Chuyện lâu lắm rồi mà sao tôi không quên được. Nó đã học một bài học bạo lực từ chính gia đình mình và nó hành xử như một con thú rừng bị thương, sẵn sàng cắn ai gần đó để vơi bớt niềm đau của chính mình. Tôi mong mình có thể an ủi nó nhiều hơn. Minh họa: BÍCH KHOA Chiều nay nhận một email do chính “nó” viết: “Cô ơi, em đang chuẩn bị thi vào cao đẳng ngành cơ khí. Làm thợ bậc 3/7 cũng tốt mà cô?... Tháng trước em có việc làm thêm rồi, em có thể nuôi mẹ, nuôi ngoại và em gái rồi. Em làm trong xưởng gỗ... Sau này em cũng vừa làm vừa học...”. Vâng, chuyện cách đây bốn năm... Nó xuất hiện trong phòng tư vấn của tôi trong một bộ dạng mà nhiều giáo viên cũng sẽ phát khiếp: quần áo dơ bẩn, nhếch nhác, đầu tóc bù xù và chân tay thì trầy trụa, đầy vết thương. Nó tên là Tr.Q. và đến đây không vì... tự nguyện. Cô hiệu trưởng “đẩy” nó đến. Nó nói: “Em đánh nhau nhiều lần nên cô hiệu trưởng đuổi học hai ngày. Chừng nào làm việc với cô xong thì cô viết giấy cho cô hiệu trưởng giùm....” Tôi mời nó ngồi, cũng rót nước và dọn một bộ mặt an vui nhất: “Em đừng ngại gì khi nói chuyện với cô hết nha. Cô là bạn của mấy em mà”. Nó ngồi xuống, uống nước và nhìn quanh có vẻ bất an. Nó tránh nhìn tôi. Tôi vào đề rất... sốc: “Sao? Toàn là bạn đánh em thôi phải không? Rồi cô hiệu trưởng đổ hết cho em là em gây rối? Phải vậy không em?”. Nó nhìn tôi, ngạc nhiên không nói nên lời. Rồi nó cúi xuống nhìn ly nước, băn khoăn một lát: “Không... Không phải vậy. Thường thì em kiếm cớ gây sự trước. Rồi thì em đánh bạn trước...”. Tôi cười thân thiện hơn chút nữa: “Em rất thành thật, cô rất thích sự thành thật... Bây giờ thì em kể một chút về gia đình em cho cô nghe đi”. Nó ậm ừ, ậm ừ mãi rồi nói: “Nhưng kể ra rồi chắc cô ghét em, em không muốn kể với ai về gia đình mình hết. Có gì hay đâu mà cô kêu kể...”. “Không, cô chỉ không thích ai nói dối về bản thân chứ người thành thật như em cô rất mến, bất kể họ xuất thân ra sao, gia đình làm nghề gì... Với lại em là bạn của cô mà, em cứ kể hết, không ai ghét hay cười em cả”. Nó kể chắp vá, ngập ngừng và đôi khi nghẹn ngào... “Nhà em nghèo lắm. Mẹ em sinh ba đứa con mà em là con giữa, trước em có một anh và sau em có một em gái nhỏ. Mẹ khi thì làm thuê trong xưởng bánh kẹo, khi thì quét dọn trong mấy công ty gần nhà. Ba em phụ hồ nhưng ba không chịu đi làm lại hay uống rượu và đánh mẹ. Có khi ba không cho cả nhà ngủ, cứ rượt đánh anh em, mẹ em suốt đêm, không cho ai ngủ. Sau đó khi em gái em lên 3 tuổi, ba mẹ ly hôn, anh hai của em chán đời bỏ nhà đi mất. Em và em gái ở với mẹ. Thế nhưng khoảng một năm trước mẹ lấy chồng khác nên giao em và em gái cho ngoại nuôi. Bà ngoại làm nghề bó chổi mà một cây chổi bán được có 20.000 đồng, một ngày bán được một hay hai cây là cùng. Nói vậy cô hiểu rồi mà, nhiều khi trong nhà chẳng có gì ăn. Em ra chợ ai thuê gì làm nấy, mua rau cải từ cuối chợ lên đầu chợ bán, đi bỏ mối bánh mì lòng vòng nữa. Có một vài lần vào chiều tối nhớ mẹ quá, em tới quán mà mẹ làm thuê tính thăm mẹ. Mẹ bây giờ làm nghề rửa chén trong mấy quán ăn. Ai có ngờ em thấy cha dượng đánh mẹ quá chừng. Ổng đánh, ổng nắm tóc mẹ, ổng đập đầu mẹ vào tường... Ổng bảo đưa tiền cho ổng mua bia mà mẹ không có tiền nên ổng đánh đập cho lòi tiền ra. Ổng đánh mẹ có khác gì ba đâu. Ổng ta cũng say xỉn không khác gì ba cả. Không biết sao mẹ bỏ anh em của em mà lấy cái ông nghiện rượu này... Hôm tháng trước, ghét ổng quá nên em rình lấy đá ném ổng lỗ đầu rồi em chạy mất. Em cũng không dám thăm mẹ nữa, lỡ mẹ biết em làm chuyện đó thì chết. Em cũng đang kiếm anh hai để hợp sức đánh ông này thêm một trận nữa. Nghe nói anh hai em hay đi làm thuê ở bến xe buýt mà em chưa kiếm ra...”. Tôi hỏi em: “Sống trong vòng luẩn quẩn với trả thù, trả thù... làm sao em thấy vui được hả em? Cho cô địa chỉ, cô sẽ tới nói chuyện với mẹ em, khuyên mẹ quay về lo cho con cái. Nhưng em phải hứa với cô là không đánh bạn nữa nghe em. Đánh bạn, bạn đau về thân thể ít thôi nhưng đau lòng thì nhiều, tổn thương trong lòng thì nhiều, em biết không? Đâu phải ba ruột hay ông dượng làm tổn thương em là em có quyền làm tổn thương bạn bè em phải không?”. Q. cúi đầu suy nghĩ, mắt đỏ hoe... Rồi nó hứa sẽ không đánh bạn nữa, nó cũng hứa sẽ tới thăm tôi. Tiễn Q. về mà lòng tôi nặng nề... Nó đã học một bài học bạo lực từ chính gia đình mình và nó hành xử như một con thú rừng bị thương, sẵn sàng cắn ai gần đó để vơi bớt niềm đau của chính mình. Tôi mong mình có thể an ủi nó nhiều hơn. Hơn tháng sau nó trở lại, ngập ngừng ở cửa mãi rồi lí nhí: “Nhờ cô khuyên mà mẹ em về ở với em và em gái rồi...”. Nó chìa cho tôi trái ổi và chạy mất. Cho đến hôm nay... Tags: Bài học cuộc sống
Cấm nhiều đường ngày 30-4, metro chạy từ 4h30 đưa khách tiếp cận trung tâm TP.HCM THU DUNG 28/04/2025 Metro số 1 dự kiến chạy từ 4h30 đến 23h ngày 30-4 và đưa hành khách đến nhiều khu vực trung tâm có đội hình diễu binh, diễu hành đi qua.
Trực tiếp: Tổng duyệt trình diễn 10.500 drone trên sông Sài Gòn tối 28-4 28/04/2025 Tối nay 28-4, vào lúc 20h30 đến 20h45 trên khu vực sông Sài Gòn, TP.HCM diễn ra buổi tổng duyệt trình diễn 10.500 drone - một trong những hoạt động thuộc chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được thăm cán bộ, chiến sĩ làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 HỮU HẠNH 28/04/2025 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã đến thăm, tặng quà tri ân các cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.
Vụ sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả: Bắt 4 người liên quan việc 'chạy án' DANH TRỌNG 28/04/2025 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 người tham gia 'chạy án' liên quan vụ sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả.