Nhiều bờ kênh thủy lợi tại Sóc Trăng đang bị lấy đất để san lấp mặt bằng - Ảnh: K.T
Những ngày này, trên nhiều tuyến đường thuộc tỉnh , không khó bắt gặp cảnh xe ben chở đất nối đuôi nhau ngược xuôi.
Dọc hai bên đường quốc lộ 1, đoạn qua các xã Đại Tâm, Thạnh Phú, Thạnh Qưới (huyện Mỹ Xuyên), chưa đầy 100m là có đống đất .
Tận thu đến cả bờ kênh
Ông Thạch Xem (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên) cho biết cứ đến mùa khô, điệp khúc san lấp, bán đất nền lại diễn ra.
Nhưng nhu cầu ngày càng cao, nhất là khi địa phương siết chặt việc khai thác đất mặt trồng lúa nên năm nay người người, nhà nhà chuyển sang tận dụng đất... bờ kênh thủy lợi.
"Tùy theo cự ly vận chuyển xa hay gần, giá đất bờ kênh để san lấp mặt bằng được doanh nghiệp hét 120 - 300.000 đồng/m³", ông Xem cho biết.
Tại một số kênh thủy lợi của xã này, nhiều đoạn đã bị xe cơ giới "cạp" lấy đất khá nhiều, có đoạn chỉ còn cao hơn mặt ruộng, bề ngang không đầy 2m.
Ở một số kênh, sau khi lấy đi toàn bộ đất trên bờ, cơ giới nạo vét đắp bờ kênh trả lại, nhưng không còn đủ lớn như ban đầu.
Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều tại các xã Tài Văn, Viên An, Viên Bình, Liêu Tú của huyện Trần Đề.
Ngay tại TP Sóc Trăng, dọc kênh Quảng Khuôl (phường 9), một số nông dân thuê cơ giới xẻ bờ kênh lấy đất làm nền nhà, cây cối và trụ điện bị "mổ" sát gốc, nguy cơ đổ ngã bất cứ lúc nào.
Còn tại phường 5 và phường 8, dàn xe cơ giới biển số các tỉnh ngày đêm lấy đất bờ kênh không khác gì một đại công trường. Việc tận thu quá mức khiến nhiều đoạn kênh bị sạt lở, cây cối ngả nghiêng.
Bờ kênh thủy lợi tại xã Thạnh Phú bị cạp đến mức chỉ còn lè tè ngang mặt ruộng - Ảnh: K.T
Sau khi lấy hết đất trên bờ cũng thuộc xã Thạnh Phú, việc nạo vét bồi đắp bờ kênh chỉ cho có lệ - Ảnh: K.T
Tại kênh Quảng Khuôl, sau khi đất bờ kênh bị lấy đi, trụ điện bắt đầu nghiêng - Ảnh: K.T
Một đoạn bờ kênh tại phường 5, TP Sóc Trăng bị sạt lở - Ảnh: K.T
Nhìn bức ảnh này có thể thấy lượng đất lấy từ bờ kênh phường 8, TP Sóc Trăng không phải nhỏ - Ảnh: K.T
Một việc vẹn cả đôi đường?
Theo lý giải của một lãnh đạo TP Sóc Trăng, do khan hiếm đất san lấp một số công trình công cộng nên địa phương kêu gọi doanh nghiệp lấy đất bờ kênh, sau đó nạo vét bồi đất trả lại hiện trạng.
"Một việc vẹn cả hai đường, vừa có đất san lấp, vừa nạo vét dòng kênh mà không phải tốn ngân sách", vị này nói.
Tuy nhiên, khi hỏi ai giám sát việc này và có lập hồ sơ để theo dõi doanh nghiệp khai thác hay không, các địa phương đều trả lời sẽ tổ chức kiểm tra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 25-4, ông Trần Ngọc Ẩn - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Sóc Trăng - cho biết tỉnh đang có kế hoạch kiểm tra tình trạng khai thác đất trên bờ kênh thủy lợi để phục vụ san lấp mặt bằng.
Theo ông Hà Tấn Việt - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng - ngành nông nghiệp chỉ quản lý một số tuyến kênh lớn, còn lại phân cấp cho địa phương quản lý.
"Việc nạo vét các kênh bồi lắng theo hình thức xã hội hóa là cách làm hay, nhưng phải được giám sát và kiểm tra chặt chẽ, có hồ sơ thiết kế cụ thể. Nếu không sẽ xảy ra hiện tượng biến tướng, mất kiểm soát", ông Việt nói.
Không chỉ băm nát bờ kênh thủy lợi, một số doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng còn tìm mua đất trồng cây lâu năm, đào ao sâu vài mét nói để nuôi cá nhưng thực chất lấy đất bán là chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận