Thương cho bố mẹ tôi cả cuộc đời sống trong niềm khao khát về mái ấm gia đình. Cuộc sống thiếu thốn đã đành, họ còn thiếu luôn sự chăm sóc, che chở của người thân, thậm chí họ chưa một lần được thấy mặt dù chỉ trong những giấc mơ. Ông nội hi sinh vào Tết Mậu Thân năm 1968 khi bố tôi mới cất tiếng khóc chào đời. Còn bà ngoại mất năm mẹ tôi được 1 tuổi. Thế rồi bố mẹ đến với nhau như mối duyên tiền định. Họ bù đắp tình cảm cho nhau, chăm sóc nhau. Một đám cưới đơn sơ trong niềm vui của họ hàng và người thân. Một năm sau ngày cưới, mẹ có mang tôi.
Ngày đó nghèo, bố mẹ phải làm quần quật đủ mọi nghề từ đan chiếu, bán rau, buôn bắp… từ chợ xa cho tới huyện gần, cứ đêm đêm trên chiếc xe cọc cạch bố mẹ lại chở rau xuống tận chợ cách nhà gần 20 cây số để bán. Vất vả là thế nhưng những đồng tiền ít ỏi vẫn không giúp bố mẹ tôi những bữa no. Buổi tối bố phải đi ra những con mương bắt từng con tôm, con cá đem về bồi dưỡng cho mẹ lúc mang thai.
Mẹ kể ngày đó mẹ về làm dâu trong một gia đình nghèo lại đông anh em. Mỗi lúc tới bữa ăn là phải chia nhau từng chén cơm. Gọi là cơm thế thôi chứ cứ nửa lon gạo thì phải trộn cả một rổ khoai. Chỉ ngày nào đặc biệt lắm mới có cơm trắng mà ăn. Bố vẫn thường nhường cơm cho mẹ với đủ những lý do. Rồi một lần mẹ tình cờ ra bờ đê nhìn thấy bố đang ăn một bịch khoai luộc, mẹ thấy mà không cầm nổi nước mắt.
Tôi ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của bố mẹ. Chính vì từ nhỏ sống trong cảnh thiếu thốn tình thân mà bố mẹ luôn muốn bù đắp hết cho đứa con đầu lòng. Sống trong cảnh gia đình đông anh em lại nghèo khổ nên bố mẹ tôi quyết định xa quê đến một nơi khác lập nghiệp. Khi tôi lên 3, bố mẹ chuyển vào Nam. Thời gian trôi qua tôi cũng lớn hơn thế nhưng cuộc sống gia đình vẫn nghèo vì đây là vùng kinh tế mới và càng khó khăn hơn khi đứa em tôi ra đời.
Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng nghèo khổ ấy. Đám bạn có rất nhiều đồ chơi, bọn chúng thường tụ tập ngồi cùng chơi với nhau. Là một đứa trẻ nên dù không có tôi vẫn thích được nhìn những món đồ chơi của bọn nhỏ mà trong mơ tôi cũng không có được. Thế nhưng chúng nhất quyết không cho tôi ngồi xem và đã bao lần tôi khóc vì bọn chúng đánh. Rồi sau những lần như thế tôi bắt đầu chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Chỉ có bố mẹ là người bạn tốt nhất của tôi. Tôi sống khép kín, ít nói hơn ngay cả khi đến tuổi tới trường.
Tôi không bao giờ quên bữa tiệc ăn mừng của người hàng xóm ngày hôm đó. Gọi là hàng xóm vậy thôi nhưng thật ra cũng là họ hàng thân thuộc của gia đình tôi. Mãi sau này tôi mới biết họ không mời bố mẹ tôi. Lúc đó chỉ là một đứa trẻ lại sống trong cảnh đói khát thì thấy có tiệc là háo hức lắm. Tôi chỉ biết nấp sau bụi chuối chờ cho tan tiệc xem mình có được một ít cho cái bụng đang sôi sục vì đói. Thế mà họ mang đi đổ hết, mặc cho chị em tôi thèm thuồng đang đứng chờ đợi trong tiếc nuối.
Tôi vội chạy về nhà trong hai dòng nước mắt: “Mẹ ơi, sao cô ấy có bao nhiêu đồ ăn không cho nhà mình mà cô mang đi đổ? Mẹ qua xin cho con đi”.
Mẹ ghì chặt tôi vào lòng: "Con à, cái gì thuộc về mình thì mới được lấy, không phải của mình thì không thể lấy được. Đói cho sạch rách cho thơm. Cuộc sống là thế đấy chúng ta phải biết chấp nhận".
Rồi mẹ chỉ ra những hàng tre cao vút: “Con thấy những rặng tre trước cổng nhà mình không? Dù cho mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt, dù cho bị vùi dập bởi gió táp mưa sa nhưng chúng vẫn vươn mình để sống. Bố mẹ tuy nghèo, không cho mấy đứa được đầy đủ sung túc nhưng mẹ tin các con sẽ như những cây tre kia, vươn lên thẳng tắp, đứng hiên ngang giữa bầu trời dù đất đai cằn cỗi. Các con của mẹ hãy sống thật tốt. Hãy biết vươn lên từ cái nghèo. Mẹ tin một ngày nào đó các con sẽ làm được”.
Đúng như những gì mẹ nói, chị em tôi đều học giỏi, thành đạt. Chính bố mẹ đã dạy chúng tôi như thế. Ngày tôi đậu đại học trong sự ngỡ ngàng của xóm làng. Bố mẹ tôi vui mừng khôn xiết. Tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã dạy chúng tôi biết đứng lên từ lam lũ. Giờ đây tôi đã có một việc làm tốt, đứa em cũng sắp ra trường. Một thời khó khăn gian khổ của bố mẹ không còn nhưng với tôi những ngày ấy là những ngày tôi trân trọng nhất.
Bố mẹ ơi, khi con viết những dòng tri ân này thì trời đã khuya lắm rồi. Con vẫn biết những câu chuyện về gia đình mình chắc còn dài lắm. Con sẽ nhớ mãi những gì bố mẹ dạy. Trong những lúc thất bại con tưởng chừng như mình gục gã nhưng câu nói ngày xưa mẹ dạy vẫn ở trong trí nhớ của con. Con lại tiếp tục vượt qua và vươn cao như rặng tre trước ngõ nhà mình ngày ấy. Con yêu bố mẹ nhiều lắm!
Nhân vật trong bài viết là bố tôi Nguyễn Xuân Thụy, mẹ tôi Trần Thị Dần, ở xã Thanh Lương, Bình Long, Bình Phước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận