Những tâm sự này có là câu hỏi cho mỗi phụ huynh?
Cô Đ.H.T. dạy lớp 6 gồm 40 học sinh. Cô đưa ra một câu hỏi: "Các con đang gặp phải những vấn đề gì khó khăn trong việc học?", học trò trả lời trên các mẩu giấy không cần ghi tên.
Cô kể khi đưa ra câu hỏi đó, các em như được giải tỏa nỗi lòng của mình, reo hò ầm ĩ: "Có nhiều vấn đề lắm ạ!". Rồi những mẩu giấy nhận lại gần như 100% có lời kêu than vì phải... học quá nhiều.
"Chính tôi, vừa là cô giáo, vừa làm cha làm mẹ, cũng giật mình khi đọc mẩu giấy: Nên có một ngày nghỉ chứ nhiều khi con muốn tự tử lắm" - cô Đ.H.T. tâm sự.
Sau những tâm sự được "bật mí" thì cả lớp yêu cầu cô: "Chúng con muốn nói nhiều lắm, còn nhiều vấn đề lắm, nhưng cô ơi đừng nói với bố mẹ con nhé, nếu không bố mẹ sẽ không để cho con yên". "Hầu hết nhấn mạnh thêm lần nữa: Cô ơi, cô đừng nói nhé" - cô Đ.H.T. kể thêm.
Trong những mẩu giấy ấy, đa số là than vãn đã học ở trường cả ngày, tối và cuối tuần lại đi học thêm. Các em nói: Không học sinh nào muốn quá nhiều bài tập đâu/ Nếu không nghỉ ngơi thì học nhiều chẳng hiệu quả đâu/ Không cần học thêm để thời gian xem lại bài tập trên lớp/ Con không thể đi ngủ sớm vì có quá nhiều bài/ Bố mẹ ơi, đừng bắt con học nhiều quá.
Cá biệt có em chắc học rất nhiều trung tâm nên ghi trong giấy là học bảy ngày/tuần thì "học 1-2 trung tâm thôi", rồi "Hãy động viên khi con bị điểm kém chứ đừng mắng nhiếc, thậm chí là sỉ nhục".
Cô Đ.H.T. cho biết cô nghĩ có em đã rất khổ sở nên viết trong mẩu giấy bằng chữ in hoa và gạch chân đậm: Bố mẹ hãy ngừng so sánh với bản thân và với "con nhà người ta".
Do từng có con ở lứa tuổi này nên cô giáo Đ.H.T. thấy hình ảnh mình từng trong đó.
Những chia sẻ của học sinh khiến không ít người lớn giật mình
"Khi con tôi học lớp 2, được điểm 8 môn toán lớp 2 chỉ vì ghi nhầm từ vải xanh với vải hoa ở dạng toán có lời giải, bị trừ 2 điểm. Thế mà tôi đã mắng con hơn một giờ nói về việc "không có tương lai", cả chuyện "sĩ diện và thể diện của bố mẹ".
Rồi tôi bắt con phải dán những yêu cầu do mình đặt ra ở góc học tập, thậm chí bàn học ở lớp. May mà sau đó tôi đã "tỉnh ngộ" và xin lỗi con. Từ đó giữa tôi và con gần gũi, nhẹ nhàng hơn, giờ con đã là học sinh lớp 11, rất tự tin, năng nổ và có vài tài lẻ. Ngày ấy sao tôi "ác" quá!" - cô T. tâm sự.
Gặp một số học sinh hỏi có khi nào nói với cha mẹ về những khó khăn trong học tập không, hầu hết các em nhún mình lắc đầu.
"Nói học nhiều thì ba mẹ nói làm biếng, né tránh . Câu muôn thuở mà mẹ em hay nói là không học thì không có tương lai. Hôm nào lỡ điểm thấp, suốt đoạn đường về là la mắng và chê bai, rồi nói cho học tốn cơm chứ chẳng được gì.
Nhưng em quen và ráng chịu, mình cũng đâu có thể phản kháng được" - một học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) nói và vội bỏ chạy khi mẹ đến.
Phải lắng nghe con nhiều hơn
Cô Nguyễn Thị Ước (Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại: "Tôi nhớ có em lớp 7 tìm tôi khóc nức nở và nói ba mẹ bắt học nhiều quá, em học không nổi nữa, cô cứu con với. Khi nghe tôi cũng chết lặng, thật xót nhưng khi làm việc với phụ huynh thì chuyện đâu lại vào đó, lịch học của em vẫn dày đặc".
Còn cô Nguyễn Thị Hòa (Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng chia sẻ: "Có một học sinh lớp 5 mà người thân ai cũng giỏi và thành đạt nên phụ huynh đặt yêu cầu là học không được điểm 9, chỉ có điểm 10. Học trò này mới bộc lộ rằng ở nhà thì ba mẹ bắt học, lên trường thì thầy cô, làm sao con sống cho nổi nên khi bị thầy giáo thể dục nhắc nhở đã òa khóc giữa sân trường".
Có con đang đi học, chị Đ.T.T. (Quảng Ngãi) thừa nhận "chưa một lần lắng nghe thực sự con mình nói gì về việc học". Chị nói: Vì lo lắng con không theo kịp con người ta nên tôi cho con học thêm tiếng Anh, học vẽ, học thể dục rất nhiều. Cả hai con nếu tính đưa đón lượt đi lượt về thì người nhà cũng hết thời gian trong một ngày dù học trường làng.
Có hôm con tôi mới lớp 1, dỗi với bà ngoại rằng: "Con không đi học đâu, học cả ngày ở trường, tối lại học thêm nhà cô Th., sức ở đâu cho nổi". Cứ nghĩ con lấy lý do để lười biếng, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ được đó là tiếng than của con cái mà ba mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận, suy nghĩ.
"Chưa bao giờ tôi hỏi con muốn gì, cứ nghĩ con mình ở độ tuổi ăn học là cứ nhất nhất phải học và học. Nhiều lúc bước ra khỏi nhà, trèo lên xe, con cũng ượn ẹo vì mỏi mệt nhưng tôi nghiêm khắc để ép con mình vào nếp", ông N.T.S. (một phụ huynh Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM), bộc bạch.
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM) cho biết hoàn toàn không bất ngờ trước những tâm sự "bí mật" của các em học sinh.
"Các em thấy áp lực, mệt mỏi, chán chường và chẳng có động lực gì bởi người lớn. Người lớn luôn chỉ biết một hình ảnh lý tưởng, có thể vô lý, rồi áp lên con mình kèm theo đó là nhiều lo lắng và tham vọng.
Rồi hoặc là họ làm thay tất cả để đưa con thành người "tài" nhất. Các em có cảm giác như vậy là còn đang... khỏe để biết nhìn nhận vấn đề. Đã đến lúc cha mẹ dừng lại, đối thoại để lắng nghe con cái nhiều hơn. Cha mẹ muốn con học hành tốt thì ngay chính mình cũng phải học cách giáo dục nuôi dạy... từ chính tiếng lòng con trẻ", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận