Phóng to |
Những học trò nghèo làng Artơman năm ấy - Ảnh: TRÚC MAI |
Tôi đã được học bài học đầu tiên về yêu thương và chia sẻ, điều vốn rất xa lạ khi tôi chỉ biết sống trong sự bảo bọc của gia đình từ hồi mẫu giáo đến tận bấy giờ.
Những đứa trẻ ở làng
Đội chúng tôi đóng quân tại làng Artơman - ngôi làng xa xôi hẻo lánh và có nhiều hộ nghèo nhất của huyện Mang Yang (Gia Lai). Chúng tôi vận động trẻ đến lớp học hè ngay ngày thứ hai của chiến dịch. Nhờ già làng và anh Núi - bí thư chi đoàn của làng - giúp nên đã có 37 em trong ba lớp học tại trường tiểu học của làng.
Chúng tôi chọn cách vừa học vừa chơi để các em thấy thoải mái, không áp lực hay ghét cái chữ. Sau mỗi giờ học là giờ chơi mà phần thưởng dành cho người chiến thắng thường là bánh kẹo. Có hôm lại “dụ” các em ngồi im để cắt tóc, cắt móng tay móng chân, dẫn đi tắm như phần thưởng cho những giờ học chăm chỉ. Chúng tôi đã không còn phải đến từng gia đình vận động các em đi học nữa mà những ngày sau đó các em đã đứng trước cửa nhà chờ “thầy cô” thức dậy lên lớp.
Cuộc sống khó khăn, các em phải phụ cha mẹ làm nương rẫy nên cũng chẳng mấy gia đình quan tâm chuyện học hành của các em. Lớp 2 chưa thuộc bảng cửu chương, nhiều em lớp 5 chưa đánh vần tròn chữ. Đào đất bắt dế, lên rừng bẻ măng, tìm mật ong... đã trở thành việc quen thuộc của các em để có thêm cái ăn cho cả nhà. Có em chỉ có duy nhất một bộ đồ, hôm nào đem giặt thì tạm quấn khăn chờ quần áo khô trong cái lạnh đến cắt da. Nhưng những đôi mắt tròn xoe vẫn say sưa với từng con chữ, phép tính của lớp học giữa bản. Tôi bỗng thấy mình đang có quá nhiều để có thể cho đi khi nhìn vào những đôi mắt ấy.
Vun đắp niềm tin
Làng Artơman nằm gần dãy Trường Sơn hùng vĩ. Con đường của xã Đê Ar dẫn vô làng ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa lại trơn trượt, lầy lội. Để vào tới làng phải qua con suối mà khi nước lớn ngay người trong làng cũng ít ai dám qua. Ở đây có khoảng 52 hộ đồng bào Ba Na. Họ sống chủ yếu bằng việc đốt nương làm rẫy. Bữa ăn thường chỉ vài thứ rau rừng làm canh, bắp chuối rừng luộc chấm nước mắm cùng vài con cá khô, nhà nào khá lắm mới có ít thịt.
Ngày đầu chúng tôi đặt chân đến, dân làng cứ lấp ló trong nhà nhìn ra. Vài bữa rồi cũng quen, đám trai tráng trong làng rủ các bạn nam lên rừng chặt cây về làm chuồng bò, giúp chúng tôi sửa lại nhà cho các cụ già neo đơn, rồi sửa điện, sửa nhà giúp dân, đào mương nước... Chúng tôi đến từng nhà tặng quần áo, gạo và nói với họ về việc cần ăn chín uống sôi, kế hoạch hóa gia đình.
Một tháng ở đây, chúng tôi thân với mọi người trong làng. Có khi họ lại đem qua cho vài trái bắp, trái bí, có khi là cả buồng chuối. Họ sống đoàn kết và yêu thương nhau, thành thật và chân tình với nhau trong từng lời nói, tiếng cười. Sống trong không gian ấy, tôi đã tự nhóm cho mình ngọn lửa yêu thương, cảm thấy vui khi được giúp đỡ người khác. Tôi đã học được cách biết lắng nghe, biết khích lệ người khác vững tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bài học đầu đời về cách sống tốt đẹp giữa người với người từ Mùa hè xanh 2007 đã là một phần trong hành trang của tôi mãi đến hôm nay.
Cuộc thi “Ký ức một thời tình nguyện” tiếp tục nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Thị Thảo (Bình Dương), Bùi Trung Hiếu (Nhà Bè, TP.HCM), Hoàng Thanh Hòa (ĐH Kinh tế TP.HCM), Huỳnh Quang Công (cựu chiến sĩ ĐH Luật TP.HCM), Lê Hồng Trúc Mai (Gia Lai), Lê Thị Tú (ĐH Luật TP.HCM), Nguyễn Hữu Thương (ĐH Bách khoa TP.HCM), Nguyễn Lê Cát Tường (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Nghĩa Vi Dân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thành Nhân (ĐH Luật TP.HCM), Nguyễn Thanh Tùng (Q.5, TP.HCM), Nguyễn Thị Quỳnh Châu (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM)… (còn tiếp) Trân trọng cảm Đề cử “Quả cầu vàng 2013” đón nhận bài dự thi của các bạn đến hết ngày 15-8. |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận