Cho dù Tổng thống Trump ngay sau khi lên nắm quyền đã có những lời lẽ chỉ trích Iran gay gắt và rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhưng trước những vụ tấn công gần đây vào các lợi ích của Mỹ và của các đồng minh, việc Mỹ thiếu những hành động đáp trả đủ cứng rắn không chỉ tạo điều kiện cho Iran "lấn tới" ở khu vực mà còn khiến các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Israel, Saudi Arabia... lo ngại về sức mạnh răn đe của Mỹ.
Vụ việc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq tuần qua là giọt nước làm tràn ly, cho thấy bàn tay của Iran dưới sự chỉ đạo của tướng Soleimani không chỉ lan rộng ở khu vực mà còn đánh trực diện vào hình ảnh nước Mỹ và sức mạnh Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, là chất xúc tác để ông Trump quyết định lựa chọn một phương án mạo hiểm mà các tổng thống trước ông đã không chuẩn thuận.
Việc hạ sát tướng Soleimani là một nước cờ táo bạo nhưng có tính toán nhằm gửi đi thông điệp "răn đe" của Mỹ. Như lời tướng Petraeus - cựu giám đốc CIA và tư lệnh lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan, việc hạ sát tướng Soleimani là động thái có tính chất "quan trọng" hơn cả việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hoặc thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Không ngạc nhiên khi Iran đáp trả mạnh mẽ. Đại giáo chủ Ali Khamenei ngay lập tức kêu gọi trả thù và sau đó Tehran tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và sẽ không bị giới hạn sản xuất và làm giàu hạt nhân. Dù tình cảm dân tộc đang lên rất cao ở Iran nhưng những cái đầu lạnh ở Tehran cũng đủ khôn ngoan để không bị đẩy vào một cuộc "chiến tranh trực diện" với Mỹ, vốn có sức mạnh quân sự vượt xa Iran.
Tuy nhiên Iran cũng sẽ không thể không nhân dịp này sử dụng các lực lượng đồng minh tăng cường quấy rối Mỹ ở khu vực và khai thác những lợi thế bất ngờ được tạo ra sau vụ tấn công này.
Còn tại Iraq, việc Quốc hội nước này thông qua nghị quyết với số phiếu 170-0 kêu gọi rút toàn bộ lực lượng quân sự của Mỹ ra khỏi Iraq chỉ có tính chất khuyến nghị. Gần một nửa trong tổng số 328 nghị sĩ đã không tham gia bỏ phiếu vì không nhất trí với nghị quyết này.
Ngoài những người Hồi giáo Shiite ủng hộ Iran, còn đại bộ phận người Iraq theo dòng Sunni và người Kurd vẫn ủng hộ sự có mặt của Mỹ. Nếu Mỹ rút đi, nguy cơ bóng ma IS quay lại vẫn khiến các lãnh đạo Iraq phải dè chừng.
Còn Tổng thống Trump, với phong cách của một CEO, dù ra quyết định đầy mạo hiểm và táo bạo ngay cả đối với những trợ lý của ông nhưng có lẽ cũng không muốn đẩy sự việc đi quá xa. Phản ứng của ông Trump sau cái chết của tướng Soleimani có chừng mực hơn so với phong cách thường thấy. Và dù lên tiếng răn đe sẵn sàng tấn công vào 52 địa điểm ở Iran nhưng phản ứng của quân đội Mỹ cũng cho thấy Mỹ chưa muốn có một cuộc chiến mới sau các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.
Còn quá sớm để đánh giá các hệ lụy từ việc Mỹ hạ sát tướng Soleimani nhưng có một điều chắc chắn là bàn cờ thế ở khu vực đã có thay đổi. Sự nghi ngờ và đối đầu đã bị đẩy lên cao hơn và trong bầu không khí như vậy, nhiều khi những đốm lửa nhỏ cũng có thể bùng lên thành đám cháy lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận