Toàn cảnh hội thảo với chủ đề: Phát triển mô hình "Lúa thơm - Tôm sạch" vùng Mekong - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lữ Văn Hùng - bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo các tổng cục, cục, vụ của Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, tham tán thương mại tại các nước EU, Hàn Quốc, Saudi Arabia… Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL, cùng 150 khách mời là các hợp tác xã, nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp… trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phía báo Tuổi Trẻ có sự tham dự của nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.
Tuổi Trẻ muốn xây dựng hình ảnh một 'khu vườn của thế giới'
Phát biểu mở đầu hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp/lúa gạo dẫn tới tính dễ bị tổn thương của 17,3 triệu nông dân, chủ yếu là nông hộ nhỏ và người nghèo.
ĐBSCL hiện là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu không thích ứng sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đời sống người dân không chỉ trong vùng mà còn trên phạm vi cả nước.
Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu tại hội thảo - Video: V.BÌNH – T.KIỆT – D. HƯỜNG
Nhưng trong khó khăn vẫn tồn tại những cơ hội. Và trong những ngày đầu năm mới này, chúng ta có mặt tại đây để cùng tìm hiểu, chia sẻ và bàn cách phát triển một mô hình thích ứng rất tốt và rất tiềm năng đối với biến đổi khí hậu, đó là mô hình lúa - tôm. Đây không chỉ là mô hình giúp nông dân tiếp tục gắn bó với mảnh đất Mekong, miền Tây, ĐBSCL mà còn có điều kiện để xây dựng những thương hiệu nông sản đặc sản của vùng đất này trong tương lai.
Theo nhà báo Lê Thế Chữ, với hình thức canh tác thuận tự nhiên, ít sử dụng hóa chất trong canh tác, với các giống tôm, giống lúa chất lượng cao sẽ tạo ra các sản phẩm lúa tôm cao cấp theo định hướng "lúa thơm - tôm sạch". Đó là tiền đề để các sản phẩm này tiếp cận với các thị trường cao cấp, qua đó nâng cao giá trị nông sản.
Các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau có lợi thế trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhờ hệ sinh thái tôm - lúa, tôm - rừng, lúa - cá... Theo Cục Trồng trọt, nếu có hệ thống thủy lợi tốt có thể tăng thêm 100.000ha luân canh tôm - lúa và củng cố diện tích tôm - lúa hiện có khoảng 150.000ha. Sản phẩm gạo ở vùng này có thể đi vào phân khúc thị trường gạo đặc sản có giá cao nhất trên thị trường thế giới hiện nay.
Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp vùng ven biển vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần nắm bắt và có giải pháp ứng phó hiệu quả. Đầu tư cho thủy lợi phải nói là then chốt cho các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.
Giống lúa cho vùng tôm - lúa và giống tôm cho nuôi tôm cần đặc biệt quan tâm. Các giống lúa phù hợp cho canh tác hữu cơ trong mô hình tôm - lúa cần được quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý về bản quyền giống, về hệ thống sản xuất và cung ứng giống 3 cấp.
Sản xuất lúa tôm không chỉ là một mô hình thích ứng tuyệt vời với những thách thức và đe dọa của biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế của nông dân trong vùng mà còn là một cơ hội rất lớn để xây dựng thương hiệu cho con tôm, cho hạt gạo miền Tây.
"Tôi mong muốn sau sự kiện hôm nay, những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, của các bộ ngành, của nông dân, của doanh nghiệp, của các tham tán thương mại… góp phần hoàn thiện mô hình canh tác lúa tôm, sẽ có những cam kết từ các địa phương trong liên kết và phát triển thương hiệu lúa tôm cho cả vùng và sẽ có sự sát cánh và bảo trợ mạnh mẽ từ Bộ NN&PTNT để sớm đưa thương hiệu "lúa thơm - tôm sạch" ra thị trường trong nước và ra thế giới!" - nhà báo Lê Thế Chữ nhấn mạnh.
Theo tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, sự kiện hội thảo lúa tôm hôm nay là một hoạt động quan trọng trong chương trình Mekong Xanh mà Tuổi Trẻ đang tiến hành và sẽ kéo dài xuyên suốt nhiều năm sắp tới. Mekong Xanh, với mong muốn trở thành một diễn đàn về đổi mới và thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, sẽ gồm nhiều chương trình về xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, hỗ trợ quảng bá xây dựng thương hiệu địa phương, nơi các sáng kiến và ý tưởng liên kết và phát triển vùng được thảo luận và triển khai trong thực tiễn.
"Chúng tôi chọn tên gọi này bởi Mekong là một thuật ngữ quen thuộc và mang tầm quốc tế, là mục tiêu mà Tuổi Trẻ mong muốn đóng góp để đưa hình ảnh của vùng đất miền Tây, các sản phẩm tươi ngon, chất lượng cao của khu vực này ra quốc tế. Từ đó xây dựng hình ảnh của một Mekong Xanh, một 'khu vườn của thế giới' được quốc tế biết đến và thừa nhận trong tương lai" - nhà báo Lê Thế Chữ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham quan mô hình lúa tôm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Khang tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu sáng 10-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lúa tôm là mô hình thông minh
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đây là hội thảo quan trọng của ngành nông nghiệp cũng như của toàn vùng ĐBSCLS, đồng thời đây cũng là niềm vinh dự và cũng là dịp thuận lợi để Bạc Liêu có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc phát triển các mô hình này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với mô hình tôm - lúa ông Thiều khẳng định đây là mô hình bền vững, hiệu quả, là mô hình ‘thông minh’ tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… Từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. “Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình ‘lúa thơm - tôm sạch’ của tỉnh Bạc Liêu và của vùng ĐBSCL” – ông Thiều nói.
Theo ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống Lúa ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới: trồng trong vuông tôm sẽ tăng giá trị cho cả hạt gạo lẫn con tôm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, ông Thiều cho rằng thực tế và dài hạn thì mô hình tôm - lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng và gần đây là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn đang là mối đe dọa thực sự đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. “Nguồn tôm giống chất lượng chưa được người nuôi quan tâm, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều... dẫn đến phát triển chưa bền vững, nên hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng” – ông Thiều chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo với mong muốn tạo chuỗi liên kết trong sản xuất "lúa thơm tôm sạch" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Thiều, Hội thảo hôm nay là diễn đàn rất hay và bổ ích, tạo điều kiện trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã… từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng những hạn chế, tồn tại của mô hình lúa – tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu. “Để sau hội thảo này chúng ta cùng nhau giải quyết, đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của mô hình, tháo gỡ những nút thắt những điểm nghẽn”... và mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân” – ông Thiều nói.
Ông Phạm Văn Thiều – chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin về phát triển mô hình lúa tôm tại địa phương - Video: V.BÌNH – T.KIỆT – D. HƯỜNG
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng mong các đại biểu có nhiều ý kiến, câu hỏi để các diễn giả, nhà khoa học đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế của mô hình và cùng giải quyết, đề ra giải pháp khắc phục và có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về cơ chế, chính sách phù hợp để mô hình tôm - lúa thực sự trở thành mô hình “thông minh” có hiệu quả cao và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Phân tích cho người dân hiểu được hiệu quả kinh tế
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho hay, mô hình tôm lúa của Việt Nam được tổ chức quốc tế FAO, các nước ASEAN đánh giá cao.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Mô hình tôm lúa không phải nơi nào cũng làm được. Do đó, trong tích hợp không gian mỗi địa phương, các địa phương cần tính toán kỹ các vùng nuôi trồng lúa tôm để từ đó ra được cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng, liên kết và ứng dụng khoa học để phát triển bền vững” – ông Luân nói.
Đối với tổ chức sản xuất, ông Luân cho rằng điều này rất quan trọng, do đó trong tuyên truyền hướng dẫn người dân cần phải phân tích cho người dân hiểu được hiệu quả kinh tế, không phải là sản lượng nhiều để rồi mất công mà lại mất trắng.
Theo ông Luân, trong nuôi tôm nếu áp dụng máy móc hiện đại mà không có người nuôi tôm chăm sóc thì chắc chắn không thành công. Nếu trông vào máy móc thì nuôi tôm chết hết, Mỹ cũng đã nuôi tôm và không cần nhập tôm từ Việt Nam. Vai trò của thiết bị, của con người, của công nghệ cần phải áp dụng phù hợp vào nuôi trồng thì mới phát triển bền vững.
Xây dựng thương hiệu "lúa thơm tôm sạch"
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho biết hôm nay chúng ta gặp mặt ở đây - Bạc Liêu giấc mơ tình yêu để chúng ta cùng nhau mơ. “Tại sao chúng ta không mơ cho Bạc Liêu, mơ cho Mê Kông xanh, mơ cho cây lúa, con tôm”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Video: V.BÌNH – T.KIỆT – D. HƯỜNG
Nhắc đến thông điệp tại Hội thảo “Hướng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững và tích hợp đa giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ rằng “Lúa thơm – tôm sạch là một nhãn hiệu hiệu, hướng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững và tích hợp đa giá trị - đó mới chính là thương hiệu”. Theo ông Hoan để xây dựng thương hiệu tôm lúa thì cần phải có một slogan và một câu chuyện về sản phẩm. “Chúng ta viết câu chuyện về con tôm, cây lúa trong một mô hình tích hợp tôm – lúa thật xúc động thì mới thành công”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng nếu chúng ta định vị lúa tôm vùng Mê Kông hướng đến nông nghiệp sinh thái bền vững, thì hệ thống tổ chức hỗ trợ nông nghiệp và các ngành hỗ trợ phải khác. Tham vọng, kỳ vọng lớn thì mô hình phải khác nhau, hệ sinh thái phải khác. Ông Hoan mong muốn nông nghiệp sinh thái cần một hệ sinh thái của tất cả chúng ta, từ cơ quan quản lý, chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học người dân, truyền thông. “Khi đã là hệ sinh thái thì không ai quan trọng hơn ai hết, Bộ trưởng cũng như là nhà khoa học, người nông dân. Bởi thước đo cuối cùng của mô hình tôm lúa là thu nhập người nông dân, là người nông dân sống khỏe”.
Thị trường EU dư địa rất lớn
Ông Trần Văn Công – Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, cho biết thị trường EU có yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm rất khắt khe. Các nhà tiêu dùng tiếp tục gây sức ép cho các nhà nhập khẩu, nhà phân phối phải thực hiện cam kết về thực phẩm an toàn.
Đối với sản phẩm thủy sản, EU là thị trường lớn, hàng năm nhập khẩu 55 tỉ USD, nhu cầu đối với tôm sinh thái rất cao, đặc biệt tôm sú đã thâm nhập rất tốt vào Thụy Sĩ nên mô hình tôm lúa phù hợp với nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng EU. Chúng ta làm thế nào để nhân rộng, quảng bá được sản phẩm lúa tôm.
Đối với thị trường Tây - Bắc Âu nhập khẩu rất nhiều để tiêu thụ nội địa, cũng như phân phối lại. Khu vực Nam Âu, nhu cầu tiêu thụ thủy sản rất lớn, nhất là các sản phẩm về tôm sinh thái. Nhóm các nước Đông Âu, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cũng đang tăng. Nhìn chung EU là thị trường tiềm năng đối với sản phẩm về tôm.
Đối với gạo, mỗi năm EU nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo và EU dành cho Việt Nam 80.000 tấn không chịu thuế, trong đó gạo thơm 30.000 tấn nhưng năm 2021 chúng ta mới chỉ xuất khẩu được một nửa, tổng các loại mới chỉ 47.000 tấn. Do đó mô hình lúa tôm mà phát triển bền vững theo hướng sinh thái thì có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này.
Quan trọng nhất là tổ chức sản xuất phải đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng hệ thống quảng bá để tiếp cận người tiêu dùng châu Âu.
Trung Đông có nhu cầu cao về gạo hữu cơ
Ông Trần Trọng Kim, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út cho biết hàng năm nước này nhập khẩu rất lớn lương thực, thực phẩm, trong đó có gạo và thủy sản. “Nhu cầu thị trường Ả rập Xê út rất lớn, khoảng 1,5 triệu tấn/năm nhưng mỗi năm Việt Nam mỗi năm xuất khẩu mới chỉ khoảng 32.000 tấn gạo.
Theo ông Kim, xu thế hiện nay họ quan tâm tới sản phẩm sạch, sản phẩm organic,… giá khá cao. Do đó các doanh nghiệp có thể tập trung vào cần xây dựng các sản phẩm này, đặc biệt là sản phẩm organic.
Về thủy sản, họ tiêu thụ nhiều thủy sản từ Việt Nam, riêng mặt hàng tôm mỗi năm cần khoảng 300.000 tấn. Sau khoảng 30 tháng tạm ngừng, phía bạn đã mở cửa cho 12 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Hiện Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán để mở thêm cho 25 doanh nghiệp. Từ khi mở cửa trở lại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này là 25 triệu USD.
Về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu, ông Kim cho biết phía bạn cũng đã ban hành quy định an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu, đồng thời kiểm tra giám sát rất chặt doanh nghiệp xuất khẩu sang, hàng không đảm bảo yêu cầu sẽ từ chối thông quan hoặc tiêu hủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận