Các loại ong thường gặp là ong mật và ong vò vẽ, cả hai đều có nọc độc có thể gây tổn thương cho bạn. Riêng ong vò vẽ có thể chích nhiều mũi rất nguy hiểm do kim của chúng không bị dính vào da sau khi chích như trường hợp ong mật. Ong chích nếu không có biến chứng sẽ gây cảm giác đau ngay tức khắc, phản ứng nổi "mề đay" và sưng phù tại chỗ, thường giảm sau vài giờ.
Khi bị ong chích, những việc cần làm ngay
- Sơ cứu tại chỗ: Nếu bị ong mật chích và mũi kim cắm vào da không sâu lắm, lấy kim ra càng sớm càng tốt. Có thể dùng móng tay hoặc nhíp để gắp ra. Sau khi lấy kim ra, sát trùng vết thương với cồn hoặc xà phòng và nước. Chườm bằng túi nước đá để giảm đau và làm chậm sự phát tán của nọc. Có thể đến cơ sở y tế để được cho thuốc giảm đau, thuốc kháng Histamin.
- Theo dõi dấu hiệu dẫn đến sốc: Khi thấy nạn nhân khó thở, khó nuốt và bất thình lình rũ rượi - đó là dấu hiệu báo trước của sốc phản vệ, cần phải chuyển đến bệnh viện ngay.
- Theo dõi dấu hiệu suy thận: suy thận cấp nếu có thì xảy ra trong vòng 3 ngày đầu sau khi bị ong chích. Theo dõi bằng cách kiểm tra lượng nước tiểu; nếu tiểu ít hơn thường ngày hoặc nước tiểu đổi màu sắc (đỏ hoặc đen), cần cho nhập viện ngay.
Đi dã ngoại nên lưu ý đề phòng ong chích
- Tránh chọc phá tổ ong, lưu ý tránh xa các thân cây, cành cây rậm… nơi ong có thể làm tổ.
- Nên mặc quần áo màu nhạt, không nên mặc các quần áo màu sắc sặc sỡ và xức nước hoa, mỹ phẩm để tránh lôi kéo đàn ong đến.
- Nên đi giày và mặc trang phục che kín chân tay.
- Khi bị một đàn ong tấn công tốt nhất là nhảy xuống nước. Trong trường hợp chỉ có đồng trống và nơi cây cối rậm rạp nên chọn nơi có cây cối rậm rạp vì khi vào đó ong có khuynh hướng tán lạc và mất dấu của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận