Không chỉ Trung Quốc và Philippines, Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với đá Ba Đầu. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có ngang nhiên biến Ba Đầu thành sự kiện bãi cạn Scarborough thứ hai hay không?
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng lên tiếng trên Twitter sẵn sàng bảo vệ Philippines trước các tàu dân quân Trung Quốc.
Mặc dù ông Blinken nói thêm là Mỹ sẵn sàng ủng hộ các đồng minh và trật tự quốc gia dựa trên luật lệ, nhưng có vẻ Mỹ đã thể hiện họ sẽ ủng hộ ai. Trong khi đó, tổ chức ASEAN vẫn chưa thấy lên tiếng.
Hôm 28-3, thượng tướng Phan Văn Giang - tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đánh giá Biển Đông đang diễn biến căng thẳng, thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đã từ lâu tình trạng căng thẳng ở Biển Đông không còn quay xung quanh việc các tàu chiến hằm hè chĩa súng vào nhau. Trung Quốc đã chuyển biến nó sang hình thức "đội lốt" dân sự đủ thiên hình vạn trạng từ giàn khoan di động cho đến các tàu cá có trang bị thiết bị hải trình tối tân và vũ khí hạng nặng, cũng như các tàu hải dương địa chất to như một tuần dương hạm.
Chiến thuật mà các học giả phương Tây gọi là chiến thuật vùng xám nhưng Trung Quốc không bao giờ thừa nhận.
Về mặt địa chính trị và địa chiến lược, đá Ba Đầu nằm cách đá Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm vào năm 1995 chỉ 50 hải lý. Hiện tại Vành Khăn không còn là một rạn san hô tự nhiên mà trở thành một đảo nhân tạo bồi đắp với nhiều cơ sở quân sự.
Đá Ba Đầu hiện là một rạn san hô hình chữ V với diện tích khoảng 10km2, không có người ở và chỉ nổi một phần khi nước triều xuống. Đá Ba Đầu có thể chung số phận nếu Trung Quốc chiếm được. Lúc đó Trung Quốc sẽ dần hoàn chỉnh hệ thống các đảo nhân tạo kiêm căn cứ quân sự ở khắp khu vực Biển Đông.
Một bài học không bao giờ cũ nếu vẫn được lặp lại. Năm 2012, Trung Quốc cũng sử dụng các "tàu cá" đánh bắt hải sản ở bãi cạn Scarborough, vốn cách đảo lớn Luzon của Philippines chỉ 230km, nhưng lại cách Trung Quốc tới 1.000km, để bắt đầu cuộc căng thẳng. Sau khi Trung Quốc đẩy kịch tính lên cao, tàu Philippines đồng ý rút đi theo thỏa thuận, nhưng tàu Trung Quốc vẫn ở lại bất chấp cam kết.
Tháng 12-2020, thiết bị vệ tinh chụp thấy Trung Quốc sử dụng các tàu cá dân quân neo đậu ở đá Ba Đầu với lý do tránh bão và các tàu này vẫn không chịu "đánh cá" cho đến nhiều tháng sau đó. Đến cuối tháng 3-2021, hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu.
Dường như bài học bãi cạn Scarborough lại quay trở về: thỏa thuận cùng rút tàu sẽ chỉ giúp ích cho Trung Quốc. Philippines chắc chắn không muốn cắn trái đắng thêm một lần nữa. Việt Nam thì có lẽ không lạ gì chiêu trò "nói một đằng, làm một nẻo" của Trung Quốc.
Phản đối ngoại giao đối với Trung Quốc có thể được coi là thích hợp trong lúc này nhưng không phải lúc nào cũng đủ khi tàu Trung Quốc vẫn còn neo đậu lâu dài. Vấn đề đá Ba Đầu đòi hỏi một giải pháp đa phương mạnh mẽ bởi vì đặc tính của nó.
Việt Nam nên chủ động phối hợp cùng đưa ra một giải pháp chung cho đá Ba Đầu với các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các cường quốc ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Một chiếc đũa sẽ dễ bị gãy khi nó chọn đứng một mình. Trung Quốc tất nhiên luôn thích đàm phán song phương hơn đa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận