20/11/2018 18:46 GMT+7

'Bạn bè gọi tôi là Nguyễn Thị... chỉ vì...'

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

TTO - Tôi là một người hay bị bạn bè gọi là “Nguyễn Thị…”, bởi lẽ từ nhiều năm qua, tôi không bao giờ uống một ly bia, rượu nào. Tôi có ác cảm với người dùng bia rượu. Tôi tự hứa không bao giờ giống như họ.

Bạn bè gọi tôi là Nguyễn Thị... chỉ vì... - Ảnh 1.

Phải đặt giới hạn cho bản thân chứ không thể "không say không về" - Ảnh: ANH QUANG

Thế nhưng lời tự hứa của tôi rồi cũng không giữ được. 

Năm đó, em vợ tôi làm lễ đính hôn. Vai vế là anh rể, tôi được mời tham dự. Xong phần lễ, nhà gái mời tiệc. Thoạt đầu, tôi chỉ uống nước ngọt, luôn từ chối lời mời bia của họ nhà gái. Khác với những người khác, anh em của cô dâu không hề ép tôi phải uống. 

Họ khen tôi vô cùng. Họ tỉ tê rằng tôi là anh rể, ngày vui của em vợ nên uống một ly để chia vui rồi thôi. Tiếp theo, họ bảo rằng "tới đây gia đình bên vợ tôi có thêm một người, nên uống một ly để em dâu ra mắt anh rể".

Từ từ tôi thấy êm tai, không có cảm giác bị ép buộc. Tôi tặc lưỡi: Ừ, uống thì uống, nhưng chỉ một ly thôi là mình dừng lại... Nghe vậy họ nhà gái vỗ tay khen ông anh rể lịch sự quá chừng. Ly đầu tiên cạn, tôi thấy cũng chưa có gì vì nước đá tan ra, bia đã giảm nồng độ. Tôi nghĩ vậy ra bia uống có khó gì!

Ly thứ hai là của cha cô dâu mời với lời gởi gắm thương mến, dạy dỗ con gái khi cháu về nhà chồng vì biết tôi là con rể được cha mẹ vợ tin cậy. Không uống coi sao được. Vậy là hai ly.

Tiếp theo là cô dâu tới có lời cảm ơn chị chồng và anh rể. Thấy cô dâu xinh xắn lại lễ phép, tôi gật đầu uống cạn. Bắt đầu thấy lâng lâng! Những vòng tiếp theo, tôi không nhớ được, chỉ khoái chí với lời khen tửu lượng anh rể cao quá.

Lúc nhà trai kiếu về, tôi thấy cảnh vật chao đảo nhưng cố làm tỉnh táo ra lấy xe. Tôi đi riêng bằng xe cá nhân. Khi lên xe, tự nhiên tôi thấy xe chạy chậm quá, tôi tăng tốc độ lên liên tục. Xe tôi qua mặt nhiều xe khác, tôi thấy mình như bay bay trên đường.

Về đến nhà, tôi dựng xe lên, lấy chìa khóa mở cửa. Tự nhiên tôi thấy trời đất như xoay vòng vòng. Tôi chống tay vào tường cho đừng té. Chợt tôi bổ nhào. Bức tường mà tôi định chống tay vào trợt qua một bên. 

Tôi ngã vào nguyên một kiện bia cao quá đầu của nhà hàng xóm vốn là đại lý bia.  Bia văng tung tóe. Tôi nằm dài trên vỏ bia. Thế rồi tay tôi bị cắt một đường dài, máu tuôn xối xả. Hết hồn, tôi muốn đứng dậy mà không sao đứng được. Người hàng xóm đỡ tôi đứng dậy và đưa vào nhà băng bó vết thương. Tôi cố làm tỉnh nhưng trong lòng hoang mang vô cùng.

Vào nhà, chỉ thay áo, uống hớp nước, tôi lấy xe đến trường vì có 3 tiết buổi chiều.  Lên xe một đoạn, tôi thấy buồn ngủ, sợ trễ giờ dạy, tôi tăng ga ào ào. Các xe bên cạnh dạt ra hết. Đến trường, bia thấm, tôi đi thẳng xuống nhà bác bảo vệ, nhờ bác cạo gió vì tôi biết tôi say rồi. Bác bảo vệ pha nước gừng cho tôi uống, cạo gió cho tôi. Tôi nôn thốc, nôn tháo đến đau cả cổ họng. Bụng không còn gì mà cứ muốn nôn hoài..

Nằm được 30 phút, thấy khá hơn chút, tôi chuẩn bị lên lớp. Học sinh thấy tôi mặt còn đỏ, xôn xao: "Thầy xỉn rồi". Tôi trấn an các em rằng "thầy có xỉn đâu" rồi đọc bài liên tục cho các em ghi để không thể quan sát tôi. 

Cố gắng lắm tôi mới qua được ba tiết. Tối hôm đó tôi rêm mình như chưa từng bị rêm bao giờ. Chén cháo bà xã nấu cho, tôi nuốt không trôi, vật vã không còn biết phương hướng ra sao, miệng khô đắng…

Sáng hôm sau, tôi đi chích ngừa uốn ván vì vết thương hôm qua. Người điều dưỡng chích thuốc cho tôi là phụ huynh lớp tôi chủ nhiệm. Anh biết tôi không quán xá, bia rượu nên ngạc nhiên lắm. 

"Hôm qua thấy thầy chạy xe như gió trên đường, tôi lo cho thầy lắm. Đường phố huyện nhỏ, xe đông, lỡ có gì thì nguy hiểm khôn lường cho thầy và cho người khác".

Rồi anh cho biết: một người bạn của anh mới té xe, chấn thương sọ não, đang điều trị trong bệnh viện mà bác sĩ tiên lượng tình hình xấu lắm.

Tôi rùng mình, hóa ra tôi vừa thoát hiểm nguy trong gang tấc mà không hay. Phố huyện chỉ có ba con đường, tôi dạy học lâu năm ở đây, rất nhiều người biết tôi. Có lẽ tôi mất giá trong lòng họ lắm. Say, chạy xe như thế làm sao dạy học trò an toàn giao thông được. Cú té của tôi và vết thương trên tay có thấm gì so với tính mạng của mình và của người khác khi lỡ say.

Tôi tự hứa từ nay sẽ không còn bị lời ngon ngọt làm xiêu lòng nữa. Dù rằng không sử dụng bia rượu sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong giao tiếp. Nhưng phải đặt giới hạn cho bản thân chứ không thể "không say không về". Khi đi tiệc tùng, tuyệt đối không đi xe cá nhân mà gọi xe taxi cho an toàn. Đến lúc này tôi mới hiểu vì sao "đã uống bia thì không lái xe".

Bài học của tôi tuy chậm nhưng có giá trị lớn trong cuộc sống bản thân. Mỗi lần nhìn lại vết thương trên tay, tôi tự nhủ: an toàn là do chính mình, lạm dụng bia rượu là dẫn đến tai nạn chắc chắn sẽ làm khổ bao người.

Đã uống rượu bia thì không lái xe

Diễn đàn "Đã uống rượu bia thì không lái xe" do báo Tuổi Trẻ và Ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức với sự đồng hành của Heineken Việt Nam khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 23-10-2018 đến 15-11-2018.

Tuổi Trẻ trân trọng kính mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, câu chuyện, hình ảnh liên quan đến thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Có thể là câu chuyện của bạn - người trong cuộc, những câu chuyện nghề lái xe và những tai nạn liên quan đến bia rượu. Có thể là câu chuyện đầy tâm trạng âu lo về giao thông khi bạn chờ người thân tiệc tùng quá khuya chưa về... Và những đề xuất của bạn về việc "uống có trách nhiệm" để an toàn về nhà cùng những đề xuất kéo giảm tai nạn giao thông do rượu bia.

Tin, bài diễn đàn sẽ đăng tải trên Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Tuổi Trẻ.

Bài, ảnh cộng tác xin gửi đến email [email protected], hoặc trang GÓC NHÌN BẠN ĐỌC, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Trân trọng.

TUỔI TRẺ

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên