Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận 12 và TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vấn đề huy động được nguồn lực ngoài ngân sách cùng tham gia và người dân ven sông được hưởng thành quả của đề án là một bài toán không dễ cho những người thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - trao đổi với Tuổi Trẻ về định hướng thực hiện đề án.
Ông Nguyễn Anh Tuấn
* Cách nào để người dân không bị đẩy ra "bên lề" khi Nhà nước thực hiện đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông?
- Nội dung đề án đa dạng loại hình, nên người dân đang sử dụng các khu đất dọc theo bờ sông có thể tham gia với nhiều hình thức khác nhau.
Các hoạt động khai thác dịch vụ một cách hiệu quả cần có chính sách khuyến khích một cách phù hợp.
Một số khu vực ven sông vẫn làm nông nghiệp, còn đất lúa và nhà vườn như Củ Chi, Hóc Môn... được quy hoạch là khu sinh thái nhà vườn phục vụ du lịch, có vai trò như một hành lang xanh, phục vụ nhiều chức năng công cộng và khai thác những chức năng hạ tầng dịch vụ sông nước.
Tại những khu này, người dân có thể tự làm những dịch vụ du lịch, xây dựng homestay, khu câu cá giải trí...
* Quy hoạch 1/2.000 ven sông Sài Gòn hiện nay có đủ để thực hiện đề án?
- Điều kiện cần để phát triển dịch vụ du lịch chuyên nghiệp bài bản ven sông Sài Gòn là có quy hoạch phù hợp, phục vụ nhu cầu của không chỉ thành phố mà còn là vùng thành phố.
Quy hoạch hành lang dọc sông Sài Gòn đang có những ý tưởng cần nằm trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương và hành lang kinh tế dịch vụ dọc sông, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu cùng những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Người dân có thể bán đất hoặc góp cổ phần trong dự án để cùng hưởng thụ thành quả của quy hoạch, của phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.
* Hiện chưa có quy định để người dân và doanh nghiệp cùng góp vốn như ông nói. Đề án có đề xuất cơ chế nào không?
- Có những quy định đang được rà soát, điều chỉnh để có hành lang pháp lý phù hợp hơn. Ví dụ như quy định về hành lang bờ sông, hiện nay có chỗ 30m, chỗ 50m tính từ mép bờ cao.
Tuy nhiên, nhu cầu làm dịch vụ ven sông cho thấy có thể có những đoạn sông phải lấy đất rộng hơn 50m nhưng có chỗ cần để công trình chạy ra sát mé sông để đáp ứng được nhu cầu khai thác và sử dụng đa dạng các dịch vụ, không gian, làm điểm nhấn cảnh quan và khai thác hiệu quả quỹ đất.
Tại Singapore, khi triển khai chương trình nhà ở, việc thực thi là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Quá trình triển khai cho phép cơ quan chức năng quyết định những vấn đề mà chưa được quy định hoặc chưa phù hợp trong luật định. Song song với quá trình này, các quy định của pháp luật được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp. Đó cũng là một cách làm để tham khảo.
TP.HCM có thể có cơ chế đặc thù cho phép thử nghiệm để đột phá phát triển. Do vậy có thể tham khảo mô hình trên để thực hiện những dự án phát triển, đáp ứng nhu cầu thời đại.
Khi thực hiện, TP báo cáo với Thủ tướng về những điểm vướng mắc hoặc cần làm khác với quy định hiện hành. Thủ tướng và các bộ ngành xem xét, cho ý kiến tháo gỡ.
Nếu cách làm của TP hiệu quả thì sẽ là cơ sở để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định chung. Lịch sử phát triển cho thấy TP.HCM là nơi thử nghiệm vận dụng những chính sách đổi mới, phát triển thành công, tạo đột phá.
* Đề án đề xuất về một tổ chức hợp tác công tư để cùng thực hiện. Mô hình này cụ thể ra sao?
- Tôi có dịp tham quan một dự án hợp tác công tư tại thành phố Montpellier, phía nam nước Pháp. Ban điều hành dự án này có đại diện chính quyền địa phương, đại diện chính phủ và đại diện các công ty tư nhân.
Cấu trúc tài chính dự án có cổ phần rất rõ ràng giữa các đối tác công tư. Khi ban điều hành ra quyết định đầu tư thì các nguồn lực tư nhân trong ban điều hành đáp ứng rất nhanh do cơ chế linh hoạt về tài chính chứ không phải qua nhiều quy trình, thủ tục phê duyệt như ở vốn đầu tư công. Đây là mô hình có thể phát huy tối đa thế mạnh của các nguồn lực.
Đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông" xác định định hướng, tầm nhìn về dòng sông Sài Gòn như một xương sống cho một hành lang xanh đô thị hấp dẫn và giàu bản sắc.
Định hướng ưu tiên phát triển kinh tế dịch vụ được cụ thể hóa trong quy hoạch và các chính sách triển khai, các giải pháp thực hiện.
Các sở ngành, đơn vị liên quan đều rà soát lại những quy định trong ngành của mình để điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó đòi hỏi một chiến lược phân kỳ thực hiện một cách hợp lý, hài hòa. Các công trình phối hợp nhịp nhàng, hài hòa.
Ví dụ như ở khu trung tâm TP, nếu xây cầu đi bộ qua Thủ Thiêm thì ở phía Thủ Thiêm có công trình điểm đến để khai thác liên hoàn, phát huy các chức năng của hạ tầng đối với các quần thể công trình và hoạt động đô thị... để có những dự án, công trình hình thành đồng bộ, phối hợp, kết nối tạo thành một chuỗi hoạt động kinh tế dịch vụ ven sông.
Tư nhân sẽ tham gia ở các dự án cụ thể, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, lập quy hoạch...
* Lâu nay có nhiều đề án, dự án, kế hoạch khai thác sông Sài Gòn thường dừng lại trước câu hỏi về nguồn lực? Vậy giờ thì nguồn lực từ đâu thực hiện đề án này?
- Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đầu tư xây dựng hành lang sông Sài Gòn là công việc có khối lượng lớn và cần huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Việc đánh giá nguồn lực nhà nước và tạo hành lang pháp lý, cơ chế để huy động vốn từ các thành phần xã hội là cần thiết.
Việc phân kỳ đầu tư vào các giai đoạn, hạng mục thiết yếu sẽ làm động lực và tiền đề kích hoạt các giá trị tăng thêm, từ đó sản sinh ra nguồn lợi bền vững đáp ứng công tác đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị. Khu vực sông Anacostia (Hoa Kỳ) và Lyon (Pháp) đều có các phương án riêng biệt dựa trên thế mạnh đặc trưng của từng nơi và đã thành công.
Ngoài kinh nghiệm đó, nếu Nhà nước đầu tư tốt cho hạ tầng dọc bờ sông thì sẽ làm tăng giá trị đất đai hai bên. Vì vậy cần cơ chế quản lý, phát triển hiệu quả giá trị đất đai để phục vụ lại cho các công trình hạ tầng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận