Phóng to |
“Ngoài bán báo, tôi còn đi phụ hồ. Vất vả nhưng tôi vui khi con học giỏi, được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ” - ông Đặng Thanh Nghiệp đã có hơn 20 năm bán báo dạo tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết. Năm nay, con trai ông là Đặng Thành Hàng được nhận học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” của Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Em Nguyễn Lê Mỹ Linh (13 tuổi): "Nhờ đưa báo giúp mẹ, em đọc được nhiều tấm gương vượt khó học tập trên báo Tuổi Trẻ. Em quyết tâm học thật giỏi" - Ảnh: Duy Thanh |
Trong sự nhọc nhằn mưu sinh của cha mẹ, rất nhiều học sinh con của người bán báo dạo đã đền đáp bằng sự hiếu thảo và đạt thành tích học tập tốt.
Bước chân rảo khắp nẻo đường
Từ đường Hưng Phú (Q.8, TP.HCM) rẽ vào một con hẻm nhỏ, chúng tôi hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Hiền bán báo dạo, được chỉ tiếp: “Chui vào cái hẻm nhỏ xíu bên phải, thấy cái nhà hụt dưới mặt đường là nhà của vợ chồng nó. Mà phải gửi xe ở đây, đi bộ vô, chạy xe không được đâu!”. Cái ngách hẹp, bề ngang chưa đầy 1m dẫn chúng tôi đến căn nhà vỏn vẹn 12m2 đang xuống cấp trầm trọng. Muốn vào nhà, khách phải cúi đầu, khom lưng.
Căn nhà che mưa trú nắng đó là tài sản duy nhất ba mẹ chị Hiền tích cóp được từ từng đồng tiền lẻ của mấy chục năm làm nghề bán báo. Những câu chuyện của một đời bán báo dâng lên rưng rưng trong đôi mắt chị Hiền: “Từ hồi mình còn nhỏ xíu đã theo mẹ rong ruổi khắp chợ Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) bán báo. Ba mất, mẹ già yếu không còn đi nổi, mình tiếp nối bán tới giờ đã hơn 20 năm”. Hai lần mang thai chị vẫn đội trời sương sớm đi lấy báo, bán báo cho đến tận ngày sinh. Con chưa tròn tháng, chị lại tất tả bê chồng báo nặng len vào từng con hẻm ngóc ngách bỏ báo cho khách. Chị nhớ có lần bị một thanh niên tông trúng rồi bỏ chạy. 4g sáng, nằm trên con đường rộng vắng ngắt, chị gọi chồng đến giúp, trong lòng không lo cho đầu gối bết máu mà chỉ nóng lòng sợ giao trễ báo, khách hàng khó tính sẽ bực mình...
Trên chặng đường phát triển của báo Tuổi Trẻ trong 38 năm qua (2-9-1975 - 2-9-2013), đội ngũ người bán báo dạo luôn đồng hành và đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc chuyển tờ báo từ tòa soạn đến tận tay bạn đọc. Để tri ân những đóng góp đó và góp phần khuyến khích, động viên các em học sinh là con những người bán báo dạo tiếp tục học tốt trong năm học mới, báo Tuổi Trẻ tổ chức trao học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” lần 2 cho 171 học sinh vượt khó, học giỏi là con của người bán báo dạo với tổng trị giá học bổng gần 400 triệu đồng (2-3 triệu đồng/suất cùng quà tặng). Lễ trao học bổng tại các khu vực Đông Nam bộ, miền Trung, miền Tây và Tây nguyên được diễn ra từ ngày 23 đến 25-8-2013. |
Từ 4g sáng, chị Lê Thị Hạnh (38 tuổi, ở P.Tân Lập, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã rời ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi chỉ có người mẹ già 80 tuổi và đứa con gái còn yên giấc, quày quả đạp xe đến đại lý để nhận báo. Vòng quay bánh xe đạp của chị vội vã trên nhiều con phố Nha Trang để đến với những người khách uống cà phê sớm trên vỉa hè, anh lái taxi đang đợi khách, những người đi tắm biển sớm... Mười năm nay kể từ khi vợ chồng ly hôn, trong ngôi nhà ba người phụ nữ ấy chị Hạnh là lao động duy nhất. “Đầu năm nay tôi đến với nghề bán báo dạo. Biết là khó vì giờ người ta đọc báo mạng nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng. Tuổi Trẻ là tờ báo bán chạy nhất trong hơn sáu tháng vào nghề của tôi. Mỗi ngày, từ bán báo, tôi kiếm thêm được khoảng 50.000-100.000 đồng lo cho mẹ, cho con”.
“Với nghề này lo nhất là trời mưa bão. Mình có thể ướt nhưng báo không được ướt. Bởi báo đã là miếng cơm manh áo, tiền nhà trọ, là tiền học của các con...”, những người cha, người mẹ làm nghề bán báo chia sẻ.
Và những “quả ngọt”
Bán xong báo lúc 10g30, chị Lê Thị Hạnh đạp xe về, cùng con gái lo bữa ăn trưa, nghỉ ngơi đôi chút rồi 14g phải đến xưởng song mây làm việc đến 22g. Con gái chị, em Nguyễn Lê Mỹ Linh (13 tuổi), từ 6g sáng cũng phụ mẹ đưa báo Tuổi Trẻ đến một số địa chỉ quen thuộc. Nhà nghèo, thiếu thốn tình thương của ba, không được một ngày học thêm nhưng bảy năm qua Linh luôn là học sinh giỏi. “Nhờ đưa báo giúp mẹ, em đọc được nhiều tấm gương vượt khó học tập của các anh chị trên trang Nhịp sống trẻ của báo Tuổi Trẻ. Em quyết tâm học thật giỏi để sau này làm nghề kế toán. Sắp tới phải học buổi sáng, em đang lo lắng không còn giúp được mẹ đưa báo, mẹ phải khổ hơn” - Linh tâm sự.
Biết sự cơ cực của mẹ, em Nguyễn Thanh Thảo (học sinh lớp 9)- con chị Nguyễn Thị Hiền - từ lúc 7 tuổi đã đòi theo mẹ phụ bán. Từ 3g30 sáng em đã bật dậy theo mẹ. Vào năm học, mẹ không cho thức sớm theo phụ, Thảo nằm nhà cũng trằn trọc không ngủ được, chỉ khấn vái trời đừng mưa, cái chân mẹ đừng đột ngột trở đau...Năm nào Thảo cũng nằm trong nhóm đứng đầu lớp về thành tích học tập. “Em mơ ước lớn lên làm bác sĩ, vừa chữa bệnh đau khớp, viêm xoang cho mẹ, vừa kiếm được tiền sửa lại nhà...”, Thảo nói. Sửa nhà để có chỗ ngủ, chỗ học hành tươm tất cho con cũng là điều ước theo vào những giấc mơ của chị Hiền.
Bữa cơm chiều trong ngôi nhà nhỏ bốn bề vây bằng tôn ở khu phố Tây Nam, phường Vĩnh Hải, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 6km, thật đạm bạc. Hai người lớn chỉ ăn cơm với rau luộc chấm nước mắm, dành ít tôm thịt kho trong chén cho cậu con trai 10 tuổi. Anh Phùng Đình Nam (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hảo (36 tuổi) từ quê Hà Tây vào Nha Trang lập nghiệp năm 2002, làm nghề bán báo dạo đã hơn 10 năm.
Vốn mang bệnh tim bẩm sinh nhưng bốn năm học tiểu học, năm nào Phùng Đình Trường cũng là học sinh giỏi. Trường nói: “Bố mẹ luôn dành cho con những món ăn ngon nhất để con đủ sức khỏe và học giỏi. Con thương bố mẹ, con sẽ học giỏi mà”. Khi được hỏi về việc chuẩn bị cho Trường vào năm học mới, chị Hảo buồn buồn: “Vì có cháu nhỏ mới được hơn một năm nên tôi chỉ đi bán báo được từ lúc 5g-11g hằng ngày, ông xã tôi dạo này việc làm thêm cũng bấp bênh nên thu nhập không nhiều. Năm học mới đã cận kề nhưng chưa mua cặp, sách, đồng phục mới cho cháu được. Nghe cháu được báo Tuổi Trẻ trao học bổng, cả nhà tôi mừng khôn xiết”.
Những hồ sơ từ khắp miền đất nước được xét nhận học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” lần 2 của báo Tuổi Trẻ, hồ sơ nào cũng bật lên thành tích học giỏi nhiều năm liền của các em học sinh. Nhiều em còn là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố... Đó chính là niềm vui, là động lực lớn nhất đối với những người cha, người mẹ đang một nắng hai sương với nghề bán báo dạo chắt chiu cho con vào đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận