Bài toán nông nghiệp là gì?

ĐỨC HOÀNG 20/02/2017 20:02 GMT+7

TTCT - Thỉnh thoảng, ở đâu đó bạn bắt gặp một nỗ lực “đi tìm lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam”. Thậm chí có thể bắt gặp cả tuyên bố “đã tìm được lời giải cho bài toán”. Nhưng có một thực tế là chưa có một nỗ lực đáng kể nào để đi tìm... bài toán là gì.

Đất đai cằn cỗi, nông dân càng phụ thuộc vào hóa chất. ảnh Chí Quốc

 

 

Các dòng sông đều chảy... nhanh

Một người nông dân ở Đồng Tháp và một cố vấn của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) có điểm gì chung? Họ cùng nhìn thấy một vấn đề nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong một buổi chiều, người viết đối thoại với cả hai nhân vật ở hai đầu đất nước. Một người phải thường xuyên dừng lại để làm rõ các phương ngữ và thổ âm.

Một người sử dụng nhiều từ tiếng Anh chuyên ngành. Dù không hề biết đến quan điểm của nhau, cả hai cùng đưa ra một thông điệp: các dòng sông ở ĐBSCL đang chảy quá nhanh.

Người nông dân là Võ Văn Tiếng - một chàng trai trẻ ở Hồng Ngự, Đồng Tháp - đang quyết tâm trồng lúa không có thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trên ruộng đồng của cha mẹ. Còn vị chuyên gia là Koos Neefjes, cố vấn của UNDP - một học giả uy tín trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

“Khởi nguyên, các dòng sông không chảy ra biển dễ dàng như vậy” - ông Koos Neefjes nói. Tháng 8 năm ngoái, ông đã xuất hiện trên tờ The Economist và đưa ra một tuyên bố rất đáng chú ý: hạ tầng thủy lợi của chính Việt Nam đang gây hại cho nguồn nước tại ĐBSCL nhiều hơn cả các đập thủy điện mà Trung Quốc xây trên thượng nguồn.

“Thủy điện Trung Quốc” xưa nay vốn là một quán tính tư duy khi đề cập đến lý do làm nguồn nước hạ lưu sông Mekong bất ổn. Nhưng ông Neefjes tin rằng hệ thống đê điều và kênh rạch cũng đã làm giảm đáng kể khả năng trữ nước của vùng đồng bằng này.

“Quá trình làm khô (đất đai) và làm giảm khả năng trữ nước này đã tăng lên trong vài thập kỷ qua vì khao khát được cấy vụ lúa thứ ba trong năm, tại các vùng trũng và sâu như Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên.

Điều này đồng nghĩa với việc trị thủy - xây đê để đảm bảo không có quá nhiều nước vào mùa ngập, và như thế giảm khả năng trữ nước của vùng đồng bằng” - ông phân tích.

Võ Văn Tiếng, bằng một ngôn ngữ khác, mô tả quá trình này: “Ở quê em ngày xưa chỉ làm hai vụ lúa thôi. Bây giờ một năm làm ba vụ. Người ta cứ làm lúa hoài, làm hoài. Ngày xưa mỗi năm xả đê 3-4 tháng, để nước ngập đồng ruộng. Năm nào đất cũng được nhận phù sa mới. Bây giờ họ bao đê lại. Năm năm rồi quê em chưa xả nước vào đồng”.

Cứu đất

Hai người cùng gặp nhau trong việc chỉ ra một trong những hệ quả nguy hiểm của phương pháp trị thủy này. Đó là việc đất đai trở nên cằn cỗi hơn, và như vậy, người nông dân trở nên phụ thuộc vào chất hóa học trong quá trình trồng trọt.

“Sử dụng phân bón khi trồng ba vụ lúa buộc phải tăng lên. Khả năng tự bồi dưỡng của đất đã giảm vì hai lý do: ngập đã giảm - do đê điều ngăn nước; ngay cả hàm lượng dinh dưỡng của nước sông cũng giảm vì chất lượng phù sa giảm - do các con đập trên thượng nguồn hạn chế hàm lượng phù sa” - ông Neefjes phân tích.

Quá trình này diễn ra trong nhiều thập kỷ, được khuyến khích bởi các chính sách nhằm tăng năng suất lúa gạo, tạo ra một vòng xoáy mà ở trung tâm của nó người nông dân bị hút vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Và đó chính xác là “bài toán” mà chàng nông dân Võ Văn Tiếng đang cố gắng giải trên mảnh ruộng của cha mẹ, hay rộng hơn là cho làng quê của mình.

Út Tiếng từng bị gọi là “khùng” khi quyết định rằng mình sẽ chuyển từ làm ba vụ như làng xóm sang còn hai vụ, đồng thời không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón để tạo ra hạt gạo hữu cơ có giá trị thương phẩm cao.

Tiếng gia tăng chất lượng đất bằng việc bơm thêm nước vào đồng để lấy phù sa từ sông. Phần lớn mọi người đều tin Tiếng sẽ thất bại. Bà con chòm xóm không biết rằng cậu đang làm theo quy trình “cứu đất” của những chuyên gia hàng đầu. Đó cũng là những nội dung mà ông Koos Neefjes đề xuất khi bàn đến giải pháp.

Bây giờ thì Tiếng đã có một cánh đồng hữu cơ, hai vụ một năm, nhưng cho giá trị hạt gạo thương phẩm cao hơn nhiều so với những người cùng làng. Những lô gạo của Tiếng đưa ra Hà Nội được mua hết chỉ trong vài ngày.

Đất của cậu được bồi dưỡng liên tục bằng nhiều phương pháp tự nhiên. Tính cả khả năng chăn thả trên đồng ngập nước, mặc dù năng suất gạo của Tiếng chỉ bằng 60% các cánh đồng xung quanh nhưng thu nhập bình quân trên cùng diện tích của cậu cao gấp rưỡi.

Tiếc rằng không phải ai cũng có khả năng học hỏi để trở thành một người nông dân như vậy. Võ Văn Tiếng trở nên nổi tiếng vì cậu đặc biệt. Những người nông dân xung quanh đã không còn chế nhạo Tiếng. Nhưng mọi người không đủ khả năng thay đổi ước mơ của mình.

“Nông dân quê em vẫn chỉ mơ về năng suất thiệt cao” - Tiếng than thở. Ước mơ đó đã không thay đổi trong suốt hơn 30 năm. Trong tư duy của những con người một nắng hai sương này, tăng thu nhập vẫn sẽ là tăng khối lượng gạo sản xuất ra.

Nhưng đó là điều ngày càng trở nên khó khăn. Với chi phí đầu vào cao và giá gạo bấp bênh, Tiếng tính rằng mỗi nông dân canh tác trên 5.000m2 sẽ lời từ 5 đến 7 triệu đồng một vụ. Mỗi năm ba vụ, tổng thu nhập năm nếu chỉ trồng lúa chỉ là 15 đến 20 triệu.

“Thanh niên đi hết rồi anh” - Tiếng nói. Trong làng giờ chỉ còn người già, và một lượng rất nhỏ thanh niên chịu ở lại làm nông cùng gia đình. Họ bỏ lên thành phố làm thuê. Một kịch bản quen thuộc với phần lớn các vùng nông nghiệp nước ta hiện nay.

Hành trình của Tiếng

Điều quan trọng nhất trong hành trình của Tiếng, thật ra, là việc lựa chọn mô hình thương mại: ngay từ đầu cậu đã xác định rằng mình sẽ làm ra hạt gạo có thương hiệu.

Một trong những lý do tạo nên “vòng xoáy” của những cánh đồng không có hóa chất chính là việc hạt gạo không có thương hiệu, không có giá trị cao trên bản thân thị trường nội địa. Xuất khẩu được ưu đãi, khiến cho các công ty tập trung cho xuất khẩu hạt gạo giá rẻ.

“Vòng kim cô chính sách”, như là nghị định 109, đặt điều kiện quá cao đối với một doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo, khiến cho những doanh nghiệp nhỏ đứng ngoài cuộc chơi.

Còn với thị trường trong nước, họ đối mặt với một tập quán tiêu dùng bền chắc: gạo đến bàn ăn mỗi nhà được phân phối qua các tiểu thương thuộc khu vực kinh tế phi chính thức và có lợi thế kinh khủng về... thuế.

Việc làm gạo đóng gói và có thương hiệu cho thị trường trong nước, thật ra, là trăn trở của những doanh nghiệp đang muốn tạo đột phá trong nông nghiệp. Cậu nông dân Đồng Tháp đã chọn một con đường vĩ mô.

Tiếng đặt cho hạt gạo của mình một cái tên: “Tâm Việt”. Những buổi đầu tiên, hạt gạo làm ra bán rất chậm. Tiếng không có chi phí cho marketing, cũng không có hệ thống phân phối. Cậu túc tắc bán thông qua người quen và truyền miệng.

Đầu vụ thứ hai, gọi điện, Tiếng mới nói rằng mình vừa bán xong gạo của vụ thứ nhất. Nhưng mô hình của Tiếng bắt đầu được biết đến, và đó là lúc các bộ phận khác của chuỗi giá trị được lắp vào: “tâm” của chàng trai 20 tuổi này thuyết phục được nhiều doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.

Một doanh nghiệp nông sản cùng tham gia việc đóng gói để hạt gạo Tâm Việt có một bao bì chuyên nghiệp.

Những nhà phân phối nông sản sạch, đại diện cho một quyền lực đang lên của thị trường hiện nay, tìm đến. Kết quả: giờ Tiếng thậm chí không còn gạo để bán lẻ. Gạo trên cánh đồng đã được người ta tiêu thụ hết. Chỉ sau hai năm, bây giờ cơ ngơi của Võ Văn Tiếng, với sự đầu tư về vốn từ niềm tin cộng đồng, đã là 40ha.

Cuộc hành trình của Võ Văn Tiếng, dù ở quy mô rất nhỏ, là một cuộc phản biện cho nông nghiệp Việt Nam.

Những mệnh đề từ lâu đã được nhắc đến trên báo chí: xuất khẩu gạo giá rẻ mà không xây dựng được thương hiệu; ám ảnh với việc tăng năng suất dẫn đến suy thoái đất và lạm dụng thuốc hóa học; người nông dân không tự làm chủ cánh đồng của mình mà phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Chúng xoắn vào nhau thành một khối bế tắc. Tiếng gỡ ra, phản biện từng mục một.

Nhưng cuộc hành trình lớn không chỉ nhờ một “tấm gương” mà thành. Những người nông dân xung quanh đã không còn chế nhạo Tiếng. Nhưng mọi người vẫn không đủ khả năng thay đổi ước mơ của mình. “Nông dân quê em vẫn chỉ mơ về năng suất thiệt cao” - Tiếng than thở

Ước mơ đó đã không thay đổi trong suốt hơn 30 năm. Trong tư duy của những con người một nắng hai sương này, tăng thu nhập vẫn sẽ là tăng khối lượng gạo sản xuất ra. Sẽ cần một sự cổ vũ ngược từ cả hệ thống để họ làm điều ngược lại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận