12/05/2011 19:50 GMT+7

Bài xích "fan cuồng" chỉ khiến "cuồng" hơn

TRUNG UYÊN thực hiện
TRUNG UYÊN thực hiện

TTO - Diễn đàn "Phát điên" vì thần tượng, nên không? thu hút sự chú ý của đông đảo bạn trẻ, phụ huynh. Xung quanh chủ đề này, tiến sĩ Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý- Giáo dục TP.HCM, có một số chia sẻ:

ZCdQlZlX.jpgPhóng to

Tiến sĩ Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM - Ảnh: Trung Uyên

jT2zKVot.jpgPhóng to

Bạn trẻ TP.HCM bám theo xe chở nhóm Suju ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Xem video "SuJu trốn fan hâm mộ"

Tránh nhầm lẫn giữa "cảm xúc" và "tình cảm"

* Theo tiến sĩ, những yếu tố nào khiến một số bạn trẻ "phát cuồng" vì thần tượng, cụ thể là vì Suju?

- Nhiều bạn trẻ "phát cuồng" vì thần tượng có thể vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, có thể gồm 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, vì lâu lâu các bạn trẻ mới được thưởng thức một chương trình với những nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng thế giới. Nhu cầu được giao lưu, thưởng thức những bài hát do thần tượng biểu diễn là bình thường, do đó khi sự kiện càng trở nên hiếm hoi thì người hâm mộ càng náo nức đợi chờ. Một yếu tố khác gây hiệu ứng mạnh mẽ với các bạn trẻ là ban nhạc ấy có những đặc điểm gần gũi với lớp trẻ: là người châu Á, trẻ tuổi, phong cách biểu diễn trẻ trung…

Xem thêm bài trong diễn đàn: | | | | | | | |

Thứ hai, cách thức PR của nhà tổ chức khi liên tục đưa ra những thông tin “nửa kín nửa hở” hoặc tương đối… úp mở về chương trình biểu diễn, chuyện hậu trường... càng khiến người hâm mộ thêm tò mò. Sự cộng hưởng thông tin từ giới truyền thông càng thôi thúc người hâm mộ tìm cách đến với sự kiện.

Thứ ba, các bạn trẻ với tâm l‎ý vô thức cộng đồng bị cuốn theo dòng chảy với xu hướng thể hiện khá thoải mái sự tự do cá nhân. Đó là suy nghĩ phải làm sao để người nước ngoài biết người Việt cũng sành điệu, chịu chơi, biết chơi… và vì vậy họ cố gắng thể hiện điều này trong mọi việc, kể cả việc tiếp nhận và thưởng thức âm nhạc.

Về nguyên nhân chủ quan, có thể do nhận thức về thần tượng của bạn trẻ chưa thật sự rõ ràng nên không thể xác định được chân dung một thần tượng đúng nghĩa. Thật ra, nói đến thần tượng là nói đến một người tương đối toàn diện về nhiều khía cạnh để chúng ta phấn đấu noi theo. Phần lớn bạn trẻ hiện nay chỉ mới thấy thán phục một yếu tố hoặc đặc điểm nào đó của ai đó thì đã cho rằng đó là thần tượng của mình. Đây cũng là tư duy bình thường nhưng có phần phiến diện, chưa thật rõ ràng, chính xác.

Một nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến việc bạn trẻ thể hiện sự cuồng nhiệt có khi thái quá là do kỹ năng kềm chế cảm xúc chưa thật tốt nên có những biểu hiện có thể gây căng thẳng, bốc đồng, đôi khi gần như nổi loạn…

* Hiện tượng bạn trẻ "phát điên" vì thần tượng nói lên điều gì?

- Như đã nói ở trên, thứ nhất đó là biểu hiện của việc chưa định hướng rõ ràng về thần tượng. Thứ hai, đó là một cách "xả xú páp" cảm xúc có phần hơi tự nhiên. Có thể hiểu, bấy lâu nay bạn trẻ mong muốn thể hiện những tình cảm hâm mộ cuồng nhiệt như thế nhưng không có dịp để “xả”. Ở các tụ điểm biểu diễn văn hóa văn nghệ, mỗi người muốn xem chương trình đều phải có vé và với số lượng người tham gia có hạn, nhưng ở những khu vực công cộng như sân bay, đường phố... thì tất cả mọi người đều có thể tham gia để tìm cơ hội tiếp cận thần tượng bằng xương bằng thịt, nên họ thoải mái bộc lộ cảm xúc. Cảm xúc lây lan, tạo thành cảnh “cuồng” dữ dội hơn...

Việc bạn trẻ "phát điên" vì thần tượng còn cho thấy một xu thế, một biểu hiện của văn hóa thần tượng, văn hóa thưởng thức âm nhạc. Bạn trẻ thường tỏ ra yêu thích nồng nhiệt các ca sĩ, nghệ sĩ có những nét tâm lý, tuổi tác và hình thể tương đồng với mình, phong cách trẻ trung, nhí nhảnh...

"Xác định thần tượng là chuyện bình thường ở giới trẻ, nhưng quá cuồng vì thần tượng lại là chuyện bất thường. Việc bài xích, chê bai người trẻ "cuồng" vì thần tượng sẽ không có tác dụng tích cực. Muốn định hướng giá trị thẩm mỹ cho người trẻ thì phải bình tĩnh, trình bày ý kiến có tình có lý, có phương pháp phù hợp, tránh các hình thức “áp đặt” khiến các "fan cuồng" cảm thấy bị dồn ép và có thể sẽ phản ứng… cuồng hơn" - tiến sĩ Đinh Phương Duy

* Không ít người bức xúc khi nhìn thấy các fan gào khóc vì thần tượng, những giọt nước mắt này có thể hiểu như thế nào?

- Thật ra, trong trường hợp nhóm Suju, những giọt nước mắt đó là các bạn trẻ khóc cho chính mình bởi mong muốn không được thỏa mãn. Đó không phải là nước mắt dành cho thần tượng.

Còn khóc và buồn khi nghe tin thần tượng bệnh chẳng hạn thì đó gọi chính xác là cảm xúc chứ không phải tình cảm. Tình cảm được hình thành trên cơ sở những cảm xúc đồng loại được lặp đi lặp lại, động hình hóa, khái quát hóa (cảm nhận được rõ ràng về mối liên hệ thường xuyên với người đó). Tình cảm mang tính ổn định chứ không phải là những biểu hiện, hành vi bất chợt. Cảm xúc được nuôi dưỡng mới trở thành tình cảm.

* Khi bạn trẻ làm "fan cuồng" thì có thể dẫn đến những hệ lụy gì?

- Thứ nhất là gu cảm thụ nghệ thuật bị lệch vì đã cuồng thì sẽ “thiên vị” trong quá trình tiếp thu những giá trị thẩm mỹ nói chung và âm nhạc nói riêng. Thứ hai, bạn trẻ sẽ không thể hiện được bản sắc riêng khi vì quá yêu thích mà sẵn sàng sao chép phong cách của thần tượng mà đánh mất nét riêng của mình.

Thứ ba, có thể bạn trẻ bỏ quá nhiều tâm sức suy nghĩ, quan tâm đến thần tượng mà xao lãng việc học, việc làm, cũng từ đó trở nên mong manh, yếu đuối, dễ bị người khác tác động. Thứ tư, khi trẻ quá cuồng thần tượng thì có thể làm cho quan hệ cha mẹ con cái căng thẳng, và cũng căng thẳng giữa những "fan cuồng" với nhau.

Cẩm nang cho cha mẹ khi con là "fan cuồng"

* Cha mẹ nên định hướng thế nào cho con trong chuyện thần tượng ai đó?

- Nếu có thể, cha mẹ hãy tham gia cùng con trong các sự kiện có thần tượng để con cảm thấy bố mẹ quan tâm những điều chúng quan tâm. Từ đó, con sẽ dễ dàng chia sẻ với cha mẹ những cảm nhận, suy nghĩ của mình về thần tượng và phụ huynh cũng dễ định hướng cho con cái trong vấn đề này.

* Bố mẹ nên làm gì khi còn đòi tự tử, tuyệt thực... nếu không được đi xem thần tượng?

- Nếu cha mẹ nổi nóng, có những hành vi gây căng thẳng với con thì không những không có tác dụng mà còn khiến mọi việc tệ hơn vì chẳng khác gì đổ dầu vào lửa.

Cha mẹ cần bình tĩnh, giúp con định hướng lại giá trị thẩm mỹ. Hãy chia sẻ với con những thông tin về thần tượng, về giá trị của cái đẹp, cùng bình luận với con những khuynh hướng thẩm mỹ hiện đại, giúp con mở rộng quan sát qua nhiều kênh thông tin khác nhau để con có điều kiện xác định rõ ràng mình thích gì, cái gì hợp với mình. Trong nhịp sống hiện nay, cha mẹ có con là "fan cuồng" thật ra cũng khó có nhiều dịp đồng hành cùng con trong việc xác định, xây dựng thần tượng.

Cha mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu, nguyện vọng tiếp xúc thần tượng của con trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì điều đó có thể làm trẻ cảm thấy cứ muốn là sẽ được. Ví dụ, trẻ xin tiền mua vé xem thần tượng biểu diễn, nếu cảm thấy mong muốn này không thích hợp hoặc điều kiện kinh tế không cho phép, cha mẹ có thể kiên quyết từ chối, thuyết phục con xem lại trên ti vi sau đó. Nếu con không chịu "nhượng bộ" thì hãy cho trẻ hiểu và đối diện thực tế gia đình không có tiền đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Nếu con đòi tự tử, tuyệt thực thì bố mẹ hãy cứng rắn theo dõi tình hình. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường thì có thể "hoãn binh" bằng cách thỏa hiệp phần nào đó yêu cầu của trẻ. Song cũng đừng quên trao đổi với trẻ về thái độ cần có khi đi xem thần tượng. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy cố gắng tìm kiếm thông tin về chương trình con tham gia, thỉnh thoảng tìm cách liên lạc với con để con thấy rằng cha mẹ luôn đồng hành với mình.

* Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!

TRUNG UYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên