Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đã được huy động để tốc lực tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích dưới lớp đất đá vụ sạt lở tại Trà Leng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Cường nói: "Những cái tên như Trà Leng, Phước Lộc, Trà Vân... giờ được nhắc đến như một mốc sự kiện đau thương. Đây là bằng chứng về sự khắc nghiệt của thiên tai, nhưng cũng là bài học đau xót mà nếu chậm trễ và xử lý không kịp, chúng ta còn mất thêm nhiều sinh mạng".
Đã cảnh giác, nhưng không tránh được thảm họa
* Chính quyền có dự lường và chuẩn bị trước để đối phó cho tình huống xấu như hiện tại không, thưa ông?
- Không phải hiện nay khi đã có nhiều vụ lở đất vùi nhiều người dân thì tôi mới nói, mà việc sạt lở đã được dự lường ngay trước khi nó xảy ra.
Trong văn bản chỉ đạo trước bão số 9 của Tỉnh ủy ban hành ngày 23-10 có nêu rõ "đặc biệt chú ý đưa các hộ dân, học sinh ở các trường học, công nhân tại nhà máy xí nghiệp, lực lượng vũ trang đóng trong các doanh trại, y bác sĩ tại các bệnh xá... trong diện có nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng chia cắt đến nơi an toàn; đề phòng nguy hiểm rủi ro có thể xảy ra và để lại hậu quả đáng tiếc".
* Đã cảnh giác rồi nhưng vì sao vẫn xảy ra những vụ việc thương tâm như Trà Leng, Trà Vân, Phước Sơn?
- Chúng ta không đổ lỗi cho tự nhiên, nhưng tự nhiên luôn có những thứ vượt ngoài sức phán đoán của người dân.
Nếu ai đã từng tới Trà Leng hay Phước Lộc sẽ thấy đó là những khu dân cư được tính toán rất kỹ trước khi dựng nhà cửa lên. Nhưng rõ ràng là chúng ta không thể dự đoán đúng và phán đoán chính xác được những gì sẽ xảy ra của thiên tai.
Xảy ra việc đau xót vừa qua, chúng tôi nhìn nhận có nhiều nguyên do. Một là thời tiết cực đoan, diễn biến quá khó lường, không ai nghĩ rằng sẽ có những vụ nổ núi kinh khủng và bất ngờ như vậy. Hai là các huyện miền núi quá thiếu quỹ đất, địa hình phần lớn có độ dốc lớn.
Do vậy dù muốn hay không bà con vẫn sống ở dưới chân núi. Tỉnh đã nhìn ra vấn đề này và từ lâu đã dốc hết các khả năng, nguồn lực để tập trung di dời bà con ra các ngôi làng tái định cư nhưng vẫn chưa làm hết.
Ba là dự báo, khả năng phân tích thiên tai bằng các công cụ khoa học kỹ thuật hiện nay chưa có. Bà con chủ yếu làm nhà, dựng làng theo kinh nghiệm, theo phán đoán. Mà sai sót của phán đoán luôn tồn tại.
Ông Phan Việt Cường - Ảnh: T.B.DŨNG
Rừng không phải là lá bùa
* Quảng Nam là tỉnh từng có rất nhiều rừng, nhưng hiện ở nơi xảy ra thảm họa vừa qua rừng đã bị tàn phá vì nhiều lý do. Đó có phải là nguyên nhân, thưa ông?
- Phá rừng là có. Chúng ta không bao biện, nhưng nói rằng vì không có rừng mà xảy ra sạt núi cũng không hoàn toàn đúng. Thực tế có những nơi sạt lở rất lớn mà trên nền đó toàn là những cánh rừng dày.
Quảng Nam từng có những vụ việc lở đất thương tâm, chết nhiều sinh mạng ngay trong vùng mà rừng núi được giữ rất tốt. Chúng tôi đã nhờ các nhà khoa học đi nghiên cứu, phân tích và có đánh giá rất cụ thể rằng địa chất của các huyện vùng cao Quảng Nam nằm trên vùng rất dễ đứt gãy và sụt trượt.
Việc sụt trượt và biến động này xảy ra trong lòng đất, trong quy mô mà rừng sẽ không thể che chắn và giữ an toàn tuyệt đối được. Hơn nữa, loại đất của vùng núi Quảng Nam là rất dễ thấm, dễ ngấm và dễ rữa ra. Khi mưa quá lớn, núi sẽ no nước, đất rữa ra và lúc đó hiện tượng sụt trượt sẽ là tất yếu.
* Vậy theo ông, làm cách nào để tránh những thảm họa như vừa qua?
- Nhiều năm trước Tỉnh ủy đã có hẳn một nghị quyết riêng, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực bố trí các dự án di dân tái định cư, đưa dân ra khỏi rừng, khỏi vùng sạt lở, lũ quét. Tới nay tỉnh đã đưa được hơn 1/2 trong tổng số 13.000 hộ trong diện di dời.
Muộn nhất tới năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ không còn hộ dân nào sống trong vùng sạt lở, lũ quét. Chỉ có di dân, đưa ra những vị trí cách xa sông suối, xa chân núi thì mới hạn chế được sạt lở và lũ quét như vừa qua.
Giải pháp thứ hai là chúng tôi sẽ đề xuất để xây dựng bộ dữ liệu, bản đồ địa chất và thông báo tới tận từng người dân, từng địa phương. Vùng nào trong diện xung yếu, dễ sụt trượt sẽ không bố trí dân cư, nơi đó sẽ có cảnh báo để bà con hạn chế lui tới.
Một điều theo tôi vô cùng quan trọng, quyết định tới việc thành công trong phòng chống thiên tai đó là kỹ năng ứng phó, thích nghi và sống chung với mưa bão ngày càng khốc liệt của mỗi người dân.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở các chương trình đào tạo kỹ năng ứng phó với thiên tai. Học sinh sẽ được dạy cách nhận biết dấu hiệu của sạt lở đất, cách chạy trốn khi có sạt núi, cách cứu hộ khi có tình huống xảy ra. Khi thiên tai là thứ không thể tránh, cách tốt nhất là chúng ta học bài học ứng phó, sống chung với nó.
Lập làng mới, chăm lo dân chu đáo
* Hiện nay việc tìm kiếm các nạn nhân lở núi và lũ quét vẫn tiếp tục, tỉnh có chính sách hỗ trợ gì đối với các hộ gặp nạn?
- Vừa qua các trường hợp này đang nhận được sự chia sẻ rất lớn từ cộng đồng. Chúng tôi đã vận động nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước lo cho họ ổn định, gầy dựng lại cuộc sống.
Tại Trà Leng, Tập đoàn Vingroup đã đồng ý hỗ trợ khoản kinh phí xây nhà, giúp bà con có nơi ở đủ an toàn, chính quyền sẽ tìm đất để lập làng mới. Các em mồ côi, các trường hợp mất người thân cũng sẽ được các đơn vị đỡ đầu, chăm lo cả về nhà ở lẫn tương lai học hành về sau.
Chúng tôi cố gắng làm hết tất cả những gì trong khả năng để bù đắp một phần những mất mát mà bà con đang phải chịu đựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận