22/11/2004 17:32 GMT+7

Bạn có biết khen con?

Theo DNSGCT
Theo DNSGCT

Một người mẹ tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em vì cô không hiểu nổi tại sao các con của cô lại phản ứng khi được mẹ khen ngợi! Người mẹ đó nói cô lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ không bao giờ đưa ra lời khen trước mặt con cái vì tin rằng như thế sẽ làm chúng trở nên tự phụ.

e2PRtmBP.jpgPhóng to
Một người mẹ tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em vì cô không hiểu nổi tại sao các con của cô lại phản ứng khi được mẹ khen ngợi! Người mẹ đó nói cô lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ không bao giờ đưa ra lời khen trước mặt con cái vì tin rằng như thế sẽ làm chúng trở nên tự phụ.

Theo cô, đó không phải là cách hay, trẻ con rất cần được khen ngợi, điều đó giúp chúng có niềm tự hào. Thế nên cô muốn dành cho các con của mình những gì cô đã không nhận được. ''Có lẽ là hơi quá liều", cô thú nhận. ''Một hôm khi tôi khen thằng con đầu rằng nó rất thông minh, nó liền nói: "Bạn T. trong lớp còn thông minh hơn con''. Rồi hôm khác, khi tôi khen con gái út của tôi rằng nó chơi đàn organ rất tuyệt, nó bỗng phản ứng: ''Thôi mẹ đừng khen con như thế nữa!''. Tôi chẳng hiểu vì sao chúng lại như thế!''.

Hãy nghĩ xem cảnh này có quen không: Con gái bạn khoe với bạn bức tranh con bé vẽ ở trường, bạn ngắm nghía rồi gật gù: ''Đẹp lắm! Con đúng là một họa sĩ tuyệt vời đấy".

Lời khen của bạn có thể làm con bé lập tức thấy sung sướng và niềm sung sướng đó kéo dài được chốc lát. Nhưng nếu sự việc lặp lại và lời khen vẫn chỉ định ra một giá trị ''tuyệt vời" chung chung nào đó thôi thì lời khen của bạn sẽ nhanh chóng mất ý nghĩa khi con bé dần nhận ra: ''Không đúng. Mình vẽ gương mặt đâu có đẹp''.

Thay vì dành cho con gái lời khen trực tiếp thông qua các tính từ "định giá trị", bạn hãy dành cho con lời khen gián tiếp thông qua sự diễn tả: "Bố thấy một bầu trời màu đen, một vầng trăng mờ ảo và những ngôi sao màu vàng rực rỡ".

Những chi tiết được bạn nêu lên một cách rõ ràng ấy không chỉ báo cho con trẻ biết rằng bạn thực sự thưởng thức tác phẩm của nó mà còn giúp trẻ khẳng định được điều gì trẻ biết mình có khả năng làm. Khi đó, con bạn sẽ nghĩ: "Mình biết phải vẽ bầu trời ban đêm như thế nào mà!''.

Một tình huống khác. Con trai bạn không được giỏi toán cho lắm. Một hôm thằng bé hớn hở khoe với bạn điểm 9 nó vừa đạt được qua một bài kiểm tra. Bạn rất vui mừng, dĩ nhiên, và nghĩ ngay đến triển vọng từ giờ trở đi có lẽ thằng bé sẽ khá toán lên, bạn rối rít khen: ''Con của mẹ cừ lắm!''. Sự thật thì thời gian gần đây bạn đã phải nhờ đến dịch vụ gia sư sinh viên. Anh gia sư sinh viên ấy đã tìm ra đúng lỗ hổng kiến thức của thằng bé và hai thầy trò đã cùng nhau miệt mài ôn luyện.

Điều con bạn thực sự cần lúc đó không hẳn là tính từ ''cừ'' trong câu khen của bạn. Thằng bé nghĩ bụng: ''Gia sư của mình mới đúng là cừ. Anh ấy đã tìm ra cách dạy sao cho mình hiểu''. Thay vì vậy, nếu bạn dành cho con một lời khen gián tiếp, thông qua miêu tả những điều bạn đã quan sát thấy: ''Con vui là phải lắm. Mẹ biết con đã ôn luyện rất nhiều để chuẩn bị cho bài kiểm tra này'' thì cách khen đó cho thằng bé biết nó được mẹ quan tâm rất sát sao và những nỗ lực của nó được mẹ công nhận. Và đó mới đúng là điều thằng bé cần: sự tự khẳng định: ''Mình biết mình sẽ được điểm khá trong bài kiểm tra toán lần này khi mình đã nỗ lực đến thế!''.

Dưới dây là một kinh nghiệm của một bà mẹ đã nhận ra cách khen ngợi đề cao chung chung ức chế quá trình sáng tạo của con trẻ như thế nào và lời khen có sự diễn tả lại giải phóng năng lực sáng tạo như thế nào.

"Con bé 6 tuổi của tôi rất có khiếu vẽ. Một lần nó tham dự cuộc thi vẽ tranh dành cho lứa tuổi nhi đồng. Trong lúc con bé thực hiện tác phẩm của nó tại cuộc thi, tôi ngồi xuống kế bên cạnh và nói mãi không thôi: ''Giỏi lắm!... Chà, mẹ thích màu đó... Còn cái chân hơi to đấy, phải không?... Được rồi! Ngừng đi! Hoàn hảo rồi đó!''.

Nghe vậy con bé chợt nói: ''Mẹ ơi, tại sao phải hoàn hảo hả mẹ?", rồi con bé đặt bút vẽ xuống và nhất định không chịu vẽ vời gì tiếp nữa. Bấy giờ tôi mới hiểu ra là mình đã nói quá nhiều.

Sau đó, một lần con bé đem về nhà bức tranh nó vẽ ở trường, tôi bèn không đưa ra nhận xét gì hết. Nhưng tôi biết con bé muốn tôi nói gì đó, vì nó đính bức tranh lên bức tường trước mặt tôi lúc tôi đang gấp quần áo. Đó là bức vẽ một con cọp và thực sự đẹp. Chỉ cần sửa đổi chút ít bức vẽ có thể trở thành tuyệt tác không chừng. Nhưng tôi cố gắng tự kiềm chế. Tôi gỡ bức tranh xuống và chỉ diễn tả: ''Mẹ thấy con vẽ một con cọp có vằn màu đen và màu cam, có đuôi dài đang cười, và...". Trước khi tôi kịp nói tiếp, con bé đã giữ lại bức tranh từ tay tôi và nói: ''Đây là con cọp mẹ. Bây giờ con sẽ vẽ tiếp con cọp con của nó''.

Về sau, khi nghĩ lại chuyện xảy ra trong cuộc thi vẽ tranh của con gái, tôi nhận ra rằng tất cả những lời khen hay khen tuyệt của tôi chỉ là cách tôi bắt con gái làm cho tôi vui, trong khi người mà con gái tôi muốn làm vui lòng là chính nó. Từ giờ trở đi, tôi sẽ cố gắng không cản trở con bé lúc nó vẽ.

Tôi cho rằng con bé chỉ cần nhận xét của tôi khi nào con bé yêu cầu thôi'.

Khơi thông khả năng sáng tạo, năng lực học hỏi cho con cái, đó là điều bậc làm cha mẹ nào cũng muốn. Nhưng ít ai nhận ra rằng lời khen có thể giúp họ đạt được điều đó. Tất nhiên, khen con là cả một nghệ thuật.

Tin vui là bạn có thể rèn luyện được kỹ năng này vì nó rất đơn giản: diễn tả điều bạn thấy hoặc cảm nhận về điều trẻ thực sự đã tìm được.

Theo DNSGCT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên