Bà Lê Hoàng Oanh - cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, thương mại điện tử VN đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trong năm 2023, thị trường thương mại điện tử VN đạt quy mô giá trị khoảng 20,5 tỉ USD, lọt top 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Tuy vậy, để phát triển bền vững nếu chỉ bàn về nỗ lực giảm thiểu carbon trong vận chuyển hay đóng gói bao bì để giảm tác động đến môi trường là chưa đủ.
Theo bà Oanh, yếu tố bền vững còn liên quan đến nỗ lực rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tận dụng hệ thống logistics, thương mại điện tử xuyên biên giới để xây dựng thương hiệu nội địa, đẩy mạnh hàng Việt ra thế giới.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok VN - cho biết hỗ trợ các nhà bán hàng VN đưa ra thế giới luôn là mối quan tâm của nền tảng và đang có những nghiên cứu xây dựng cách thức đưa sản phẩm Việt ra các thị trường mà nền tảng này hiện diện.
Trước mắt, từ năm 2024, cùng với chuỗi các phiên livestream định kỳ vào thứ bảy hằng tuần, TikTok Shop cũng đã mở tab "Hàng Việt", tập hợp các sản phẩm được gắn nhãn "Hàng Việt" từ các thương hiệu và các nhà bán hàng địa phương, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm hàng nội địa uy tín, độc đáo thuộc đa dạng danh mục ngành hàng.
Theo ông Thanh, các nỗ lực nhằm mở ra cơ hội thương mại trên nền tảng số, tăng trưởng doanh thu cho các sản phẩm và nhà bán trong nước, đồng thời gia tăng lựa chọn, trải nghiệm mua sắm chất lượng cho người tiêu dùng, nêu cao tinh thần người VN dùng hàng VN.
"Chúng tôi xem đây là bàn đạp quan trọng để không ngừng cải tiến và hoàn thiện nhằm trở thành một giải pháp toàn diện, phục vụ đa nhu cầu của doanh nghiệp lẫn người dùng trên con đường phát triển bền vững. Mục tiêu này chắc chắn cũng sẽ cần sự hợp lực của tất cả các bên, trong đó có các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội", ông Thanh nhìn nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận