Vì sự phát triển chung của toàn ngành
Dưới tài "cầm quân" của những "nữ tướng" đầy can trường, xông pha "chinh chiến" qua nhiều thập kỷ, các công ty của họ từ chỗ chỉ là những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành những đơn vị dẫn đầu ngành và đạt danh tiếng vang dội.
Năng lực nào đã giúp "nữ tướng" đưa cơ sở kinh doanh của mình từ quy mô địa phương lên tầm vóc quốc tế, biến yếu thành mạnh và làm rạng danh ngành kim hoàn trên bản đồ thế giới?
Nhìn sâu và rộng vào hành trình kiến tạo ấy, có thể thấy điểm chung nổi bật ở các "nữ tướng" là họ mang một tầm vóc lớn. Các nữ lãnh đạo toàn tài cống hiến không chỉ vì công ty của riêng họ, mà vì sự phát triển chung của toàn ngành, của xã hội, của đất nước.
Điển hình là hành trình 35 năm xây dựng, khôi phục, vực dậy và làm rạng danh ngành kim hoàn của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ. Từ một cửa hàng nhỏ cấp quận, chỉ vỏn vẹn 20 người, đã vươn lên trở thành nhà bán lẻ trang sức Top 1 châu Á với gần 400 cửa hàng trên toàn quốc với hơn 7.000 nhân sự đang phụng sự khách hàng.
Với những thành quả ấy, họ đã trở thành những biểu tượng của ngành nơi mà họ đã tận lực cống hiến cả đời. Những quyết định của "nữ tướng" còn tạo nên sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng cho lớp doanh nhân trẻ, đặc biệt là doanh nhân nữ. Bên cạnh tài năng, nhạy bén tinh tường, người ta còn thấy một thứ "quyền lực mềm" (Soft power) nơi nữ doanh nhân này.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - "nữ tướng" ngành kim hoàn - người vừa được vinh danh là một trong 40 biểu tượng xuất sắc nhất (Extraordinary 40) ngành kim hoàn thế giới, tại giải JWA 2023. Bà Dung cũng là một trong bốn nữ doanh nhân hiếm hoi trên thế giới và là người Việt Nam duy nhất được xướng tên tại giải thưởng danh giá này.
"Quyền lực mềm" từ người đàn bà vàng
Theo dõi và tiếp xúc với bà Cao Thị Ngọc Dung, không khó nhận thấy ở bà toát lên sự bản lĩnh, can trường và sự nhạy cảm sắc bén của một doanh nhân lớn có khả năng thu phục lòng người bằng "quyền lực mềm".
Đó chính là năng lực kiến tạo văn hóa doanh nghiệp, thiết lập nguồn giá trị cho tổ chức và xã hội, xây dựng và phát triển chính sách thiết thực cho người lao động...
Có thể thấy ở PNJ, suốt 35 năm qua, văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua nhiều con sóng ngầm và là nền tảng của sự phát triển bền vững. Không thể phủ nhận, văn hóa doanh nghiệp phải bắt đầu cũng như luôn được khởi nguồn từ trong tâm của chính người sáng lập.
Tại PNJ có duy nhất một thứ không bao giờ biến đổi, không bao giờ vơi đi, đó là niềm tin. 5 năm trước, bà Dung đã tin tưởng trao quyền điều hành doanh nghiệp cho ông Lê Trí Thông. Giữ vị trí CEO, ông Thông cùng Ban điều hành đã xác lập nhiều kỳ tích trong kinh doanh, trở thành nhà bán lẻ tầm cỡ.
Có lần, khi người viết hỏi về điều tự hào nhất, không cần suy nghĩ lâu, bà Dung nói rằng: "Chúng tôi đã và đang chăm lo cho nhau như một gia đình". Cùng nhau, người PNJ còn chăm lo đến nhiều con người khác ở bên ngoài cộng đồng, thông qua các chương trình CSR như Siêu thị mini 0 đồng, Đồng hành vượt cạn, Mái ấm niềm tin...
Nói cách khác, con người trong mối bận tâm của "nữ tướng" Cao Thị Ngọc Dung rộng mở hơn. Bởi lẽ PNJ mang triết lý phát triển bền vững: "đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp".
Bà Cao Thị Ngọc Dung đã chinh phục những người bà gặp gỡ. Ở bà vừa có "chất thép" máu lửa của một nữ lãnh đạo, vừa có sự quan tâm chu đáo của một người đàn bà giàu tình cảm.
Ở một góc khác, tuy đã là con người thành đạt trong xã hội, nhưng người ta dễ dàng nhận ra bà Dung với hình ảnh rất đỗi đời thường bình dị. Đó là một Cao Thị Ngọc Dung yêu thể thao trong một buổi sáng đi bộ cùng bạn bè đồng niên, hay một phiên bản "chịu chơi" khi bà sẵn sàng tham gia các thử thách mà các bạn trẻ đặt ra...
Đây thực sự là thứ "quyền lực mềm" mà người người kính trọng cũng như đem lòng ngưỡng mộ nơi "nữ tướng" ngành kim hoàn - Cao Thị Ngọc Dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận