Fonterra nói lô hàng sữa bị nhiễm khuẩn là do một đường ống trong một nhà máy của họ bị bẩn.
Mặc dù cảnh báo được phát đi dịp cuối tuần cùng việc chưa có ca nào bị phát hiện đau bệnh hay tử vong do sữa nhiễm khuẩn, nhưng tin tức trong thời đại toàn cầu hóa đã nhanh chóng lan rộng và đang khiến danh tiếng về thực phẩm sạch, an toàn của New Zealand bị ảnh hưởng nghiêm trọng. AFP cho biết New Zealand là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới và ngành sữa trị giá 8,1 tỉ USD chiếm tới 25% xuất khẩu của nước này. Riêng Fonterra chiếm đến 89% sản lượng sữa của New Zealand năm 2011.
Một bài xã luận trên báo New Zealand Herald hôm qua viết: “Thật đáng lo ngại khi thấy nền kinh tế New Zealand dễ tổn thương như thế nào trước các vấn đề về an toàn thực phẩm. Một đường ống bẩn tại một nhà máy sữa đe dọa nghiêm trọng đến danh tiếng của New Zealand là một nước xuất khẩu thực phẩm an toàn và sạch. Điều gì đã xảy ra ở cấp độ kỹ thuật? Tại sao lại mất quá lâu để điều tra? Tại sao lại công bố quá chậm trễ?”.
Điều khiến dư luận phẫn nộ chính là sự chậm trễ trong việc phát đi cảnh báo của Fonterra. Thủ tướng New Zealand John Key phát biểu trên đài phát thanh quốc gia rằng ông choáng khi biết rằng kết quả kiểm nghiệm từ năm ngoái cho thấy ba lô hàng whey protein của Fonterra có vấn đề, nhưng không hiểu sao công ty này không hành động tức thời. Ông Key cũng nói chính phủ đã lập một nhóm công tác hơn 60 người để kiểm soát vụ việc này và sẽ thanh tra quy trình xử lý khủng hoảng của Fonterra.
AFP dẫn lời giảng viên Chris Galloway thuộc ngành quan hệ công chúng của Đại học Massey cảnh báo rằng Fonterra dường như không học được bài học năm 2008 trong vụ sữa nhiễm melamine của Tập đoàn Tam Lộc (Trung Quốc) mà Fonterra có góp vốn, khiến sáu trẻ tử vong và 300.000 em đổ bệnh. “Sự lặp lại này khiến người ta khó mà chấp nhận được đây là một sự vụ đơn lẻ” - ông Galloway bình luận.
Trong khi đó, như Reuters cho biết, tổng giám đốc Fonterra Theo Spierings đã đến Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm qua và tổ chức họp báo để xin lỗi. Theo New Zealand Herald, thậm chí Bộ trưởng thương mại Tim Groser có thể sẽ phải sang Trung Quốc để tái đảm bảo với thị trường xuất khẩu lớn nhất của New Zealand rằng các sản phẩm thực phẩm của họ là an toàn.
Dẫu vậy, ngay hôm qua, cổ phiếu của Fonterra đã lập tức tụt 8,7% mặc dù sau đó phục hồi chút ít và đứng ở mức giảm 5,9%. Theo AFP, đây được coi là phản ứng đầu tiên của giới đầu tư với cuộc khủng hoảng này.
Câu chuyện của Fonterra là của New Zealand, nhưng nó là bài học chung cho tất cả, kể cả ở VN chúng ta, khi vấn đề vệ sinh thực phẩm ngày càng nóng bỏng, trong đó trách nhiệm của các nhà sản xuất rất lớn. Chỉ cần một chút cẩu thả, cộng thêm vào đó là sự chậm chạp trong xử lý thông tin thì không chỉ một doanh nghiệp điêu đứng mà cả hình ảnh quốc gia cũng bị ảnh hưởng theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận