17/12/2020 06:49 GMT+7

Bại não chào thua ý chí

LƯ THẾ NHÃ
LƯ THẾ NHÃ

TTO - Ở Võ Thành Đạt (xã An Phú Trung, Ba Tri, Bến Tre), những biểu hiện của căn bệnh bại não như đầu thường lắc, phát âm khó nghe, môi méo... không là rào cản cho ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống của bạn.

Bại não chào thua ý chí - Ảnh 1.

Đạt làm thêm ở thư viện “Đủng Đỉnh Đọc” - Ảnh: NVCC

Đạt hiền lành, tử tế và học giỏi từ năm lớp 1-12. Bạn hiện là sinh viên năm thứ hai Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Em Đạt đã vào đại học nhưng trường vẫn thường kể về tinh thần vượt khó học tập của Đạt trong những dịp hoạt động của trường, nêu gương cho các bạn học sinh khác.

Thầy ĐOÀN VĂN TIỆP (hiệu trưởng Trường THCS An Phú Trung)

Tình thương của ngoại

Cha mẹ của Thành Đạt chia tay, gửi Đạt cho ông bà ngoại sống trong hoàn cảnh nghèo khó cưu mang. 

Nhà ngoại của Đạt ở ấp An Thái, xã An Phú Trung là căn nhà tình thương Khăn quàng đỏ do Hội đồng Đội huyện Ba Tri, Bến Tre cấp, theo đề nghị của Trường THCS An Phú Trung cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Căn nhà tình thương được cấp cách nay 13 năm, ông bà ngoại Đạt vẫn chưa có tiền tô tường, mọi tiền bạc có được đều dành nuôi cháu học hành.

Khi Đạt chào đời, cha mẹ, nội, ngoại đều mừng nhưng 1 tháng tuổi Đạt bệnh thập tử nhất sinh, rối loạn tiêu hóa và sốt bại não phải điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng, TP.HCM nhiều lần. 

Trong lúc người thân đều nghĩ Đạt không qua khỏi bệnh tật, bà ngoại đưa cháu về nuôi. Nhà ngoại nghèo, thức ăn cho cháu là con cua, con tép bắt được dưới ruộng, dưới kênh.

Mãi đến 4 tuổi Đạt mới biết đi nhưng chân tay yếu ớt, cổ né một bên, đầu hay lắc, khi nói, miệng méo phát âm chậm, ngượng nghịu khó nghe. 

Ngày ngày, bà ngoại chở cháu đến trường. Đến giờ chơi, bà ngoại lại đến đút cháu ăn giặm cho có sức khỏe. Khi hớt tóc cho Đạt, bà ngoại đi theo ngồi vịn thì thợ mới hớt được, và bây giờ ở tuổi 20, đi học đại học, mỗi lần về quê hớt tóc vẫn cần có bà ngoại vịn đầu cho yên.

Chăm chỉ và tiết kiệm

Bà Nguyễn Thị Lá, ngoại của Đạt, khoe: "Nó chăm học và biết tiết kiệm. Tiền ngoại cho ăn bánh, Đạt để dành đóng học thêm. Năm nào Đạt cũng đạt học sinh giỏi, giấy khen treo kín một góc nhà".

Còn thầy Nguyễn Văn Rum, hiệu phó Trường THPT Tán Kế (xã Mỹ Thạnh, Ba Tri) cho biết Đạt rất chăm học, năng phát biểu, có trí nhớ và tiếp thu bài vở rất tốt. Thầy Nguyễn Văn Định, giáo viên toán Trường THPT Tán Kế, cũng cho biết Đạt học toán rất giỏi.

Ngày Đạt vào đại học, Đạt nhờ cô giáo bán gần 300 quyển vở là phần thưởng của học sinh giỏi qua nhiều năm sử dụng không hết, lấy tiền dành lên TP.HCM mua sách, tài liệu học tập.

Một chị lớp trước học cùng trường THPT giới thiệu Đạt vào làm thêm ở thư viện "Đủng Đỉnh Đọc" (quận 5, TP.HCM) giúp Đạt thêm phần chi tiêu ăn uống.

Đạt chia sẻ: "Tình thương của ông bà ngoại giúp mình luôn nỗ lực học tập để báo hiếu cho ngoại và vượt lên bản thân không được lành lặn như bao người khác". Đạt nói sau tốt nghiệp đại học có việc làm, Đạt muốn mình sẽ học lên cao học.

Thấy bà ngoại đưa rước vất vả, đến lớp 9, Đạt nói ngoại cho tập chạy xe vì lên lớp 10 phải đi học xa, cách nhà hơn 6km.

Mỗi lần tập là bị té, hai đầu gối đến nay còn đầy sẹo, nhưng Đạt vẫn kiên trì tập luyện, mãi đến một năm Đạt mới đi được xe đạp nhưng cũng còn yếu nên bạn bè thường giúp chạy kèm bên cạnh đưa Đạt đến tận nhà.

untitled-1 copy

Đạt và bà ngoại

Cô Đoàn Thanh Tuyền, giáo viên chủ nhiệm của Đạt năm học lớp 10, cho biết: "Đạt rất hiền, học giỏi nhưng rất khiêm tốn nên không chỉ bạn trong lớp mà các bạn trong trường đều thương và giúp đỡ".

Vượt qua nỗi đau ung thư: Nghị lực sống của mẹ con cô giáo Vượt qua nỗi đau ung thư: Nghị lực sống của mẹ con cô giáo

TTO - Đưa con đi chữa bệnh ung thư máu, một cô giáo trẻ ở Nghệ An cũng phát hiện mình bị ung thư hạch.

LƯ THẾ NHÃ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên