Tôi thường đi qua bãi giữ xe của một bệnh viện nhỏ ở TP.HCM. Đây là nơi từng đặt container lạnh lưu giữ thi thể các nạn nhân xấu số của dịch COVID-19 chờ hỏa táng.
Thỉnh thoảng, ở đây vẫn có những di ảnh cùng vài ba nén nhang nghi ngút. Gia đình của người đã khuất vẫn đến tưởng nhớ thân nhân, như nhắc nhở nỗi niềm thương tiếc.
Chứng kiến cảnh ấy, tôi cảm thấy như nghẹt thở bởi ký ức cũ tràn về. Đó là những ngày cả nước cách ly nghiêm ngặt, toàn xã hội hướng về một mục tiêu duy nhất: chống dịch.
Có biết bao người dũng cảm lao vào cuộc chiến cứu dân, quên mình vì trách nhiệm, vì nghĩa khí và lòng nhân hậu. Không ít người mãi mãi ra đi ngay khi tuổi đời còn rất trẻ mà không hề hối tiếc.
Đại án "kit xét nghiệm" xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy. Kết luận mới nhất của cơ quan điều tra cho thấy Phan Quốc Việt, cựu tổng giám đốc Công ty Việt Á, cấu kết với một số quan chức chiếm đoạt đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, nâng khống giá kit xét nghiệm, thu lời trên 1.200 tỉ đồng.
Hình như chưa có vụ tham nhũng nào có chuỗi làm ăn lắt léo, phức tạp như vụ "kit xét nghiệm". Các đối tượng phạm tội liên kết với nhau, thiết lập thành hệ thống tinh vi, hoạt động nhịp nhàng từ sản xuất đến quảng bá, gieo niềm tin, rồi kết thúc bằng những cuộc "chạy" bôi trơn và bán trót lọt sản phẩm chống dịch với giá trên trời.
Điều này nói lên cái gì? Phải chăng nạn tham nhũng không chịu dừng lại ở mức tha hóa từng cá nhân hoặc nhóm lợi ích nhỏ. Vòi bạch tuộc của nó có dấu hiệu vươn xa, phối hợp nhiều cấp, nhiều ngành, siết chặt lấy những người quyền cao chức trọng?
Đại án "kit xét nghiệm" là hiện tượng đặc biệt. Ngay cả cán bộ có cống hiến, có chức vụ cao cũng không thoát khỏi ma lực của đồng tiền.
Những người như các ông Nguyễn Thanh Long - cựu bộ trưởng Bộ Y tế, Chu Ngọc Anh - cựu bộ trưởng Bộ KH&CN, Phạm Xuân Thăng - cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương... đều là cán bộ có tầm cỡ nhưng lại bất chấp tất cả, ăn hối lộ cả trong hoàn cảnh đau thương như dịch COVID-19.
Điều đó chứng tỏ tham nhũng có thể phát sinh bất cứ lúc nào nếu có cơ hội thuận tiện hoặc việc giám sát quyền lực bị buông lỏng.
Bài học kế tiếp chính là công tác quản lý. Phan Quốc Việt quá dễ dàng trong việc thông qua một vài cán bộ để chiếm đoạt đề tài nghiên cứu chế tạo sinh phẩm kit xét nghiệm, gây thiệt hại 19 tỉ đồng.
Không dừng lại ở đây, Phan Quốc Việt còn tổ chức công bố rùm beng, sai sự thật về sản phẩm của mình, rồi đem bán với giá cao ngất ngưởng. Phan Quốc Việt chui qua tất tần tật các cửa, mặc cung cách quản lý vốn luôn bị phàn nàn là phức tạp, thủ tục phiền hà, nhiêu khê.
Ngoài yếu tố tiêu cực, không loại trừ những sơ hở, vô tâm vô tứ đến mức ngạc nhiên, thậm chí không hiểu nổi.
Chẳng hạn như Bộ Y tế hiệp thương xác định giá 470.000 đồng/kit xét nghiệm là không có cơ sở, có ý kiến cho rằng quá đắt, nhưng không thấy ai đó đặt một dấu chấm hỏi trước dư luận tỏ ý nghi ngờ.
Bài học muôn thuở là "nhận quà cảm ơn". Tương tự vụ "chuyến bay giải cứu", hình thức hối lộ trong vụ đại án "kit xét nghiệm" vẫn là túi "quà cảm ơn" chứa khoản tiền kếch xù. Từ câu chuyện nhận quà của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh cho thấy vấn nạn "nhận quà cảm ơn" là khá phổ biến.
Đôi khi nó được coi là một cách bình thường như trường hợp ông Chu Ngọc Anh nói rằng quên luôn trong phòng làm việc. Họa đều từ những "túi quà" mà ra, nó làm cho tâm trí rối loạn, dẫn dắt người ta đi vào con đường nô lệ, tự hủy diệt mình.
Chợt nhớ lại, mới trước đó, năm 2019, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son lãnh án chung thân vì nhận hối lộ trong vụ án MobiFone - AVG. Vậy mà...!
Đại án "kit xét nghiệm" đang đi tới hồi kết. Nhưng đừng quên cái đường dây tham nhũng bệnh hoạn này. Sẽ rất đáng trách nếu để nó tiếp tục tái phát!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận