27/05/2012 07:07 GMT+7

Bán cho 500 đồng... khắt khe!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - 1. Ai thường lui tới quán cà phê kịch của Bệt (TP.HCM) chắc cũng chẳng lạ với nội quy nơi đây. Lúc nào chủ quán cũng dành năm phút đầu tiên trước khi vở diễn bắt đầu để căn dặn tỉ mỉ: Xin quý khán giả không ăn uống, không đi lại, không mở màn hình điện thoại trong khi vở đang diễn. Xin cảm ơn! Những cái “không” rất tiểu tiết ấy làm không ít người khó chịu.

Nhưng chỉ đến khi vở kịch bắt đầu, khán giả mới ồ à cảm thông... Hóa ra sân khấu kịch của Bệt chỉ rộng chưa đầy vài mét vuông, khoảng cách giữa khán giả và diễn viên gần như là zero, bởi vậy chỉ cần một khán giả hí hoáy việc riêng cũng dễ khiến nghệ sĩ phân tâm mà không thể hoàn thành tốt vai diễn của mình.

2. Lại một câu chuyện khác, ông chủ quán cà phê Audiophile nằm trên con phố cà phê nổi tiếng Sài Gòn - Tú Xương từng làm một vị khách rất phiền lòng khi nhất quyết không cho anh này cắm sạc điện thoại trong quán cà phê. Lý lẽ của ông nghe cũng thật bình thường: “Tôi bán cà phê chứ đâu có bán điện!”.

Có lẽ ông chủ quán không “trùm sò” đến mức tiếc vài chục phút cắm nhờ điện của thượng đế, chỉ có điều khách lui tới thường xuyên quán nước sẽ hiểu: quán hạn chế tối đa việc dùng laptop, điện thoại, iPad để người đến uống cà phê có một khoảng riêng tĩnh lặng, thưởng thức trọn vẹn cốc cà phê ngon mà không bị guồng quay ồn ào của cuộc sống cuốn phăng... Điều này nghe chừng hợp lý và cũng là lý do để quán cà phê nhỏ xíu này vẫn đông nghịt khách ngồi dù có ông chủ khó chịu chẳng giống ai...

3. “Em hát nghe được đó, nhưng cảm ơn em, tôi không đi tìm một giọng ca tròn trịa” - nhạc sĩ Phương Uyên nói thẳng tưng trong buổi tuyển giọng của một cuộc thi ca hát đang gây chú ý. Dĩ nhiên, thí sinh bị loại rời sân khấu và cả những khán giả nhiệt tình vỗ tay phía dưới vẫn ngơ ngác, ấm ức...

Thí sinh hát đúng nhạc, đúng lời, giám khảo còn đòi hỏi gì hơn? Hỏi ra mới biết cái Phương Uyên đòi hỏi ở đây là một cá tính, chất riêng trong âm nhạc. Bao lâu rồi làng ca hát thiếu vắng những nghệ sĩ có “chất” trên sân khấu? Ở những cuộc thi âm nhạc, không khó để bắt gặp một thí sinh bắt chước thần tượng y chang từ cách luyến láy, nhả âm cho đến phục trang, trình diễn để mong được chú ý, so sánh giống nam ca sĩ A, nữ ca sĩ B. Cá tính trở thành thứ “xa xỉ phẩm” trong một thị trường hầu như khán giả đều chép miệng “Hát live được là tốt quá rồi!”.

Có người thạo tin nghe chuyện cười cười đầy hiểu biết: cuộc thi nào mà chả có kịch bản, giám khảo đôi khi cũng là một diễn viên, hơi đâu mà... bất ngờ! Điều đó cũng có thể, nhưng dù giả hay thật thì một tiêu chí bình thường ở một sân chơi âm nhạc bỗng trở nên bất thường vì những khắt khe rất... đời thường có lẽ cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ.

4. Ai cũng thích được vỗ về, được “cho ăn kẹo” với những lời bọc đường, rất không vui khi phải nghe những lời “không”, “đừng”, “cấm”, “phải”! Vậy nhưng đôi khi người ta cần tự “buộc” mình vào những điều khoản khắt khe ấy để thấy mình cần sống trách nhiệm hơn, với chính mình và (có vẻ) to tát hơn là với cái nghề của mình. Trong đời sống giải trí nhiều dễ dãi như hiện nay - từ những người làm nên tác phẩm đến người thụ hưởng, có người đã thật tình chia sẻ: “Dạo này thèm kinh khủng một câu cằn nhằn, ai bán cho... 500 đồng khắt khe...”!

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên