21/03/2018 09:57 GMT+7

Bài học nhân văn từ phụ huynh

HẰNG NGA (TP.HCM)
HẰNG NGA (TP.HCM)

TTO - Năm 2001, tôi về công tác tại trường mầm non thuộc một quận vùng ven TP.HCM. Do mới ra trường nên tôi được ban giám hiệu bố trí dạy chung lớp chồi với một giáo viên lâu năm.

Bài học nhân văn từ phụ huynh - Ảnh 1.

Ở bậc mầm non càng phải cần đến sự kiên trì trong dạy dỗ học sinh. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với việc hình thành tính cách và nhân cách các em sau này - Ảnh: Hằng Nga

Hai chị em rất hợp tính nhau nên công việc luôn diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, chưa hết học kỳ 1 lớp tôi xảy ra sự cố đáng tiếc. Một bé gái trong lúc nô đùa đã vấp phải chân bạn khác và bị ngã. Tôi cùng một số cán bộ của trường liền đưa bé vào bệnh viện khám. Kết quả chụp X-quang khiến tôi rụng rời: bé bị gãy cánh tay trái.

Trong lúc chị giáo viên dạy chung gọi điện báo phụ huynh, tôi ngồi chăm bé mà tim như muốn rơi khỏi lồng ngực. Trước đó, tôi hình dung cha mẹ bé sẽ nổi đóa, tức tốc đến "hỏi tội" hai cô. Cơn thịnh nộ của phụ huynh chuẩn bị trút xuống đầu chúng tôi là điều chắc chắn.

Nhưng thật không ngờ, lo lắng của tôi đã nhanh chóng được giải tỏa. Cha mẹ cháu bé xuất hiện tại bệnh viện với vẻ mặt bình tĩnh. Sau khi an ủi con gái và hỏi thăm bác sĩ về chấn thương của con, hai anh chị nhẹ nhàng nói với chúng tôi: "Bé tuy là con gái nhưng hiếu động và nghịch lắm. Ở nhà cháu cũng hay bị ngã do chạy nhảy, bó bột vài tuần sẽ lành thôi".

Khỏi phải nói chúng tôi vui mừng và cảm động đến mức nào. Mỗi buổi tối chúng tôi đều đến nhà thăm cháu và luôn nhận được lời nói chân tình của anh chị: "Chuyện xảy ra ngoài ý muốn, các cô đừng buồn. Ở nhà chúng tôi canh chừng hai anh em nó đã khó rồi, huống gì hai cô phải trông tới 40 cháu".

Chúng tôi ráng kìm những giọt nước mắt đang chực trào ra. Đáng lẽ họ là người cần được chúng tôi động viên mới đúng. Đằng này thì ngược lại. Nhìn căn nhà nhỏ bé của anh chị mà tôi chạnh lòng. Tài sản chẳng có gì đáng giá khi vợ làm công nhân lương thấp, chồng là thợ hồ công việc không ổn định. Ba tuần bé phải nghỉ học cũng là chừng ấy thời gian họ thay nhau ở nhà chăm con.

Lúc chúng tôi gửi quà cho bé, hai vợ chồng nhất định không nhận phong bì, chỉ đồng ý nhận mấy hộp sữa vì cô đã lỡ mua. Anh chị cho biết hay được nghe con kể về tình thương và sự quan tâm của các cô dành cho học trò trên lớp. Công ơn cô chăm sóc, dạy dỗ bé gia đình chưa biết lấy gì đền đáp.

Bài học vô giá từ hai phụ huynh vốn là những người dân lao động bình thường đã theo tôi suốt 17 năm gắn bó với nghề. Là con người ai chẳng muốn mình được yêu thương. Nuôi dạy trẻ bằng tất cả tình cảm và tấm lòng sẽ có lúc được nhận lại thành quả mình đã gieo trồng. Chừng ấy thời gian làm công việc như người mẹ thứ hai của học sinh, tôi chưa bao giờ phải dùng đến "bàn tay" khi các em phạm lỗi mặc dù không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, giận dữ.

Ở bậc mầm non càng phải cần đến sự kiên trì trong dạy dỗ học sinh. Bởi nó sẽ ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với việc hình thành tính cách và nhân cách các em sau này. Hình phạt nào cũng phải có giới hạn, còn tình thương thì vô hạn. Đừng quên rằng trẻ từ lớp mầm đã biết "tường thuật" lại đầy đủ với cha mẹ về những phát ngôn, hành động của cô giáo ở trường. "Cô giáo như mẹ hiền", bốn chữ ấy ý nghĩa lắm!

"Đòn roi" không giúp các em tiến bộ

Tôi rất hiểu và thông cảm với tâm trạng của những đồng nghiệp khi gặp phải tình huống học trò "khó bảo". Thế nhưng "no mất ngon, giận mất khôn", ngay cả la mắng các em cũng cần thận trọng, tuổi học trò rất dễ bị tổn thương và luôn thừa tính tự ái. Nếu không cẩn thận sẽ đụng vào vùng "nhạy cảm" về tâm lý các em. Không có phương pháp sư phạm nào dùng để cảm hóa giúp các em tiến bộ mang tên "chiếc roi". Một đứa trẻ sớm "chai đòn" sẽ là điều rất đáng lo. Khi phải lớn lên bằng những hình phạt có dáng dấp vũ lực đương nhiên các em sẽ hành xử tương tự lúc vào đời.

HẰNG NGA (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên