Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cùng các em thiếu nhi ký tên lên lá cờ Tổ quốc tại buổi ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình, trong đó có bài thơ Tổ quốc gọi tên, tại Hà Nội tháng 7-2015 - Ảnh: V.V.TUÂN |
Bài thơ nổi tiếng này từ lâu được biết đến do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác. Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi qua thư điện tử với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, hiện đang sống và làm việc tại Bỉ.
* Cảm xúc và quan điểm của chị như thế nào khi ông Ngô Xuân Phúc lên tiếng cho rằng chị không phải là tác giả bài thơ Tổ quốc gọi tên?
- Tôi hiện đang sống và làm việc tại Bỉ. Từ sáng tới giờ tôi có nhiều cuộc họp, đến khoảng 3g30 chiều (ngày 1-10) mới mở máy tính và điện thoại thì nhận được rất nhiều thư từ, tin nhắn, cuộc gọi nhỡ… về việc ông Ngô Xuân Phúc cáo buộc tôi lấy cắp bài thơ của ông ấy. Tôi rất bàng hoàng và bức xúc.
Tôi mong có được một cơ hội để bảo vệ danh dự của mình. Và một người viết chuyên nghiệp, với các tác phẩm đã được xuất bản và giành các giải thưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Anh và Mỹ, bản quyền là điều tôi luôn tôn trọng.
Việc bị vu khống ăn cắp tác phẩm của người khác là điều tôi không thể tưởng tượng được. Tôi sẽ làm đến cùng để bảo vệ danh dự của mình cũng như sự tin tưởng của bạn đọc. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của tôi.
* Xin chị cung cấp cho độc giả những tư liệu khẳng định mình là người sáng tác bài thơ Tổ quốc gọi tên?
- Bài thơ Tổ quốc gọi tên được tôi sáng tác trên máy bay trong một chuyến đi công tác từ Hà Nội đến châu Âu. Tôi viết bài thơ sau khi nhận được câu hỏi phỏng vấn của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hoà Bình (lúc đó đang làm việc tại báo VietNamnet) xoay quanh vấn đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”. Viết xong bài thơ, tôi quyết định gửi in báo giấy trước.
Tôi gửi bài thơ này cho nhà báo Hải Giang, báo Hà Nội Mới vào lúc 23:21:22 ngày 20-6-2011. Lá thư này tôi vẫn còn giữ, cũng như những trao đổi của chúng tôi về câu từ của bài thơ bao gồm các từ như “kẻ thù” hay “kẻ lạ mặt”.
Bài thơ của tôi được đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 26-6-2011. Sau khi báo in, tôi gửi bài phỏng vấn cùng bài thơ Tổ quốc gọi tên cho nhà báo Hòa Bình. Ngày hôm sau, ngày 27-6-2011, bài thơ Tổ quốc gọi tên được đăng tải trên báo điện tử VietNamnet.
Tôi vẫn còn giữ các email liên lạc với nhà báo Hòa Bình vào thời điểm này. Báo in thì đã in và đường link của báo Vietnamnet đăng bài phỏng vấn của tôi vẫn còn đó.
Thực ra, Tổ quốc là một đề tài mà tôi vô cùng tâm huyết. Những ai đã đọc thơ tôi sẽ biết được dù sống xa quê hương, tôi vẫn đau đáu hướng về Tổ quốc, và chỉ có tình yêu cháy bỏng dành cho quê hương xứ sở mới giúp tôi viết lên được bài thơ Tổ quốc gọi tên. Và bài thơ này tiếp nối mạch các bài thơ tôi từng viết về quê hương như Là Việt, Đồng Lộc, Babylift, Thời gian trắng, Những ngôi sao hình quang gánh…
Trước sự kiện tàu Bình Minh bị cắt cáp năm 2011, tôi cũng như các văn nghệ sĩ Việt Nam vô cùng bức xúc, và muốn cất lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền lãnh thổ qua các tác phẩm của mình. Cảm xúc về biển đảo thì nhiều, nhưng làm sao để có thể nói về chủ đề lớn lao này bằng những tứ thơ mới mẻ và đủ sức lay động lòng người?
Rồi khi nhà báo Hòa Bình liên hệ phỏng vấn và hỏi “chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?”, tôi quyết định sẽ phải có một bài thơ. Từ Hà Nội, đem theo những câu hỏi ấy ra sân bay đi châu Âu, tôi nhắn tin cho Hòa Bình rằng sẽ gửi trả lời sớm.
Máy bay cất cánh. Tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Hà Nội trải dài dưới mắt tôi. Tổ quốc tôi đó, những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh ánh nắng, những thửa ruộng ngời lên như ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên đang tỏa bóng xuống dòng sông Hồng uốn quanh một dải lụa mềm. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ quốc, Tổ quốc! Tôi gọi thầm và chợt tiếng động cơ máy bay như tiếng sóng vọng về:
“Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng Sa dội vào ghềnh đá…”
Hai câu thơ đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi tìm vội giấy bút. Như một mạch nước ngầm đã được khai thông, những câu thơ khác cứ thế tuôn trào. Tình cảm yêu thương dồn nén mà tôi dành cho dải đất Việt giờ đây được cất nên lời.
Tôi viết rất nhanh, một mạch, không chỉnh sửa. Rồi tôi đọc lại, chọn lọc các khổ thơ, sửa chữa câu từ, sắp xếp chúng để các thông điệp của bài thơ được truyền tải rõ ràng và mạch lạc nhất.
Bài thơ bắt đầu bằng nhịp điệu dồn dập, về những hiểm họa Tổ quốc đang phải đương đầu, về sự hi sinh, mất mát, để rồi thắp lên niềm tin về hòa bình. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi ước ao rằng tất cả những xung đột tranh chấp về biển đảo sẽ được hòa giải qua đối thoại và sẽ không có chiến tranh, đầu rơi, máu đổ.
Khi máy bay đưa tôi vượt lên những tầng mây trắng, khi tôi không còn nhìn thấy hình hài Tổ quốc, bài thơ đã được hoàn thành.
* Ông Ngô Xuân Phúc nói rằng đã liên hệ với chị để trao đổi về vấn đề bản quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên? Xin chị chia sẻ thêm về cuộc trao đổi này?
- Ngày 8-1-2015 tôi có nhận được thư của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói rằng anh ấy có nhận được thư điện tử của một người tên là Ngô Xuân Phúc, nhận bài thơ Tổ quốc gọi tên là của ông ấy.
Tôi gửi thư cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rằng: tôi không cần liên lạc với người đó. Tôi có đủ các bản thảo của bài thơ Tổ quốc gọi tên và đủ bằng chứng cùng nhân chứng để xác nhận rằng tôi chính là tác giả.
Tôi nghĩ mình đã trả lời đầy đủ thắc mắc của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và cũng gạt qua sự bực bội của ngày hôm đó để tiếp tục các công việc đang còn dang dở. Thú thật tôi rất bận. Công việc đòi hỏi tôi phải di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác. Nếu cứ phải trả lời những buộc tội vô căn cứ như thế thì còn thời gian đâu để viết.
Thứ hai 28-9 vừa qua, có một người tên Ngô Xuân Phúc gửi cho tôi tin nhắn trên Facebook với nội dung mà ông ta chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, rằng tôi phải trả lại bản quyền của bài thơ.
Tôi có trả lời ngắn gọn: “Chào anh, cảm ơn anh đã liên lạc. Anh có bị ảo tưởng không đó? Anh hãy suy nghĩ về việc vu khống người khác lấy cắp tác phẩm của anh. Tôi là một người viết chuyên nghiệp, tôi không dại gì đánh đổi uy tín của mình cho một bài thơ.
Tôi không có gì phải trao đổi với anh cả. bài thơ viết lúc nào tôi nhớ rất rõ. Yêu cầu anh không liên lạc với tôi nữa. tôi không muốn mất thời gian”.
Tôi vẫn còn giữ các trao đổi này. Tôi quyết định chặn Facebook của người đó vì thú thật tôi không muốn tốn thời gian quý báu của mình.
* Trong bài viết ông Ngô Xuân Phúc có kết rằng: “Tôi trình bày để chị hiểu là tôi rất tin tưởng ở chị, ở cái tâm của người cầm bút, mong chị sẽ là vì trách nhiệm với nghề, với đất nước mà làm hết mình vì bài thơ, và nay vui vẻ trả lại nó cho chủ nhân đích thực!” Chị bình luận gì về điều này?
- Tôi muốn hỏi ông Ngô Xuân Phúc rằng bài hát Tổ quốc gọi tên mình đã rất nổi tiếng từ năm 2011. Nếu là tác giả tại sao ông ấy không lên tiếng ngay mà phải đợi đến bốn năm sau? Và ông ấy đã viết được các bài thơ nào liền mạch với Tổ quốc gọi tên?
Tôi xin khẳng định rằng Tổ quốc gọi tên là bài thơ tôi viết dâng Tổ quốc. Và tôi tin rằng Tổ quốc sẽ minh chứng cho tình yêu không lay chuyển của tôi dành cho người.
* Vậy chị sẽ có hướng giải quyết sự việc này như thế nào?
- Ông Ngô Xuân Phúc vừa đăng tải rộng rãi lời buộc tội của ông ấy trên mạng xã hội, và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân tôi, cũng như với niềm tin của các độc giả đã luôn yêu mến và ủng hộ các tác phẩm của tôi.
Qua Tuổi Trẻ, tôi chính thức yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc xin lỗi tôi, hoặc tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống. Hiện tôi đang tìm luật sư, và sẽ làm việc đến cùng để chứng minh rằng tôi không thể nào dối trá trong tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình dành cho Tổ quốc.
Bài thơ Tổ quốc gọi tên in trong tập Tổ quốc gọi tên mình của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai - Ảnh: V.V.TUÂN |
Có bản viết tay bài thơ Tổ quốc gọi tên, nhưng đã đánh mất Ngày 28-9, ông Ngô Xuân Phúc đăng tải trên trang Facebook cá nhân bài viết khẳng định ông là tác giả của bài thơ Tổ quốc gọi tên mình. Ông Phúc viết: “Tôi tên là Ngô Xuân Phúc, tôi sinh năm 1980 và hiện sinh sống ở Việt Nam. Và tôi chính là tác giả của bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, bài thơ này năm 2008 đã được tôi chia sẻ ở blog cá nhân trên Google, trên trang cá nhân ở mạng xã hội My Space và một vài trang mạng xã hội khác. Hồi đó tôi còn là một quân nhân, là giáo viên văn học trong quân đội, đơn vị tôi ở Sơn Tây, Hà Tây, nay là Hà Nội. Sau này vì lý do đặc thù công tác và vì chuẩn bị chuyển công tác nên tôi mới xóa các blog, trang cá nhân. Nhưng ở thời điểm tôi đăng bài thơ này thì có khá nhiều người vào đọc và khen hay”. “Cá nhân tôi có chia sẻ việc viết bài thơ này và mong muốn được phổ nhạc, trong khi tôi đang công tác trong quân đội và chuẩn bị chuyển công tác thì hi vọng nếu có ai đó đọc được và thấy hay có thể sử dụng để phổ biến rộng rãi. Thực tế hồi đó có nhà thơ là hội viên hội nhà văn của một tỉnh phía Bắc có vào đọc khen hay, và tôi có bảo bài này được phổ nhạc thì rất tuyệt. Tôi lần theo nick bình luận trên bài viết mới biết ông ta là hội viên hội nhà văn chứ không hề quen biết. Và khi đề cập tới nguyện vọng đó: bài thơ được phổ biến và phổ nhạc với một người bạn tên: Nguyễn Thông Thiện ở Hà Nội, tôi mong rằng người đứng tên sẽ có họ Nguyễn Phan - là họ bên ngoại của tôi, và hai người - một nhà thơ - để giới thiệu thơ; với một nhạc sĩ - để phổ nhạc bài thơ - nên một người ở miền Bắc, còn một người ở miền Nam. Như vậy nhằm thể hiện rõ tính chất của bài thơ này, bài thơ về chủ đề Tổ quốc - biển đảo, hai người như vậy thể hiện sự hợp nhất, hài hòa để tạo nên nước Việt vẫn thường được hình dung là hai miền Nam - Bắc. Năm 2009 tôi chuyển công tác về Nghệ An, sau đó xin phục viên và chuyển sang làm báo là chủ yếu. Tình cờ năm 2013 tôi có được xem chương trình ca nhạc có bài hát Tổ quốc gọi tên mình, nó gợi nhớ cho tôi và tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin. Đến năm 2014 thì tôi tiếp tục được nghe bài này trên truyền hình và sau đó là đọc được loạt bài báo giới thiệu tác giả thơ Nguyễn Phan Quế Mai và bài thơ Tổ quốc gọi tên mình cùng với những bài thơ thành công khác của chị” - ông Ngô Xuân Phúc viết trên Facebook. Và cuối bài viết, ông Phúc mong muốn: “Tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều, bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu, Hà Nội hay Vinh, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng đã mất hết. Tôi trình bày để chị hiểu là tôi rất tin tưởng ở chị, ở cái tâm của người cầm bút, mong chị sẽ là vì trách nhiệm với nghề, với đất nước mà làm hết mình vì bài thơ, và nay vui vẻ trả lại nó cho chủ nhân đích thực!” Chiều 1-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Xuân Phúc một lần nữa xác nhận và khẳng định lại những thông tin ông đã viết trên Facebook. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng bản thảo viết tay bài thơ đó ông đã làm mất, và địa chỉ website đăng tải bài thơ này từ trước đó cũng đã bị ông xóa. Ông Phúc nói rằng sau khi viết bài thơ đã chia sẻ về bài thơ cho ông cho ông Trịnh Thông Thiện (PV Thông tấn xã VN) nghe. Nhưng trả lời Tuổi Trẻ, ông Thiện nói rằng ông chỉ nhớ một cách không chắc chắn rằng đã được nghe bài thơ đó vào quãng năm 2009-2010, khi hai người uống rượu với nhau. Thậm chí nội dung bài thơ ông Thiện cũng không còn nhớ rõ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận