Trước đây, nhiều cơ sở kinh doanh hay thậm chí chính người dùng ngại việc chuyển khoản thanh toán món hàng, dịch vụ giá trị nhỏ vài nghìn đồng. Nhưng xu thế này ngày càng thay đổi.
Không thu tiền mặt
Gửi xe máy để vào một bệnh viện trên đường Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, chị Nguyên Minh (Hà Đông, Hà Nội) khá bất ngờ khi ở đây nhân viên nhất định không nhận tiền mặt, dù giá vé chỉ 5.000 đồng mỗi lượt.
Anh nhân viên trông xe yêu cầu khách hàng dùng điện thoại di động quét mã để chuyển tiền vé. Anh này cũng nói việc không dùng tiền mặt được chính quyền thí điểm từ giữa tháng 4 vừa qua.
Mấy năm gần đây, xu hướng không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. "Tuy nhiên với dịch vụ giá trị vài nghìn đồng, cơ sở cung cấp dịch vụ chỉ nhận thanh toán online, nhất định không nhận tiền mặt thì giờ tôi mới gặp", chị Minh kể.
Do điện thoại luôn được kết nối Internet nên chị Minh không cảm thấy bất tiện. Ghi nhận của người viết, một số điểm trông giữ xe khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng không thu tiền mặt.
Tại điểm trông xe ngay trước cổng vào Bệnh viện Phụ sản trung ương, một số vị khách muốn trả bằng tiền mặt nhưng nhân viên nhất định không nhận.
Chị Nguyễn Tuyền (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ do kết nối mạng chập chờn, phải nhờ một vị khách khác chuyển tiền hộ mới gửi được xe.
Việc thanh toán bằng quét mã là phù hợp với xu thế hiện nay. "Tuy nhiên, có thể cân nhắc cho khách lựa chọn trả tiền mặt nếu họ không có tài khoản ngân hàng hay thuận tiện kết nối mạng...", chị Tuyền đề xuất.
Việc không thu tiền mặt tại các điểm trông giữ xe đang được Hà Nội thí điểm. Bước đầu khó tránh những bất tiện, tuy nhiên cũng khó phủ nhận việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản với các sản phẩm, dịch vụ chỉ vài nghìn đồng thuận tiện với nhiều người, đặc biệt giới trẻ.
Khi ra đường nhưng quên mang ví thì vẫn có phương án thay thế. Chưa kể, chuyển tiền qua QR Code minh bạch, hạn chế được hành vi thu quá giá quy định...
Nhiều nơi vẫn không nhận chuyển khoản
Trái ngược với xu thế không dùng tiền mặt, có một số cơ sở kinh doanh, quán ăn hay dịch vụ treo bảng "không nhận chuyển khoản".
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Tùng - một chuyên gia F&B - cho biết vẫn có một số nơi "chắc cốp" khi chỉ thu tiền mặt.
Số lượng hàng quán, cơ sở dịch vụ chỉ thu tiền mặt, không nhận thanh toán online cũng không quá nhiều, nhưng theo ông Tùng, nếu có sẽ tạo cảm giác kém thân thiện với nhiều khách hàng.
Có nhiều nguyên cớ khiến các cơ sở kinh doanh này không thu tiền mặt, như lo lừa đảo, mất thời gian kiểm tra tài khoản trong khi quá đông khách...
Thậm chí một số chủ hộ nói không muốn thu các khoản tiền giá trị nhỏ vài nghìn đồng qua chuyển khoản, còn vẫn nhận thanh toán các khoản giá trị lớn hơn.
Kể lại trải nghiệm của mình khi vào một quán ăn chỉ thu tiền mặt, ông Tùng nói cảm thấy "bất tiện". "Không chỉ tôi, nhiều khách hàng rất ít khi mang theo tiền mặt. Nếu chủ quán không nhận chuyển khoản lại phải đi đổi tiền mặt. Tôi không ưu tiên sử dụng dịch vụ ở những quán như vậy", ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo ông Tùng, hiện nay các phương thức thanh toán online được ngân hàng, các đơn vị cung cấp ví điện tử phát triển rất đa dạng, thông suốt. Thói quen không dùng tiền mặt cũng là xu hướng lớn với người tiêu dùng.
"Ngay lập tức có thể sẽ chưa thấy tác động, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng doanh thu khi để khách hàng thấy việc thanh toán phức tạp, không có lựa chọn", ông Tùng nói thêm.
Với kinh nghiệm điều hành nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, ông Tùng cho rằng nguyên lý quan trọng nhất vẫn phải tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Trong đó, đa dạng hóa phương thức thanh toán là tiêu chí quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận