15/06/2013 05:08 GMT+7

Bài học "siết bulông"

HẢI THI
HẢI THI

TT - Những ngày qua học viên các trường nghề có tin vui: lần đầu tiên, Thành đoàn TP.HCM trao thưởng phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”. Theo đó, các thợ nghề tương lai được tôn vinh khi hội đủ ba tiêu chí: đạt thành tích cao trong học tập và các cuộc thi tay nghề, năng nổ hoạt động phong trào và có đạo đức tốt.

ii8pa7nX.jpgPhóng to
Học sinh ngành công nghệ ôtô chật vật với nội dung thi siết bulông bằng phương pháp cảm nhận lực trong Hội thi học sinh giỏi nghề năm 2013 - Ảnh: H.THI

Được vinh danh là đáng tự hào. Học nghề giỏi, thi nghề giành giải cao, được bạn bè công nhận nhiệt tình, sống có tâm càng là chuyện mừng. Nhưng nhiệm vụ lớn nhất của học sinh nghề là: thạo tay nghề, thành thợ giỏi. Tuy nhiên, trong khi các hội thi nghề được tổ chức ngày càng rộng khắp, ngày càng nhiều học sinh nghề nhận danh hiệu tay nghề giỏi trong nước và khu vực thì doanh nghiệp vẫn than thở: chất lượng tay nghề của học sinh nghề chưa cao, sự thạo nghề của học sinh chỉ dừng ở mức học thuật chứ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tại hội thi học sinh giỏi nghề ngành công nghệ ôtô tổ chức tại hội đồng thi Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm (Q.6) mới đây, hội đồng thi liên kết với doanh nghiệp trong khâu ra đề, hỗ trợ kỹ thuật, chấm thi. Doanh nghiệp được mời là Toyota Biên Hòa. Năm nay, Toyota ra một đề thi tưởng như giỡn với các thợ nghề nhưng lại “khó nuốt” với học sinh: siết bulông.

Cái cờlê là biểu tượng của ngành công nghệ ôtô, sử dụng thuần thục cờlê siết bulông là yêu cầu kỹ năng tối thiểu ở thợ nghề. Vậy mà 100% thí sinh được hỏi sau khi kết thúc bài thi gồm bốn phần kỹ năng cơ bản, đại tu động cơ, đo kiểm điện, kỹ năng chẩn đoán cho biết nội dung siết bulông của phần thi kỹ năng cơ bản gây khó cho các bạn nhất, trong khi các nội dung “cao siêu” khác lại được học sinh nghề hoàn thành không mấy khó khăn!

Nguyên nhân là ở trường học sinh luôn được sử dụng cân lực để đo lường lực siết mạnh hay yếu, đạt yêu cầu kỹ thuật hay chưa. Trong khi ở hội thi ban giám khảo - tức doanh nghiệp - không cho sử dụng cân lực mà đòi hỏi thí sinh phải cảm lực. “80% công việc thực tế của người thợ máy cần khả năng cảm lực chuẩn xác, không phải siết một con ốc, một cái bulông cũng phải dùng cân lực để đo. Học sinh nghề học rất nhiều thứ mà kỹ năng cơ bản nhất là siết bulông lại kém sao làm thợ được!” - ông Ngô Minh Trung, trưởng phòng đào tạo Toyota Biên Hòa - trưởng ban giám khảo cuộc thi ngành công nghệ ôtô, giải thích.

Cười buồn trước thực trạng này, ông Huỳnh Tấn Thuyết, phó giám đốc Toyota Biên Hòa, cho biết hiện nguồn kỹ thuật viên, thợ máy của doanh nghiệp chủ yếu từ học sinh các trường nghề. Nhưng do thiếu sự liên kết giữa trường nghề và doanh nghiệp mà nhiều trường xây dựng khung đào tạo không khớp với nhu cầu tuyển dụng, dẫn đến hệ quả doanh nghiệp phải đào tạo lại khi nhận thợ. “Trung bình một học sinh nghề mới ra trường phải được đào tạo lại trong thời gian ít nhất một năm mới có thể đảm đương những việc của một kỹ thuật viên cơ bản. Vì vậy, nếu doanh nghiệp sớm nhúng tay vào quy trình đào tạo nghề có thể tiết kiệm được thời gian hao phí trên. Thợ được đào tạo ra cũng đảm bảo tính thực dụng, đủ kỹ năng theo nhu cầu doanh nghiệp” - ông cho biết. Hiện Toyota Biên Hòa đang liên kết với ngành công nghệ ôtô Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm trong đào tạo.

Từng dự giờ các tiết dạy nghề, ông cho biết thêm: hiện nhiều giáo viên trường nghề quá chú trọng vào lý thuyết mà không chú trọng dạy kỹ năng cơ bản - yêu cầu then chốt của nhà tuyển dụng với thợ nghề. “Vậy mà nhiều trường vẫn cứ khuyến khích giáo viên nghề học lên cao học - ông nói - Thay vì vậy, nên đẩy đội ngũ giảng dạy vào các doanh nghiệp để họ nắm được công việc thực tế của người thợ, từ đó có cách đào tạo nghề thiết thực hơn”.

Ở các nước phát triển, thế chân vạc giữa trường nghề - nhà nước - nhà tuyển dụng rất chặt chẽ, đảm bảo học sinh nghề ra trường là những thợ giỏi, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Ở nước ta, do mối liên kết tay ba còn yếu nên vẫn còn tình trạng mở nhiều ngành đào tạo, thợ ra trường nhiều nhưng đa số phải đào tạo lại, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp lẫn người lao động. Được biết trong thời gian sắp tới, chí ít là trong khuôn khổ hội thi học sinh giỏi nghề hằng năm, Thành đoàn TP sẽ mở rộng mô hình liên kết doanh nghiệp trong tổ chức thi nghề ở các ngành điều dưỡng, kế toán... Nếu thực hiện được và liên tục nhân rộng, hẳn đây là tín hiệu mừng cho học sinh các trường nghề.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên