Hơn 10 năm trước nhà thầu Taisei của Nhật Bản cũng đã đòi thành công Bộ Giao thông vận tải “hỗ trợ” 5 triệu USD do chậm bàn giao mặt bằng thi công gói thầu từ nút giao Cầu Chui (Hà Nội) đến km45 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 5.
Điều đáng nói là ai cũng biết việc nhà thầu yêu cầu bồi thường do những nguyên nhân từ chủ đầu tư là có cơ sở, vì đã được quy định cụ thể trong hợp đồng. Vậy mà người ta vẫn để chuyện không hay tái diễn với số tiền đòi bồi thường lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Thật ra, không ít nhà thầu nội lâm phải tình cảnh như nhà thầu Tokyu khi thực hiện dự án tại Việt Nam. Nhưng vì quan hệ, vì quyền lợi riêng mà nhiều nhà thầu không dám lên tiếng đòi bồi thường. Trong những trường hợp này, chủ đầu tư thường âm thầm giải quyết bằng cách bù cho nhà thầu bằng chi phí dự phòng của dự án. Nhưng với những nhà thầu quốc tế, họ không có quan hệ kiểu “dây mơ rễ má” với chủ đầu tư nên thẳng thắn nhận nộp phạt khi họ làm chậm tiến độ, đồng thời kiên quyết đòi bồi thường khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng.
Một bài học khác, mới đây Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận để Ban quản lý dự án thoát nước vệ sinh môi trường TP Bắc Giang bồi thường 1,15 triệu euro cho nhà thầu Đan Mạch MT Hojgaard A/S (MTH) vì dự án do nhà thầu này thi công chậm một năm so với kế hoạch. Ban đầu, nhà thầu MTH đòi thanh toán thêm kinh phí phát sinh trị giá 3,645 triệu euro. Đàm phán không thành, nhà thầu MTH kiện ra Tòa án Trọng tài quốc tế tại Paris nên chủ đầu tư lại phải đàm phán, hòa giải để thống nhất thanh toán cho nhà thầu MTH số tiền 1,15 triệu euro từ ngân sách của tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang lấy tiền thu từ dân để đền bù cho nhà thầu khiến người đóng thuế không hài lòng. Còn câu chuyện ở dự án cầu Nhật Tân, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội sẽ mổ xẻ trách nhiệm, xác định bên nào chịu chi phí bồi thường cho nhà thầu Tokyu hiện vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng với người dân, những người đóng thuế nộp vào ngân sách hơn 1.066 tỉ đồng giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân và để trả hơn 10.000 tỉ đồng vay ODA thi công công trình này, nếu những người chịu trách nhiệm tiếp tục lấy tiền thuế của dân để bồi thường cho nhà thầu là điều không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án hạ tầng giao thông được tách thành các tiểu dự án độc lập và giao UBND tỉnh, TP có dự án đi qua tổ chức thực hiện (trong trường hợp dự án cầu Nhật Tân là UBND TP Hà Nội), sau đó bàn giao lại cho chủ đầu tư mặt bằng sạch để triển khai xây dựng công trình. Trách nhiệm giải phóng mặt bằng đã được phân định rõ như thế, nhưng đến nay việc xử lý trách nhiệm để chậm trễ trong câu chuyện này lại chưa được thực hiện với lãnh đạo UBND các tỉnh, TP liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận