Trước khi đọc tiếp, hãy tự dành ra 5 phút, hoặc ít hơn, ngẫm ngợi ta định nghĩa thế nào là “du lịch… ảo”
Du lịch ảo là phòng chiếu 12D một bộ phim ngắn? Không hẳn.
Du lịch ảo là du lịch tại chỗ? Có thể, nhưng chưa đủ, vì bao lâu mới tính là du lịch, bao lâu chỉ mới là cưỡi ngựa xem hoa?
Du lịch ảo là thiếu đi khoản sờ mó, mua sắm, và được hơn cả, tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại, lưu trú ở nơi ta muốn tới? Cũng có thể.
Du lịch ảo có thể đưa ta tới tận những vì sao xa xăm, giới hạn duy nhất chỉ bởi trí tưởng tượng? Cái này gọi là điện ảnh, thưa quý vị.
Ở ta, du lịch ảo đã manh nha chí ít bằng cuộc khám phá hang Sơn Đoòng tại chỗ cách đây ít lâu.
Mặc dù các hình thức mô phỏng từ trước đã xuất hiện trong các buổi “lên dây cót” cho hành khách trước khi xuất hành du lịch, hay phần hướng dẫn bằng video tại khách sạn, hay các hãng hàng không thay thế cho tiếp viên, hoặc những trò chơi giả và phần mềm… thật như giả lập lái máy bay (bằng thực tế ảo, hoặc không), hoặc không đâu xa từ chính các video game cực kỳ tinh kỳ, “thực tế” mà công nghệ nay đã cho phép, những tiềm năng phát triển hãy còn rất nhiều.
Thử tưởng tượng một chiếc máy bay không người lái (drone) cất cánh từ một địa điểm vạch sẵn – chặng tour – và lượn qua những địa điểm tham quan có thật, hấp dẫn và… tốn kém như núi Everest hay… ngoài không gian vũ trụ.
Khả năng livestream và truyền dẫn dữ liệu từ vệ tinh, sức mạnh của đường truyền cho phép tất cả nhữnh thứ như thế, và những công nghệ tiên tiến hơn tiếp tục ra đời, hứa hẹn sẽ làm chao đảo ngành công nghiệp du lịch quá nhiều… khói bụi ngày nay, thay thế bằng du lịch ảo.
Du lịch ảo biệt lập với yếu tố sờ mó, cầm nắm được của trải nghiệm, tương tự như lĩnh vực du lịch ẩm thực bằng mắt đang tấn tiến (ăn bằng mắt, hay no con mắt cái đã!) nhờ những Instagram và những kênh Youtube ẩm thực. Có thể nói khoảng cách giữa bàn ăn và người ăn giờ đây đang đồng thời vừa co lại, vừa giãn ra tới vô cùng.
Nhưng còn Venice, nơi vừa trải qua cơn lụt lịch sử, hay những phế tích quá đỗi mong manh của Hy La cổ đại, hay hồ núi lửa Ijen độc hại ở Indonesia mà du khách vô ý thức từ đâu đó xuất hiện hoàn toàn có thể làm hỏng vĩnh viễn, hoặc bị ảnh hưởng vĩnh viễn?
Chính đỉnh Everest ngày nay cũng xảy ra tình trạng "kẹt xe", khi hàng hàng lớp lớp du khách sẵn sàng chi chục ngàn USD để xếp hàng và có 3 phút selfie trên nóc nhà thế giới. Rõ ràng là du lịch ảo giải quyết được phần lớn những khúc mắc này.
Và thay vì giới hạn của kính thực tế ảo, sức tưởng tượng của loài người hoàn toàn có thể tái hiện những khung cảnh, thậm chí bối cảnh của trải nghiệm du lịch, từ mùi hương tới ánh sáng, những kỹ xảo từ lâu chúng ta quá sức quen thuộc.
Chúng ta còn phải thắc mắc thêm, liệu rằng du lịch ảo có ảnh hưởng hay làm ta thay đổi quan điểm thế nào mới gọi là du lịch, và đối tượng của du lịch ảo sẽ bao gồm những ai.
Chỉ biết rằng, không gì còn thật sự là tuyệt đối, đặc quyền quá lâu, quá khác biệt, trong một sự thật nao lòng khác: nền văn hóa tiêu thụ của chúng ta dựa trên việc kiếm thật nhiều của cải để có thể tiếp tục… tiêu thụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận