Phóng to |
Trò chơi Flappy Bird đã không còn hiện diện trên ho ứng dụng của hai hệ điều hành iOS và Android từ rạng sáng 10-2-2014 |
Nếu như những ngày trước, sự thành công choáng ngợp của game di động Flappy Bird do chàng trai Việt 29 tuổi Nguyễn Hà Đông viết gây “phong ba bão táp” trên các phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu thì việc tác giả gỡ bỏ game này lại tiếp tục khuấy động giới truyền thông đại chúng.
Lúc 2g02 ngày 9-2, Hà Đông đã đưa lên mạng xã hội Twitter dòng tin bằng tiếng Anh: “Tôi xin lỗi những người dùng Flappy Bird, 22 giờ kể từ bây giờ, tôi sẽ gỡ Flappy Bird xuống. Tôi không phổ biến game này nữa”. Chỉ hai phút sau, anh đưa thêm tin nhắn mới: “Chẳng có chuyện gì liên quan tới các vấn đề pháp lý cả. Tôi chỉ không thể giữ nó nữa”. Và tới 2g26 Đông viết tiếp: “Tôi cũng không bán Flappy Bird, xin đừng hỏi”.
Được đưa lên App Store từ tháng 5-2013, và tới tháng 11-2013 game Flappy Bird bắt đầu trở nên nổi tiếng. Tác giả thú nhận mình không hề dùng một phương cách quảng bá nào cho game mà tự “tiếng lành đồn xa”. Tới nay đã có hàng chục triệu lượt người tải Flappy Bird.
Sự cuốn hút đến mức gây nghiện của Flappy Bird chính là từ yếu tố đơn giản và đầy thách thức, dễ chơi nhưng khó thắng, luôn đòi hỏi người chơi phải vượt lên chính mình. Nhiều người chơi nhận xét: đây là game khó chơi nhất mà họ từng gặp. Game này không dành cho những ai đang bị stress và có tính khí dễ nổi nóng, mất bình tĩnh.
Game Flappy Bird càng mang tính “kỳ bí” hơn khi tác giả của nó cố gắng không lộ mặt ra trước công chúng. Anh không trả lời báo chí, ngoại trừ một số thông tin được anh chia sẻ qua email với trang mạng công nghệ TechCrunch của nước ngoài. Chủ yếu, Hà Đông giao tiếp qua tài khoản của mình trên mạng xã hội Twitter và cũng chỉ bằng tiếng Anh.
Nhưng trong những ngày qua, sau khi Flappy Bird trở thành “sự kiện hot”, bên cạnh những thông tin về lợi nhuận khổng lồ mà tác giả có thể thu được, người ta bắt đầu nói tới những nguy cơ Hà Đông bị kiện tụng vì bản quyền đồ họa mà anh sử dụng cho game này lấy từ những nhà phát triển khác, đặc biệt là Hãng Nintendo với game Super Mario Bros. Rồi còn cả chuyện có thể bị truy thu thuế từ khoản tiền thu được...
Theo trang The Verge, mặc dù là ứng dụng miễn phí, game Flappy Bird đã mang về cho tác giả khoảng 50.000 USD mỗi ngày từ nguồn thu quảng cáo kèm theo game. Cho tới nay đây vẫn là thông tin không được kiểm chứng. Nhưng rõ ràng là có ai đó hưởng lợi.
Rõ ràng là sự nổi tiếng của Flappy Bird nằm ngoài sự hình dung của chính tác giả. Hà Đông tâm sự anh chủ yếu vẫn phát triển những game đơn giản chỉ mất vài phút để chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhưng với yêu cầu là phải “vừa khó vừa vui”. Với suy nghĩ đơn giản như vậy, Hà Đông thoải mái “mượn” lại một số đồ họa từ những game nổi tiếng trước đây. Như trong Flappy Bird là chiếc ống nước màu xanh lá của trò chơi Super Mario Bros.
Vậy đây chính là cái gót chân Achilles của tác giả. Bình thường thì chẳng sao, nhưng một khi đã trở thành nổi tiếng và thu được lợi nhuận lớn, anh chắc chắn sẽ bị truy cứu chuyện bản quyền về đủ thứ cái trong game, từ hình ảnh, tên gọi, kiểu chữ, âm thanh cho tới cả cách chơi và những đoạn mã lập trình. Cho dù là vô tình thôi, anh cũng có thể bị cho là “ăn theo” hai cái tựa game nổi tiếng một nay Angry Bird và một xưa Super Mario Bros.
Tôi nghĩ rằng sau khi ổn định tinh thần, Hà Đông có thể làm lại game này, thay những chiếc ống nước “ngoại lai” bằng những thân tre xanh “thuần Việt”, để rồi con chim kia tiếp tục vỗ cánh mà đi “chọc tức” thiên hạ.
Bất luận thế nào, game Flappy Bird của một nhà phát triển phần mềm Việt trẻ tuổi cũng đã gây được tiếng vang trên toàn cầu và được hơn chục triệu người tải về chơi. Sự việc này đem lại nhiều bài học cho cộng đồng, đặc biệt là giới phát triển phần mềm, ứng dụng di động. Các nhà bình luận về công nghệ game nhấn mạnh rằng sự thành công của game Flappy Bird đã cho giới phát triển ứng dụng di động hiểu hơn về nhu cầu và ý thích của người dùng thế hệ mới. Có những cái thoạt trông rất đơn giản nhưng lại đem lại sự thành công vang dội.
Hi vọng rằng bài học từ Flappy Bird sẽ không làm chùn tay các bạn trẻ mà có giá trị tích cực thúc đẩy họ làm tới hơn nữa trên con đường lập nghiệp. Chỉ có điều làm bất cứ điều gì không phải cho riêng mình thì phải hiểu và tuân thủ các luật chơi, nhất là trên thương trường quốc tế.
Ông TRẦN VIẾT QUÂN(đại diện Hãng điện thoại Mobiistar): Tiếc nuối Quyết định gỡ bỏ trò chơi trên các kho ứng dụng là quyết định của cá nhân tác giả. Dù vậy bản thân tôi cũng có phần cảm thấy tiếc nuối với quyết định này. Có lẽ trong quyết định có một phần từ áp lực quá lớn của truyền thông, cộng đồng mạng hay cả các cá nhân, tổ chức... Mọi động thái đều bị soi, các phát ngôn có thể trở thành một chủ đề bị bình luận có lẽ đang khiến Đông rất mệt mỏi. Ông HUỲNH THANH PHI(trưởng phòng truyền thông Công ty Q-mobile): Cần sự chuẩn bị tốt hơn Đây là lần đầu tiên một trò chơi được cả truyền thông thế giới và trong nước quan tâm “quá mức” mà không có bất cứ một sự chuẩn bị hoặc ứng phó nào. Có lẽ Nguyễn Hà Đông cũng không dự đoán được thành công cũng như sự quan tâm của truyền thông với chính “đứa con” của mình. Truyền thông là con dao hai lưỡi, chính nó giúp Flappy Bird nổi tiếng và cũng chính nó giết chết trò chơi này. Hi vọng trong thời gian tới, Đông sẽ có những bước chuẩn bị tốt hơn trước khi tung ra một sản phẩm khác, cũng “khuấy đảo” truyền thông trong nước và thế giới nhưng không phải kết cục như Flappy Bird. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận