Bài học hươu cao cổ

THỤY ANH (TS giáo dục) 07/09/2011 19:09 GMT+7

TTCT - Trong một buổi học về lối sống với học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Du (Hà Nội), tôi đề nghị các em thử định nghĩa từ “định kiến”.

Giờ học diễn ra rất vui và khá sôi nổi, bắt đầu từ việc các em mô tả sự khác nhau giữa một... chú hươu cao cổ và một con kiến.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Các em thấy con kiến có thể định kiến vì nó chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của chân con voi, cho rằng con voi chỉ có mỗi việc... xéo nát các con vật bé hơn dưới chân mình. Còn hươu cao cổ thì có nhiều cơ hội để tự xóa bỏ định kiến khi đánh giá một sự vật, sự việc nào đó, biết con voi từng giúp con người kéo gỗ, từng giúp lấy nước ở sông mang đi chữa đám cháy... Đơn giản là vì hươu có cổ cao hơn, mắt nhìn nhiều hướng hơn, biết được sự vật ở nhiều góc độ.

Từ việc hiểu “định kiến là gì”, các em đưa ra những ví dụ thật trong cuộc sống của mình. Có em hiểu ra thay vì kết tội bạn luôn không tử tế với mình, em sẽ dừng lại và lắng nghe bạn giải thích vì em muốn có cái nhìn của “hươu cao cổ” - rộng hơn, nghe nhiều thông tin hơn, nhìn từ nhiều góc độ hơn chứ không khư khư giữ nguyên định kiến của mình về người khác.

Một phụ huynh có mặt trong buổi học, cuối giờ tỏ ra thất vọng vì cho con đi học kỹ năng nhưng không thấy cô dạy kỹ năng cụ thể gì. Tôi nhớ lại nhiều buổi sinh hoạt với trẻ tiểu học, cứ có chương trình pha nước chanh, gấp quần áo, quét nhà, đi siêu thị mua bán... là các bậc phụ huynh lại tỏ ra rất phấn khởi, cho rằng đó mới là những kỹ năng quan trọng cần dạy.

Lại nhớ, tôi nghe được trên Đài Tiếng nói Việt Nam tháng trước khi nói về Học kỳ quân đội của các bé trong hè, một phụ huynh phát biểu: “Tôi mong con mình sẽ trưởng thành nhiều khi xa nhà một tuần trong môi trường quân đội...”. Còn đứa con trai của anh thì tâm sự là sau một tuần ở doanh trại, “con học được cách gấp chăn màn, còn những cái khác con quên rồi ạ!”.

Làm thành thạo một việc gì đó thường được gọi là có kỹ năng. Nhưng kỹ năng đó chỉ có thể có được khi trước đó con người có nhận thức và kiến thức về vấn đề liên quan. Chẳng hạn, cậu bé tham gia Học kỳ quân đội nói trên nhìn các chú bộ đội gấp chăn màn đẹp, nhanh thấy cũng hay hay và bắt chước. Về nhà, nhớ đến việc đó thì làm thử cho vui. Nhưng được vài tuần thì chán, thôi không làm nữa.

Vậy, ta đã có thể nói cậu bé có được một kỹ năng mới hay chưa? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực”, cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày. Khả năng ấy, hành vi ấy, như đã nói ở trên, phải có một quá trình nhận thức và luyện tập mới trở thành thói quen và từ thói quen làm được thành thạo sẽ trở thành kỹ năng.

Vậy thì làm sao chúng ta có thể ngây thơ đòi hỏi ai đó trong vòng 1-2 tuần tạo được một kỹ năng cho con mình? Đó là chưa kể những công việc cụ thể như gấp quần áo, quét nhà, rửa bát..., theo tôi, người dạy con hay nhất vẫn là cha mẹ.

Mỗi gia đình có một truyền thống, thói quen riêng, thậm chí đến cả việc nấu ăn, cách pha nước chấm, cách quét nhà lia chổi ra sao, cách ủi quần áo từ đâu trước cũng có thể rất khác nhau. Và điều này tạo nên phong cách một con người. Nếu gọi đó là những “kỹ năng sống” thì học đến bao giờ cho hết?

Phải chăng quan trọng hơn cho giới trẻ là định hướng cho các em những giá trị sống quan trọng, là gốc của những kỹ năng sống mà trẻ sẽ rèn luyện và có được sau này. Phải chăng chính người lớn chúng ta cũng cần học bài học hươu cao cổ để thoát khỏi những định kiến của chính mình, có được cách nhìn bao quát hơn mọi vấn đề?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận