Bà Hoàng Thị Lực đưa học sinh và người dân qua sông - Ảnh: Ngọc Loan |
Trận lũ hồi tháng 9 cuốn trôi cây cầu sắt khiến đời sống bà con gần như bị cô lập bởi việc đi lại rất khó khăn. Khu vực vùng bên kia sông có 40 - 50 hộ dân sinh sống, cây cầu sắt do bà con tự làm từ năm 2000 là huyết mạch giao thông chính cho người dân đi lại, vận chuyển buôn bán nông sản, công nhân các khu công nghiệp đi làm, trẻ em đi học... Phải bám vào sợi dây qua sông, thấy nguy hiểm trước mắt nhưng không còn cách nào, đi đường vòng thì xa hơn chục cây số, lại là đường đồi, hoang vắng, nguy hiểm.
Cây cầu bị cuốn trôi không chỉ khiến việc đi lại khó khăn mà còn ảnh hưởng đến việc làm ăn của bà con trong vùng. Các mặt hàng nông sản bị ép giá do vận chuyển khó khăn, thậm chí thương lái không muốn vào mua. Nhiều hộ dân nuôi hàng trăm con heo, đến giai đoạn xuất chuồng nhưng không bán được.
Bà Dương Thị Nhung (51 tuổi), người dân ở đây, cho biết: “Từ hôm lũ cuốn trôi cầu tới nay nhà có gì ăn nấy, hoặc ai đi chợ thì gửi chứ mỗi lần qua sông sợ lắm, ngồi trên xuồng cứ run lẩy bẩy. Các con hằng ngày đi học, biết là liều nhưng phải chịu. Con trai lớn đi làm chấp nhận đi đường vòng, nhiều hôm làm đêm về đường thì heo hút, không có người cũng sợ lắm”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, người dân ở khu vực này, kể hằng ngày phải đưa đón hai con qua sông đi học, rồi đi mua cám heo không biết bao nhiêu lượt. “Mỗi lần ngồi lên xuồng là lo nơm nớp nhưng các cháu không thể nghỉ học được. Đứa nhỏ năm nay học lớp mầm, từ hồi cầu bị cuốn là phải nghỉ học vì cháu nhỏ quá, không dám đưa lên xuồng. Nhà nuôi 50 con heo, hằng ngày phải đi mua cám heo. Heo đáng ra xuất rồi mà giờ không ai mua” - bà Hương lo lắng.
Sau trận lũ, bà Hoàng Thị Lực, một người dân nhà cạnh bờ sông, mua được chiếc xuồng gỗ giúp bà con qua sông. “Thấy các cháu đi học khổ quá, đa số trẻ con đều không biết bơi. Con sông này nước sâu và chảy xiết lắm, mình là dân vùng sông nước, quen hơn nên giúp được mọi người thì giúp, có ai gọi thì tôi đi xuồng qua chở. Hôm trước nước chảy xiết, có xuồng chở ba người lớn và ba cháu học sinh bị lật, may mà có người trên bờ cứu kịp. Giờ chỉ mong có cái cầu cho bà con đi lại thuận tiện hơn, chứ như thế này thấy nguy hiểm quá” - bà Lực nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ tịch UBND xã Bình Minh - cho biết: “Sau khi trận lũ xảy ra, xã đã huy động hết lực lượng giúp đỡ dân. Các lực lượng của huyện cũng đã xuống làm việc. Chúng tôi cũng động viên, nhắc nhở bà con hạn chế đi lại vì nguy hiểm, tuy nhiên do nhu cầu nên người dân vẫn phải qua sông bằng hình thức này. UBND xã đã kiến nghị với huyện về hướng lâu dài là làm cây cầu chắc chắn cho người dân đi lại thuận tiện và yên tâm sinh sống, làm ăn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận