Bàn cờ tướng

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 12/12/2011 02:12 GMT+7

TTCT - Chỉ có cơn mưa và đêm tối mới giải tỏa được đám đông ấy. Cái bàn cờ tướng cùng với mấy cốc trà đắng chát đã kéo mọi người tụ tập, theo đuổi sở thích ngao du và đấu trí trong một không gian hẹp có xe, pháo, mã...

Phía trên là vòm lá cây xanh, trời nắng thì cho bóng mát, trời mưa tí tách thì cũng chẳng vội ướt áo.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Hầu hết người chơi cờ là đàn ông. Một anh xe ôm ghé vào làm một cuộc cờ với người không quen biết. Những ông già tuổi về hưu đang cắm cúi luyện những nước cờ lưu truyền từ trong giai thoại. Họ vẫn chưa khám phá hết đâu là tinh túy của ván cờ giữa Cao Bá Quát và vua Tự Đức, đâu là bí kíp để xuất hiện “bốn giờ mạ về, có xe lên đón” (mã hồi bốn nước, xe chiếu) của một già một trẻ ở Bích Mai Trang bên kinh thành Huế xưa.

Đăm chiêu với cặp kính lão, họ để ban mai trôi vào trưa nắng và đến với hoàng hôn. Mà hoàng hôn ở thành phố không có khói lam chiều, chỉ có dòng xe cộ hối hả về nhà, có nhiều đoạn chen nhau tắc nghẽn đến cáu gắt, ngán ngẩm.

Rất nhiều người từ trong công sở bước ra phố với cờ tướng trong giờ nghỉ trưa. Sẵn sàng tham gia những cuộc đấu trí, họ gác lại những công văn, thông tư, nghị định đang chờ chỉnh sửa từng chữ; gác lại những báo cáo tài chính bộn bề con số; gác lại sự lúm xúm trong nội bộ quản trị cơ quan...

Họ nhập cuộc cờ như nâng một chén nước trà để giải khuây cơn khát. Sở trường của từng người được bộc lộ, thậm chí là tính cách: người ưa sự chậm rãi, kẻ thích sự phiêu lưu đầy manh động. Có người chơi cờ như phô diễn sự tính toán của mình, có người lại ân cần chơi nước hiểm. Tất cả những trạng thái bàn cờ ấy đủ thấy một kết nối tư duy của nhiều người nơi góc phố.

Ai đó tếu táo đọc thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa/ Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên, rồi lí lắc ngẫu hứng với bạn chơi như một tâm phúc tương cờ bấy lâu. Ai đó thắng cuộc cũng ngâm nga “Học đánh cờ” của Bác: Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công... Khi cao hứng, cờ đã nằm trong thơ như một sự giao hòa mà con người kính trọng.

Có một bà cụ mon men đến đánh cờ và chỉ chơi duy nhất với một cụ ông đã bạc tóc. Bà hầu như không nói lời nào khi khai triển những nước cờ thuần túy. Có một ván khi cho tốt nhập cung, bỗng dưng bà cười và làm đối phương buông lỏng hàng phòng vệ. Nhật ký à, hội cờ đã phát hiện đó là một đôi tình nhân của gần 60 năm về trước. Khi đó, hàng phố chỉ lác đác nhà, lác đác cửa hiệu, lác đác những cặp tình nhân...

Không ai đếm được một ngày có bao nhiêu đôi mắt dõi vào quán cờ ấy. Không ai từ chối một thú tiêu khiển của trí óc khi phải công phu rèn luyện và có sự tương giao thú vị. Trên một góc phố, tôi vẫn thấy họ đang chơi cờ mê mải.

Đám ma... bình yên

Đi học về thấy lá cờ tang treo trước ngõ. Vậy là có thêm một sinh linh nữa về với cõi thiên thu...

Hơn một ngày trôi qua. Thấy lạ quá, đám tang mà chẳng nghe trống kèn, kể cả những bài kinh tụng. Hỏi ra mới biết người mất là một trung niên không có vợ con. Đám điếu do người nhà lo lấy. Cách đó không lâu, gia đình này cũng có một người mất và đám tang cũng diễn ra như thế. Không kèn, không trống, không nhạc và ít người đến viếng.

“Nhà đông lắm, có đến mười mấy anh em lận. Cha mẹ cứ sinh ra rồi bỏ đó, không học hành gì cả. Người nào nấy tự lo lấy thân mình. Thợ nề, phụ hồ, xe ôm, bán vé số... có cả. Ông này là thợ nề, uống rượu nhiều quá thì chết thôi”. Lời cô chủ trọ kể về gia cảnh người quá cố cứ vang bên tai nghe sao lạnh lùng, dửng dưng. Kể cho nhỏ bạn cùng phòng, bạn phán một câu: “Người ở phố mà!”.

Đám ma thường buồn mà giờ trở nên “bình yên” quá. Bình yên, hai từ tưởng vốn chỉ dùng cho những điều thuộc về hạnh phúc.

TTCT cảm ơn các bạn: Hoàng Quế Hương, Hồ Sĩ Bình, Vũ Lê, Nguyễn Minh Hải, Đặng Thanh Hằng... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: [email protected], mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận