - cho hay huyện Nông Sơn được chia tách từ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cách đây hơn một năm. Sau khi chia tách huyện, chủ trương của tỉnh sẽ trồng hơn 1.500ha cao su. Cây cao su có thể mang đến hiệu quả thiết thực cho người dân vì đầu ra chắc chắn và được các huyện khác trong tỉnh áp dụng thành công. Tuy nhiên, trước đó người dân đã tự trồng hơn 50.000 cây dó bầu đang chờ khai thác. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay cây dó hiện được trồng nhiều nhất tại huyện Tiên Phước của tỉnh, với số lượng hơn 100.000 cây. Cây dó bầu được trồng 5-7 năm có thể bơm thuốc kích thích tạo trầm. Dó bầu tại miền Trung được đánh giá là nơi tích tụ trầm đạt chất lượng khá cao trên 80% và lượng trầm không dưới 700 gam/cây. Ông Phan Văn Hậu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết một chiến lược lâu dài để phát triển nghề trồng dó và tạo hàng trầm cảnh ở Quảng Nam vẫn chưa có. Hiện đa số cây dó được người dân tự trồng, tự khai thác chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm. Dó tại Quảng Nam hiện đã cho trầm nhưng chưa có loại trầm chất lượng cao, chủ yếu là trầm loại 5. Anh Bê kể lại việc “bán dạo quốc tế” như anh gặp không ít chuyện đắng cay và bi hài, nhưng cuối cùng trời cũng thương. Hơn hai năm trước, anh mang túi hàng một mình qua Bắc Kinh. “Vừa xuống sân bay, mang gói hàng trên tay mà lớ ngớ chẳng biết đi đâu về đâu. Phố xá của họ lồng lộng. Tôi vẫy một chiếc taxi và chỉ chạy thẳng. Cứ ngồi trong xe ngóng ra đường, thấy có cửa hàng mỹ nghệ là bảo tài xế dừng xe. Tôi mang gói hàng vào, việc đầu tiên là đốt cháy cho họ ngửi mùi thơm. Sau khi biết trầm và họ thích mua thì tôi gọi điện về Việt Nam cho đứa em là sinh viên ngoại ngữ nói tiếng Trung với họ để làm giá. Được thì bán không thì đi dạo tiếp! Ai ngờ vậy mà thành công” - anh Bê hồ hởi kể. Hơn mười ngày ở Bắc Kinh anh kiếm gần 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Sau chuyến bán dạo thành công này, nhiều người khác trong vùng lần lượt theo chân anh khám phá các vùng đất mới. Chúng tôi gặp một trong những “nông dân bán dạo” khác, anh Huỳnh Văn Thành, người làng Trung Phước, cùng hàng chục thợ thủ công đang chuẩn bị cho chuyến hàng xuất đi Côn Minh (Trung Quốc). Anh Thành tâm sự: “Đến hôm nay việc đi đứng bán hàng đã nhuyễn rồi. Hồi mới qua (Trung Quốc) lớ ngớ lắm. Không biết tiếng Trung, không biết tiếng Anh, nhưng liều đi theo anh em trong xóm qua tới nơi. Lúc rời khách sạn, tôi cầm theo danh thiếp của khách sạn nhưng sợ đánh rơi, bèn lấy điện thoại chụp hình khách sạn cho chắc ăn. Cứ rứa, đi taxi vòng quanh thành phố săn cửa hàng mỹ nghệ đến lúc về đưa điện thoại cho tài xế là hắn chở tới nơi”. Anh Thành khoe: “Bây giờ việc bán hàng không còn khó khăn về ngôn ngữ nữa. Sau kỳ hội chợ, hàng loạt sinh viên của mình du học bên đó rất chịu khó giúp đỡ chúng tôi. Họ đi với chúng tôi cả ngày để làm thông dịch, thù lao có khi ăn chia, những khi bán hàng “trúng” chúng tôi đưa thêm cho họ 50-100 USD/ngày. Buôn bán hên xui, kinh doanh trầm hương lợi nhuận không lường hết được!”. Đến nay, hàng chục doanh nghiệp trầm cảnh ra đời tham gia đều đặn các hội chợ quốc tế từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong, Đài Loan... Tháng 5-2009, hội chợ quốc tế tại Nam Ninh (Trung Quốc) với hơn 2.000 gian hàng của các nước trên thế giới. Việt Nam có 140 gian hàng nhưng trong đó 10 gian là hàng trầm cảnh của làng Trung Phước. Ngoài ra, những doanh nghiệp bán trầm cảnh trong nước cũng tham gia nhưng nguồn hàng đều từ làng Trung Phước mà ra. Chuyến hội chợ này làng Trung Phước thành công lớn, có người kiếm được gần 2 tỉ đồng sau mười ngày bán hàng. Lợi nhuận từ việc mua bán trầm cảnh không ai biết trước, nhưng việc bán cách giá vốn từ 10-100 lần với người buôn trầm không phải là điều lạ. Hùng là kỹ sư điện dân dụng nhưng bỏ nghề để lập doanh nghiệp mua bán trầm cảnh. Hai năm qua anh đi lang thang nhiều nước trên thế giới để tìm thị trường. Hùng cho biết người Nhật thường mua trầm xịn với giá trị cao. Ngày nay trầm cảnh Trung Phước đã dần quen thuộc với người Nhật. Người Trung Phước không lạ khi thấy nhiều du khách Nhật đến đây tham quan rồi bỏ hàng chục ngàn đôla để mua trầm cảnh mang về nước. Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Huỳnh Tấn Triều cho biết những ngày đầu mới lên đây nhận công tác, ông hết sức ngỡ ngàng vì có một ngôi làng đặc biệt như vậy. “Người dân không những tự vạch đường đi trước, đi xa trong mọi vấn đề mà còn rất nhạy cảm về thị trường, điều này không phải nông dân vùng nào cũng có”. Sức hấp dẫn của trầm cảnh Ông Trương Thanh Hiền, giám đốc Công ty TNHH trầm hương Nông Sơn, cho biết người Nhật, Trung Quốc và các nước châu Á khác ngoài việc dùng trầm hương để chế biến dược phẩm và nước hoa thì trầm hương còn có tác dụng tâm linh khác mà theo họ là để trừ tà. Người Nhật không đốt trầm như người Việt Nam. Cây trầm cảnh khi mua về được họ để trong một lồng kính có bộ điều chỉnh nhiệt. Khi có khách hoặc gia đình muốn thưởng thức chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ trong lồng kính đến 37,50C là cây trầm cảnh này sẽ tỏa mùi hương ngào ngạt. Người Nhật đãi khách bằng trà và hương trầm như vậy. Ông Hiền lý giải việc người làng Trung Phước đổ xô đi làm trầm cảnh trong nhiều năm qua chính vì sức hấp dẫn kỳ diệu từ lợi nhuận do trầm cảnh và các sản phẩm chế tác từ trầm mang lại. Một xâu chuỗi hạt dùng để đeo tay có mùi thơm của trầm có giá thành 50.000-60.000 đồng, nhưng khi xuất ra nước ngoài nó có giá trên 800.000 đồng. Các loại trầm cảnh khác cũng có tỉ lệ lợi nhuận khá cao nhưng không được người buôn trầm ở đây tiết lộ.
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).