29/05/2022 13:10 GMT+7

Bãi thử hạt nhân đã 'ngủ yên' vẫn là thứ di sản tàn khốc

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Sau nhiều thập kỷ ngừng sử dụng, các bãi thử hạt nhân của các cường quốc trên thế giới vẫn còn tác động mạnh đến môi trường và người dân trong khu vực, như thứ "di sản" tàn khốc của các vũ khí hủy diệt.

Bãi thử hạt nhân đã ngủ yên vẫn là thứ di sản tàn khốc - Ảnh 1.

Nhiều bãi thử ở các cường quốc hạt nhân hiện đã ngừng hoạt động sau nhiều thập kỷ - Ảnh: KREMLL

Hầu hết các cường quốc hạt nhân đều đã tiến hành hàng trăm vụ thử hạt nhân ở nhiều địa điểm xa xôi khác nhau trên toàn thế giới, diễn ra trong nhiều thập kỷ. 

Rất may, hầu hết thử nghiệm này đã ngừng vào cuối thập niên 1990, chỉ riêng Triều Tiên là ngoại lệ, theo trang tin Interesting Engineering.

Trên thế giới, Mỹ đứng đầu vụ thử hạt nhân với 1.032 vụ, kế đó là Liên Xô cũ với 727 vụ.

Trong các cuộc thử nghiệm này, nhiều lần các đầu đạn hạt nhân phát nổ mà không cần tác động vào mặt đất như các loại bom trọng lực thông thường. Có 528 vụ nổ được tiến hành trong khí quyển (được gọi là một vụ nổ trên không).

Tổng thống Mỹ Truman thành lập bãi thử Nevada lần đầu tiên vào năm 1950. Bãi này đã chứng kiến ​​1.021 vụ thử hạt nhân trong khí quyển và dưới lòng đất từ ​​năm 1951-1992.

Địa điểm này nằm cách thành phố Las Vegas khoảng 105km về phía Tây Bắc. Las Vegas thường xuyên trải qua những đợt rung chuyển mặt đất đáng chú ý trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, gió tây thường xuyên mang theo bụi phóng xạ của vụ thử hạt nhân qua bang Utah.

Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể các bệnh ung thư ở các khu vực bị ảnh hưởng từ thập niên 1950 trở đi.

Đảo Amchitka nằm trong quần đảo Aleutian của bang Alaska và là nơi thử nghiệm hạt nhân cho một số quả bom khinh khí đầu tiên của Mỹ.

Vụ thử bom hạt nhân Cannikin quan trọng nhất diễn ra vào ngày 6-11-1971. Quả bom này nặng khoảng 5 megaton, mạnh gấp 385 lần quả bom ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Vụ nổ này lớn đến mức nó gây ra trận động đất mạnh lên đến 7 độ Richter.

Các mẫu máu của dân trên một hòn đảo gần đó cho thấy hàm lượng tritium và cesium-137 (các hạt phóng xạ) cao, cả hai chất được biết đến là chất gây ung thư, tồn tại trong máu của họ. Điều tra sâu hơn cũng phát hiện ra rằng 1.500 nhân viên của cuộc thử nghiệm cũng bị nhiễm xạ nặng và ảnh hưởng bởi bức xạ từ quả bom.

Cơ sở Amchitka đã đóng cửa vào năm 1971. Ngày nay, các nhà nghiên cứu độc lập thường xuyên tìm thấy mức độ bức xạ cao trong các khu vực.

Quần đảo Marshall là một địa điểm đắc địa cho cuộc thử nghiệm hạt nhân của Mỹ, nơi một loạt các vụ nổ trên đất liền, bầu khí quyển và dưới nước được tiến hành.

Quả bom được thử nghiệm Castle Bravo, mang đầu đạn hạt nhân nhiệt hạch cực mạnh mà Mỹ đã tạo ra cho đến thời điểm đó, đã nổ với sức mạnh gấp 1.000 lần quả bom được sử dụng ở Hiroshima (Nhật) vào năm 1945. Sự phơi nhiễm phóng xạ đã dẫn đến việc di tản cư dân của đảo Rongelap gần đó.

Trong khoảng thời gian từ năm 1977-1979, khoảng 4.000 lính Mỹ đã được cử đến các hòn đảo để khử nhiễm 43 bãi thử hạt nhân trong "Khu thử nghiệm Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, nhiều binh sĩ sau đó được chẩn đoán mắc các bệnh nặng như những dạng ung thư khác nhau và một số tình trạng sức khỏe khác như giòn xương. Thậm chí, có báo cáo về việc con cái của họ sinh ra với tỉ lệ khuyết tật bẩm sinh cao.

Semipalatinsk, trước đây được gọi là Semay, là một trong những địa điểm thử hạt nhân yêu thích của Liên Xô. Nằm ở phía Đông Bắc của Kazakhstan, địa điểm này đã chứng kiến ​​456 vụ thử hạt nhân từ năm 1949-1989.

Các vụ thử khiến gần 1,5 triệu người ở Kazakhstan bị ảnh hưởng bởi bức xạ hạt nhân.

Cho đến cuối thập niên 1960, người Pháp đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân tại một nơi gọi là In Ekker ở Algeria. Các cuộc thử nghiệm này chủ yếu được tiến hành dưới lòng đất.

Kết quả thử nghiệm cho thấy đất, không khí và các nguồn nước ngầm bị nhiễm phóng xạ trên diện rộng.

Ngày nay, phần lớn các bãi thử về cơ bản là đất hoang nhiễm phóng xạ. Một số vụ kiện gần đây đã tìm cách giành được tiền bồi thường cho các nhân viên làm việc tại khu thử nghiệm.

Quốc gia duy nhất gần đây đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân tích cực là Triều Tiên.

Tại địa điểm có tên Punggye-ri, Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới nhất của họ trong một cơ sở đặc biệt dưới lòng đất.

Địa điểm này đã gây xôn xao dư luận cách đây vài năm sau khi nó phải đóng cửa, lúc đó vùng đất xung quanh bãi thử trở nên bất ổn và gây ra một trận động đất với cường độ 6,3 độ Richter.

Năm 2018, Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa cơ sở thử hạt nhân, đồng thời đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Cận cảnh phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên Cận cảnh phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên

TTO - Những hình ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy khói bốc lên từ miệng một đường hầm và những nhà gỗ trên mặt đất nổ tung tại Punggye-ri trong vụ phá dỡ ngày 24-5 với sự chứng kiến của truyền thông quốc tế.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên