04/04/2014 12:07 GMT+7

Bản án không thuyết phục

LS TRƯƠNG XUÂN TÁM
LS TRƯƠNG XUÂN TÁM

TT - Là một luật sư hơn 20 năm hành nghề, với những diễn biến bất thường trong suốt quá trình điều tra, truy tố vụ năm sĩ quan công an TP Tuy Hòa, tôi linh cảm và hoài nghi sẽ có một bản án sơ thẩm không thỏa đáng, để lọt người, lọt tội.

Wlc5ULaX.jpgPhóng to
Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều nghe tuyên án - Ảnh: DUY THANH

Và quả đúng như vậy. Việc TAND TP Tuy Hòa vẫn tuyên án chỉ buộc năm sĩ quan công an phạm một tội “dùng nhục hình” theo điều 298 Bộ luật hình sự, với ba án giam nhẹ và hai án treo là hoàn toàn không thuyết phục, không phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo tôi, không thể áp dụng tội “dùng nhục hình”. Bởi các bị cáo đã bắt, giam giữ anh Ngô Thanh Kiều không có lệnh hợp pháp vào giữa đêm khuya, sau đó đánh đập dã man nạn nhân.

Các bị cáo còn còng tay, còng chân anh Ngô Thanh Kiều khi chưa có quyết định bắt, khởi tố, cũng không phải là bắt trong trường hợp phạm tội quả tang theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Hành vi đó không phải đang thực hiện trong quá trình điều tra hợp pháp, nên không thể áp dụng tội “dùng nhục hình” theo điều 298 Bộ luật hình sự (hình phạt nhẹ hơn rất nhiều tội giết người hay tội cố ý gây thương tích).

Cần phải nói thêm, hành vi của các bị cáo cấu thành nhiều tội phạm nguy hiểm được quy định trong Bộ luật hình sự, đó là các tội: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 123 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù), giết người (điều 93 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt cao nhất là tử hình) hoặc chí ít cũng là tội cố ý gây thương tích (điều 104 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt cao nhất là chung thân).

Dù các bị cáo chỉ khai nhận đánh đập anh Ngô Thanh Kiều ít, nhưng với 72 dấu vết bầm giập, nội tạng một thanh niên như anh Ngô Thanh Kiều bị tổn hại nặng nề, đủ để minh chứng cho hành vi phạm tội có tính dã man, côn đồ.

Hành vi dùng dùi cui đánh đập vào đầu, vào cổ anh Ngô Thanh Kiều là hành vi giết người, vì các bị cáo biết và buộc phải biết hành vi của mình có thể tước đoạt sinh mạng của anh Ngô Thanh Kiều.

Điều này có nghĩa là không cần phải căn cứ vào ý thức chủ quan của các bị cáo có mong muốn anh Ngô Thanh Kiều chết hay không.

Việc khởi tố, truy tố và xét xử cũng có dấu hiệu để lọt người phạm tội, với những gì được thông tin trên báo chí thì hành vi của ông Lê Đức Hoàn - thượng tá, phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án - không thể chỉ bị xử lý nội bộ, xử lý hành chính, phải bị khởi tố điều tra mới công bằng và đúng luật.

Ông Lê Đức Hoàn chỉ huy chuyên án nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Trong quá trình điều tra, nếu ông Lê Đức Hoàn ra lệnh các thuộc cấp của mình tra tấn anh Ngô Thanh Kiều thì sẽ bị xác định vai trò chủ mưu tội giết người.

Nếu ông Hoàn không ra lệnh tra tấn, đánh đập dã man nạn nhân, nhưng ngó lơ hoặc vì lý do nào đó để các cán bộ của mình đánh đến chết anh Kiều, ông Hoàn cũng phải bị truy tố tội giết người với vai trò đồng phạm giúp sức.

Có thể nói tóm lại, trong vụ án này, rất khó hiểu khi đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa bất chấp ý kiến của dư luận báo chí và luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa, không truy tố các bị cáo về tội giết người hoặc chí ít cũng là tội cố ý gây thương tích.

Còn TAND Tuy Hòa không xem xét trả lại hồ sơ với yêu cầu điều tra bổ sung, thay đổi tội danh, mà vẫn tuyên án theo tội “dùng nhục hình” và áp dụng hình phạt nhẹ là hoàn toàn không thỏa đáng.

Vụ án mới chỉ xét xử ở cấp sơ thẩm, nếu có kháng cáo, tôi cho rằng TAND tỉnh Phú Yên cần xem xét theo hướng hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án một cách thật nghiêm minh.

LS TRƯƠNG XUÂN TÁM

(ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

LS TRƯƠNG XUÂN TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên